(HNM) - Ngay sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), cùng với chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn tại đã được chỉ ra nhằm nâng cao sức chiến đấu, vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng ở nông thôn, Huyện ủy Thanh Oai đã tập trung xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo nhiệm kỳ 2015-2020; xây dựng Đề án luân chuyển cán bộ giai đoạn 2012-2015 và Kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ năm 2012. Bà Phùng Thị Hồng Hà, Bí thư Huyện ủy Thanh Oai đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới về vấn đề này.
Luân chuyển không đơn thuần là sự dịch chuyển
- Vấn đề quan trọng nhất đặt ra khi thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) là sau khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, tồn tại cùng nguyên nhân, phải xây dựng được kế hoạch, mục tiêu, biện pháp sửa chữa, khắc phục cụ thể, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng bộ huyện Thanh Oai đã chọn vấn đề đột phá nào để tạo bước chuyển này?
- Từ yêu cầu của Nghị quyết TƯ 4, Huyện ủy Thanh Oai xác định: Đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, là bước đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ “Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt” và chọn mũi đột phá là công tác chuẩn hóa đội ngũ gắn với điều động, luân chuyển, phân công công tác hợp lý cán bộ.
Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Phùng Thị Hồng Hà. |
- Để thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ phải có những bước chuẩn bị hợp lý?
- Huyện ủy Thanh Oai đã tập trung chỉ đạo chặt chẽ công tác đánh giá, quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020 và duyệt kế hoạch đào tạo tới từng chức danh cán bộ công chức, cán bộ nguồn quy hoạch cử đi đào tạo các chuyên ngành theo yêu cầu của huyện; đồng thời tăng cường đưa cán bộ đi trải nghiệm thực tế, có cơ chế hỗ trợ cho cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm bảo đảm chất lượng theo quy định của Thành ủy đến năm 2015.
- Tới thời điểm này, việc luân chuyển cán bộ ở Thanh Oai đã được thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Đề án luân chuyển cán bộ giai đoạn 2012-2015 và Kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ năm 2012. Kết quả là ngay từ cuối năm 2012 đã thực hiện luân chuyển, điều động 4 cán bộ là trưởng, phó các phòng, ban, ngành của huyện (trong đó có 2 Huyện ủy viên) đảm nhận các chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND ở 4 xã Bích Hòa, Thanh Thùy, Kim An và Liên Châu; điều động một cán bộ từ khối chính quyền sang ban Đảng.
- Từ việc Thanh Oai chọn những nội dung đột phá trong đó có công tác luân chuyển cán bộ và đạt kết quả tốt ngay sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4, phải chăng lâu nay Đảng bộ huyện chưa quan tâm tới công tác này?
- Không hoàn toàn như vậy. Trước đây, Thanh Oai đã thực hiện luân chuyển khá nhiều lần và nhiều cán bộ. Cụ thể là 6 cán bộ huyện về giữ các chức danh chủ chốt của Đảng bộ và UBND các xã; 5 cán bộ chủ chốt xã lên huyện; 15 cán bộ khối Đảng sang khối chính quyền, đoàn thể; 10 cán bộ khối chính quyền, đoàn thể sang khối Đảng… Thanh Oai cũng là một trong số rất ít huyện thực hiện luân chuyển cả ủy viên Thường vụ Huyện ủy về cơ sở. Tuy nhiên, cái yếu ở đây (và có lẽ cũng không phải cái yếu của riêng Thanh Oai) là việc luân chuyển chưa theo kế hoạch bài bản, dài hơi, thậm chí chưa có quy hoạch, đào tạo. Việc luân chuyển cán bộ trước đây thực hiện chỉ là “giải pháp tình thế”, nhất là đưa cán bộ về cơ sở, do vậy không phải mọi trường hợp luân chuyển đều cho kết quả tốt.
- Như bà đã nêu, để công tác luân chuyển cán bộ phát huy được hiệu quả cần có sự chuyển biến mạnh về nhận thức. Cụ thể vấn đề này là như thế nào?
- Luân chuyển là tạo cơ hội đào tạo cán bộ, làm mới cán bộ, phải tạo ra động lực phát triển cho nhiều phía. Vì vậy, phải có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về luân chuyển. Luân chuyển cán bộ không đơn thuần là dịch chuyển, thay đổi vị trí mà cần làm thay đổi cách nghĩ của cán bộ từ “bị” sang “được” luân chuyển để xóa đi tâm lý “chuồn chuồn chấm nước”, triệt tiêu tư tưởng “nhiệm kỳ - niên hạn”, “cục bộ địa phương - khép kín”. Do đó, công tác luân chuyển cán bộ cần được thực hiện một cách đồng bộ, bài bản, đầy đủ từ khâu quy hoạch dài hơi, xây dựng đề án tới các biện pháp công tác tư tưởng, đào tạo, theo dõi, giúp đỡ cán bộ sau luân chuyển.
