Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thêm nhiều kinh nghiệm quý

Việt Tuấn| 30/11/2021 05:59

(HNM) - Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều chuyển biến; các vụ việc được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm… là ghi nhận của Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội qua đợt giám sát về việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện các kết luận thanh tra trên địa bàn thành phố từ tháng 1-2020 đến tháng 10-2021. Trong đó, việc bố trí cán bộ tiếp công dân, phân loại đơn thư… là những kinh nghiệm quý được đúc kết từ cơ sở, địa phương cần được lan tỏa để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Thời gian qua, quận Bắc Từ Liêm chú trọng bố trí cán bộ tiếp dân có kinh nghiệm để lắng nghe, giải thích, giải quyết tốt ngay từ đầu đối với các vụ việc. Trong ảnh: Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội khảo sát địa điểm tiếp công dân của quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Vũ Thủy

Chủ động nắm chắc tình hình

Theo Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn An Huy, thời gian qua, công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cấp, các ngành từ thành phố đến quận, huyện, thị xã quan tâm; bộ máy làm công tác tiếp công dân các cấp thường xuyên được kiện toàn. Từ tháng 1-2020 đến nay, Thanh tra thành phố tiếp nhận hơn 1.000 đơn, thư của công dân và phân loại chuyển các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đến nay, hơn 83% các vụ khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền cấp thành phố đã được xử lý.

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà thông tin, thời gian qua, quận chú trọng bố trí cán bộ tiếp dân có kinh nghiệm, kỹ năng tiếp xúc với người dân phải biết lắng nghe, giải thích, để giảm bức xúc ngay từ đầu đối với các vụ việc. Hằng tuần, lãnh đạo quận đều dành một buổi nghe báo cáo về giải quyết đơn, thư. Vì thế, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn quận đã giải quyết xong 243/278 đơn khiếu nại, 97/113 đơn tố cáo.

Bà Đào Thúy Oanh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: "Tâm lý người dân có việc bức xúc mới kiến nghị hoặc có đơn khiếu nại, tố cáo. Vì thế khi được cán bộ tiếp công dân tận tình hướng dẫn, giải thích trình tự quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc với thái độ ôn hòa thì người dân sẽ giảm bức xúc".

Còn tại huyện Chương Mỹ, theo Phó Chánh Thanh tra huyện Phùng Thị Thủy, từ năm 2020 đến nay, huyện đã tiếp nhận 1.365 đơn, trong đó thẩm quyền giải quyết của huyện là 311 vụ việc. Đến nay, huyện đã giải quyết xong 287/311 vụ, đạt 92,3%. Ngoài ra, huyện còn tổ chức thực hiện xong 7/7 quyết định giải quyết khiếu nại và 9/10 kết luận giải quyết tố cáo.

“Kinh nghiệm trong giải quyết các vụ việc là chủ động nắm chắc tình hình cơ sở; chú trọng tập huấn cho cán bộ về kinh nghiệm, kỹ năng tiếp và xử lý đơn, thư của công dân; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra. Thời gian qua, Thanh tra huyện đã vận động công dân rút 11 đơn tố cáo”, Phó Chánh Thanh tra huyện Chương Mỹ Phùng Thị Thủy nhấn mạnh.

Theo Phó Trưởng ban Tiếp công dân thành phố Lê Hồng Oanh Ngọc, cán bộ tiếp công dân, phân luồng đơn, thư từ khâu tiếp nhận rất quan trọng. Nếu việc phân loại đơn, thư không đúng địa chỉ, thẩm quyền cơ quan chức năng giải quyết thì sẽ làm vụ việc kéo dài, khiến người dân thêm bức xúc. Trước đây, ở các địa phương, thường cán bộ “yếu” được đưa về bộ phận tiếp công dân, nhưng nay đã có chuyển biến. Các quận, huyện, thị xã đều bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm làm ở bộ phận này.

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tiếp công dân theo vụ việc tại trụ sở tiếp công dân thành phố. Ảnh: Vũ Thủy

Cần xây dựng phần mềm quản lý đơn, thư

Những kết quả trên là đáng ghi nhận, song qua giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại một số đơn vị chưa được quan tâm giải quyết kịp thời từ khi phát sinh, ngay tại cơ sở nên dẫn đến hiện tượng đơn, thư vượt cấp. Một số đơn vị chưa thực hiện triệt để các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, quyết định xử lý tố cáo. 

Nguyên nhân do công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo là những công việc khó khăn, phức tạp; hệ thống chính sách pháp luật chưa đồng bộ, còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. 

Ở một số nơi, số lượng, chất lượng cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và tiến độ giải quyết các vụ việc.

Để giải quyết những tồn tại trên, theo Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hoàng Thị Thúy Hằng, cần thiết xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ các vụ việc để tránh trùng lặp đơn, thư; vụ việc đã giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi đơn. 

Đặc biệt, Thanh tra thành phố và Ban Pháp chế HĐND thành phố cần có cơ chế phối hợp tốt hơn nữa để chia sẻ, nắm bắt tình hình, tiến độ giải quyết vụ việc để trả lời người dân hoặc dừng tham mưu chuyển đơn cho cơ quan thanh tra nếu vụ việc đã giải quyết hết thẩm quyền của thành phố.

Từ kinh nghiệm cơ sở, Chủ tịch UBND phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) Đặng Trần Phi cho rằng, hiện chính sách giải phóng mặt bằng còn bất cập, nên ở những nơi có nhiều dự án triển khai thì khó tránh khỏi đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Riêng tại phường Tây Tựu, hằng tháng đều có các vụ khiếu nại liên quan đến chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng. 

Vì thế, thời gian tới, bên cạnh tháo gỡ bất cập về chính sách, thành phố cũng sớm quan tâm, sắp xếp cán bộ chuyên trách tiếp công dân ở cấp cơ sở, bởi hiện tại, nhân sự tiếp công dân ở cơ sở đều là cán bộ văn phòng, cán bộ tư pháp kiêm nhiệm.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương, sau đợt giám sát, Ban Pháp chế sẽ đề xuất, kiến nghị một số giải pháp với UBND thành phố và các quận, huyện, thị xã. Trong đó có việc bố trí cán bộ đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức đảm nhiệm việc tiếp công dân, nhằm nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết các vụ việc tại cơ sở. 

Đây sẽ là một trong những giải pháp để tránh phát sinh đơn, thư vượt cấp, khiếu kiện tập thể làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thêm nhiều kinh nghiệm quý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.