(HNM) - Ngành tuyên giáo vừa tổ chức tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013. Một trong những vấn đề nổi bật nhất đang đặt ra với ngành tuyên giáo là những thách thức trong giai đoạn bùng nổ thông tin, truyền thông qua mạng internet phát triển mạnh mẽ.
Lấy dẫn chứng về công tác thông tin báo chí trong vụ việc mất an ninh ở Tây Nguyên cách đây gần 10 năm, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Đỗ Quý Doãn cho biết, khi vụ việc xảy ra, trong suốt một tuần báo chí trong nước "im hơi lặng tiếng". Việc này vô tình đã nhường "trận địa" tư tưởng cho các thế lực nước ngoài tha hồ "tự tung tự tác" đưa tin, bình luận. Đến khi báo chí trong nước vào cuộc thì thông tin "từ bên ngoài" đã ăn sâu vào tiềm thức nhân dân, rất khó để định hướng trở lại. Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, một việc mới xảy ra là vụ nổ pháo hoa ở Mỹ Đình năm 2010. Dù thông tin chính thức đã được cung cấp rất nhanh, chỉ sau 3 giờ, nhưng vẫn bị coi là muộn. Vì ngay sau khi vụ việc xảy ra chưa đầy 1 giờ, thông tin đã lan truyền khắp trên internet.
Một tuần là muộn và 3 giờ cũng là muộn. Có thể thấy, đòi hỏi về tốc độ vào cuộc trong công tác tư tưởng, chính trị nói chung và chỉ đạo thông tin báo chí nói riêng của ngành tuyên giáo đang ngày càng gắt gao. Nhất là khi, trong "trận địa" thông tin đó, nếu để thua cuộc, hậu họa rất khó lường. Tình hình bất ổn, bạo loạn ở các nước Bắc Phi, Trung Đông thời gian qua đều có nguyên nhân ban đầu là những thông tin có tính chất kích động được lan truyền trên internet mà không được định hướng kịp thời. Trong lịch sử xây dựng và phát triển hơn 80 năm qua, có lẽ chưa khi nào, ngành tuyên giáo lại đối diện với một "trận địa" thông tin tư tưởng phức tạp và nhiều chiều như ngày nay. Mỗi ngày có hàng nghìn thông tin sai lệch được đăng tải trên các trang tin điện tử cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nhằm tác động vào dư luận nhân dân với dụng ý xấu.
Để vạch trần sự thật hoặc ngăn những thông tin xấu không đầu độc dư luận trong nước, đòi hỏi người làm công tác tuyên giáo phải nhanh nhạy chủ động nắm bắt tình hình. Trong đó, việc phát huy vai trò của báo chí, phương tiện thông tin đại chúng có ý nghĩa then chốt. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi, cần chỉ đạo báo chí đưa tin kịp thời, chính xác về các vấn đề nóng đang diễn ra sẽ không tạo khoảng trống thông tin để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động nhân dân. Qua thông tin đại chúng còn đẩy nhanh quá trình hình thành dư luận xã hội tích cực, từ đó tạo nên sức ép của cộng đồng nhằm hỗ trợ quá trình xử lý các vụ việc phức tạp, nổi cộm.
Trên thực tế, công tác tuyên giáo, trong đó có công tác thông tin báo chí chưa phát huy tốt tính chủ động và kịp thời. Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn, hiện nay, dù công cụ báo chí lớn mạnh với hơn 800 cơ quan báo chí, hơn 1.000 ấn phẩm, hàng trăm kênh truyền hình, phát thanh, có khoảng 17.000 nhà báo chuyên nghiệp, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn bỏ trống "trận địa" tư tưởng. Nhiều vụ việc được coi là nhạy cảm, nên bị né tránh. Nội dung thông tin trên báo chí nhiều lúc lên tiếng đồng loạt, nhưng nhiều lúc lại im lặng đồng loạt, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Sự chậm vào cuộc, né tránh vấn đề vô tình đã nhường lại "trận địa" thông tin cho các thế lực phản động.
Những vấn đề trên đây cũng đã được lãnh đạo ngành tuyên giáo nhận thức sâu sắc. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên BCT, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ cho rằng, báo chí, xuất bản, tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ chính thống đang bị lấn sân bởi nhiều mạng xã hội, blog cá nhân… nhưng ngành tuyên giáo và hệ thống chính trị chưa có đối sách phù hợp, quyết liệt để xử lý. Để khắc phục trong thời gian tới, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ cho biết sẽ phối hợp với Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam đổi mới một bước công tác chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí, xuất bản theo hướng vừa chỉ đạo giữ vững định hướng, quản lý tốt, vừa tạo điều kiện cho các lĩnh vực này phát triển, hoạt động hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, vai trò và ý thức đổi mới công tác của mỗi người làm công tác tuyên giáo rất cần thiết. Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đội ngũ người làm công tác tuyên giáo, không chỉ là những cán bộ trực tiếp trong ngành mà là cả những người làm công tác báo chí, phát thanh, truyền hình... cần phải có bản lĩnh chính trị, có dũng khí đấu tranh và có trình độ chuyên môn giỏi. Tính chất và yêu cầu ngày càng cao đối với công tác tuyên giáo, trong khi tình hình diễn biến nhanh, phức tạp, đòi hỏi mỗi người làm công tác tuyên giáo phải nói được, viết được, thuyết phục được và cần phải "đi trước một bước" mới có thể làm chủ "trận địa" tư tưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.