Từng bước thực hiện phải hợp lý, khoa học
- Công tác luân chuyển cán bộ có tác dụng tích cực ra sao đối với hoạt động của huyện Thanh Oai, thưa bà?
- Với huyện Thanh Oai, luân chuyển còn là tăng cường sức lãnh đạo cho cơ sở; rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng gắn với kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ trẻ trong diện quy hoạch; tránh được sức ỳ, cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, nhất là ở một số lĩnh vực nhạy cảm như quản lý đất đai, tài chính, công tác cán bộ, chế độ chính sách; từng bước chuẩn bị nhân sự cho các nhiệm kỳ sau. Bên cạnh đó là việc xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, khắc phục dần tình trạng hẫng hụt, thiếu chủ động trong công tác cán bộ.
- Những nội dung này trong đợt luân chuyển vừa qua ở Thanh Oai có được thực hiện nghiêm túc?
- Huyện ủy Thanh Oai xác định phải làm thay đổi nhận thức của toàn thể cán bộ, đảng viên và cả người dân nên khi xây dựng Đề án luân chuyển cán bộ, Thanh Oai đã bàn bạc rất kỹ và chỉ đạo quyết liệt để thực hiện. Chúng tôi rất chú ý lắng nghe ý kiến, dư luận của cán bộ, đảng viên và người dân; không những tính đến những cái được, cái lợi mà còn cân nhắc chấp nhận cả cái chưa thuận, tính tạm thời của phong trào ở nơi tiếp nhận cán bộ luân chuyển, những thiệt thòi của cá nhân cán bộ diện luân chuyển để khẳng định tính công khai minh bạch, đúng người, đúng việc.
- Luân chuyển cán bộ về nguyên tắc là đúng, nhưng đây cũng là vấn đề nhạy cảm vì liên quan đến đội ngũ cán bộ. Công tác luân chuyển ở huyện có diễn ra xuôi chèo, mát mái?
- Về Đề án luân chuyển, ban đầu, ngay trong BCH Đảng bộ huyện cũng có ý kiến băn khoăn về tính khả thi vì trước đây đã có trường hợp cơ sở không muốn nhận cán bộ cấp trên luân chuyển về, cán bộ được luân chuyển không muốn thay đổi môi trường làm việc, ngại luân chuyển nên không thực hiện được. Băn khoăn này được giải tỏa sau khi mọi góc độ được bàn kỹ và tiến hành các bước bài bản. Thực hiện việc luân chuyển cán bộ, ban đầu một vài người dân ở cơ sở còn lên Huyện ủy bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chưa đồng tình nhất trí khi đưa cán bộ của huyện về xã. Thường trực Huyện ủy đã gặp gỡ, làm rõ mọi thông tin nên những băn khoăn, thắc mắc cơ bản đều được giải tỏa. Đến nay số cán bộ được luân chuyển đã “vào vai”, nhập cuộc và có chiều hướng phát triển tốt. Chính một số người dân ở các xã trước đây còn băn khoăn, chưa nhất trí thì nay đã viết thư lên bày tỏ việc Huyện ủy đưa cán bộ được luân chuyển về đã tạo nên khí thế mới và cán bộ luân chuyển đã được người dân tin tưởng.
- Sau khi thực hiện luân chuyển cán bộ, công việc tiếp theo là gì, thưa bà?
- Phải luôn luôn có sự quan tâm theo dõi, lãnh đạo trực tiếp của Thường trực, Thường vụ Huyện ủy đối với cán bộ và cơ sở có cán bộ luân chuyển về. Khi cơ sở có vấn đề phức tạp, bức xúc thì Thường trực, các ủy viên Thường vụ Huyện ủy phải có mặt trực tiếp ở cơ sở để nắm tình hình, chỉ đạo và đôn đốc giải quyết.
Cùng với luân chuyển là công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ
- Cán bộ là “cái gốc” của mọi phong trào cách mạng, thực trạng đội ngũ cán bộ của huyện Thanh Oai hiện nay ra sao?
