Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác thanh, kiểm tra sau cấp phép chưa tốt

Quang Anh| 18/07/2012 17:44

(HNMO) - Liên quan tới vụ một bệnh nhân nữ tử vong khi điều trị tại phòng khám đa khoa Maria, Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội, phóng viên HNMO đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Tô Tử Anh, Phó phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân của Sở Y tế Hà Nội.

Ông Tô Tử Anh, Phó phòng Quản lý hành nghề Y dược tư nhân,  Sở Y tế Hà Nội


- Xin ông cho biết đôi điều về việc cấp phép hoạt động cho phòng khám Đa khoa Maria, Thái Thịnh?

- Phòng khám đa khoa Maria, Thái Thịnh có địa chỉ tại 65 - 67 Thái Thịnh, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa là phòng khám đa khoa tư nhân trực thuộc Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư An Thịnh, do bác sỹ Đỗ Thị Na (còn gọi là Đỗ Y Na) làm người đứng đầu cơ sở. Bác sỹ Đỗ Y Na nguyên là bác sĩ nội khoa của bệnh viện 198 (đã về hưu), Bác sỹ Đỗ Y Na đã có hơn 20 năm trong nghề, Bác sỹ Na đã được Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề loại hình Phòng khám Đa khoa.

Phòng khám đa khoa Maria đã được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy chứng nhận (GCN) đủ điều kiện hành nghề y tư nhân từ ngày 30/12/2010 theo GCN số 558/2010/GCNĐĐKHN - Y của Sở Y tế Hà Nội do bác sỹ Đỗ Y Na là người đứng đầu cơ sở. Việc cấp phép đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám gồm các chuyên khoa: Nội (tư vấn sức khỏe, khám và điều trị các bệnh nội khoa thông thường, siêu âm tiêu hóa...); Chuyên khoa Nhi (sơ cứu, cấp cứu ban đầu, khám và điều trị các bệnh chuyên khoa nhi); chuyên phụ khoa - KHHGĐ (khám chữa các bệnh phụ khoa thông thường, hút thai dưới 6 tuần tuổi, đặt vòng...); chuyên khoa ngoại (sơ cứu, cấp cứu ban đầu về ngoại, bó bột gẫy xương nhỏ, thắt búi trĩ độ I, độ II, mỗ u nang bã đậu, nhưng không được chích các ổ mủ lớn); Làm các xét nghiệm về hóa sinh và vi sinh vật...

Cho tới nay theo “Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề” Sở Y tế đã phê duyệt thì bà Đỗ Y Na vẫn là người đứng đầu cơ sở và là người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám. Theo quy định, bà Đỗ Y Na phải thường xuyên có mặt ở phòng khám để điều hành công tác khám chữa bệnh. Về việc giá dịch vụ khám bênh, chữa bệnh theo quy định bảng giá phải đựơc niêm yết công khai tại phòng khám...

- Ông giải thích thế nào về 2 bác sĩ người Trung Quốc hành nghề tại phòng khám đa khoa Maria?

Tại thời điểm cấp phép cho phòng khám này Sở Y tế chỉ cấp phép cho 06 bác sỹ người Việt Nam tham gia khám bệnh, chữa bệnh (do bác sỹ Đỗ Y Na là người đứng đầu cơ sở). Sau đó Sở Y tế Hà Nội đã bổ sung 02 bác sỹ quốc tịch Trung Quốc giúp việc tại phòng khám là Bs Lôi Hồng và Bs Hoàng Đính Lập (02 bác sỹ này không được phép trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh - chỉ là người giúp việc tại phòng khám). Trong bản tường trình của người đứng đầu cơ sở: Về vụ việc xảy ra tai biến dẫn đến tử vong của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong ngày 14/7/2012 thì việc khám và điều trị cho bệnh nhân Phong là do 03 người nước ngoài có quốc tịch Trung quốc không có trong danh sách cấp phép của Sở Y tế.

Như vậy việc sử dụng các nhân viên người Trung quốc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép khám bệnh, chữa bệnh là sai phạm của phòng khám.

- Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước (cụ thể là Sở Y tế) trong việc quản lý sau cấp phép thế nào, thưa ông?

- Có 3 bộ phận của Sở Y tế liên quan tới việc quản lý hành nghề y dược tư nhân là: Bộ phận 1 cửa (nhận hồ sơ); Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (thẩm định, xét duyệt hồ sơ và cấp phép hoạt động) và Thanh tra Sở Y tế (thanh kiểm tra sau cấp phép). Trong trường hợp cụ thể tại Phòng khám đa khoa Maria, Thái Thịnh tôi nghĩ rằng, sau khi cơ sở đã được cấp phép hoạt động thì công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền đóng vai trò hết sức quan trọng, và việc xảy ra vụ việc để một nữ bệnh nhân chết tại phòng khám là rất đáng tiếc...

- Xin ông cho biết hiện nay có bao nhiêu cơ sở khám chữa bệnh ở Hà Nội có người Trung Quốc tham gia khám, chữa bệnh?

- Trên danh sách cấp phép của Sở Y tế hiện nay còn có 13 cơ sở có người Trung Quốc tham gia khám bệnh, chữa bệnh và 1 cơ sở có người Trung Quốc làm giúp việc. Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế HN đến nay chỉ còn 4 cơ sở khám chữa bệnh có người Trung Quốc tham gia khám bệnh, chữa bệnh và 1 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có người Trung Quốc giúp việc. 9 cơ sở còn lại đã ngừng hoạt động, hoặc bác sỹ Trung Quốc đã thôi không tham gia khám bệnh, chữa bệnh, nhưng vẫn chưa trả lại giấy phép...

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công tác thanh, kiểm tra sau cấp phép chưa tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.