- Đầu nhiệm kỳ 2010-2015, đội ngũ cán bộ cơ sở của huyện Thanh Oai đã được kiện toàn, phần lớn đạt yêu cầu nhưng vẫn còn một số chưa đạt chuẩn về trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận; bất cập về cơ cấu, năng lực lãnh đạo, quản lý kinh tế trong cơ chế thị trường… Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện và các phòng, ban, đoàn thể tỷ lệ trẻ, tỷ lệ nữ còn thấp so với yêu cầu; sự kế thừa giữa các chức danh về độ tuổi chưa tương ứng; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể đảm nhiệm một chức danh có thời gian quá lâu chưa được điều động, luân chuyển, trong đó có cấp ủy viên, dẫn đến việc tham mưu, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao, phong cách làm việc, vận động quần chúng của một số cán bộ còn hạn chế…
- Việc luân chuyển là nhằm tạo cơ hội cho cán bộ tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện, trưởng thành; đồng thời phát huy sự năng động, sáng tạo của từng cá nhân trong môi trường mới. Tuy nhiên hiệu quả của công tác này còn phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực cán bộ.
- Đúng là như vậy, do đó việc luân chuyển cán bộ phải gắn liền với xây dựng quy hoạch và đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ.
- Thanh Oai sẽ làm gì để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ?
- Chương trình số 05-CTr/HU của Huyện ủy Thanh Oai “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực điều hành, quản lý của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp giai đoạn 2011-2015” đã xác định: Phấn đấu đến năm 2015, 100% cán bộ cấp huyện trong diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý có trình độ chuyên môn đại học và lý luận chính trị cao cấp; 100% cán bộ chủ chốt thị trấn có trình độ đại học về chuyên môn và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 80% cán bộ chủ chốt xã có trình độ đại học và 100% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên… Đối chiếu yêu cầu này với những tồn tại bất cập nêu trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải được đổi mới, nâng cao; nội dung, phương pháp đào tạo phải theo hướng hiện đại, cập nhật, chú trọng kỹ năng xử lý công việc thực tế.
Nhưng đào tạo cán bộ, không phải là việc ngày một ngày hai…
- Năm 2012, số cán bộ ở cơ sở được Huyện ủy Thanh Oai xét duyệt cử đi đào tạo, bồi dưỡng có 8 đối tượng cán bộ nguồn công tác xây dựng Đảng của Thành ủy; 83 người học trung cấp lý luận chính trị; 76 cán bộ đi bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước; 428 bí thư, phó bí thư chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và Thường trực Đảng ủy được tập huấn nghiệp vụ và hàng trăm cán bộ được bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể, kiến thức an ninh - quốc phòng. Nhiều cán bộ chủ động dành thời gian học các lớp đào tạo “chuẩn hóa” và trên chuẩn. Những con số đó nói lên nhu cầu cũng như xu thế đào tạo của cán bộ cơ sở hiện nay…
- Trong thời gian tới công tác cán bộ của huyện Thanh Oai sẽ tập trung vào những vấn đề gì?
- Tiếp tục thực hiện việc đánh giá và rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020, chúng tôi sẽ chú trọng quan tâm đến cán bộ trẻ, lấy quy hoạch ở cơ sở để quy hoạch ở cấp huyện, quy hoạch cấp huyện thúc đẩy quy hoạch cơ sở. Coi trọng thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí và sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ trong quy hoạch của cơ sở. Xây dựng bộ tiêu chí phân công nhiệm vụ cán bộ, trên cơ sở đó thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ công chức hằng năm. Tiếp tục thực hiện Đề án của Huyện ủy về luân chuyển, điều động cán bộ theo các bước, điều động cán bộ có năng lực, trình độ từ huyện về cấp xã công tác; mạnh dạn luân chuyển cán bộ chủ chốt từ xã này sang xã khác để thử thách…
- Đào tạo là một quá trình, rèn luyện ở thực tiễn cơ sở bên cạnh học tập nâng cao trình độ lý luận để cán bộ trưởng thành là một cách được đánh giá cao. Lãnh đạo huyện có quan tâm vấn đề này?
- Từ thực tiễn công tác luân chuyển, đáp ứng yêu cầu của quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020, ngoài những tiêu chí theo “chuẩn” chung, riêng Thanh Oai còn phấn đấu thêm tiêu chí trải qua thực tiễn ở cơ sở nữa, điều này đúng với định hướng, quan điểm của Đảng trong công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ. Tới đây, Thanh Oai sẽ cụ thể hóa bộ tiêu chí riêng về phân công nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá cán bộ định kỳ.
- Cảm ơn bà về những vấn đề vừa trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.