Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ: “Ùn tắc” từ nhiều phía

Bài, ảnh: Thùy Ngân| 19/05/2014 06:54

(HNM) - Thành phố Hà Nội đã và đang cùng với cả nước triển khai công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ. Tuy nhiên, qua một thời gian triển khai thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập rất cần có biện pháp tháo gỡ kịp thời để không ảnh hưởng đến việc lưu hành phương tiện,


Không thể qua "cửa" đăng kiểm

"Hàng chục năm nay, tôi sử dụng chiếc ô tô tải này vận chuyển hàng hóa, và cứ đến thời hạn là lại vào các trung tâm đăng kiểm để kiểm định chất lượng. Nhưng ngày 1-4 vừa qua, tôi đến đăng kiểm theo kỳ hạn thì bị "đuổi" về ngay từ vòng đầu "vì phương tiện vượt quá tự trọng" (trọng lượng bản thân xe). Mang vào gara chỉnh sửa, tháo hết các bộ phận có thể giảm tự trọng mà vẫn còn vượt 600kg. Nếu tháo nhiều quá chỉ để đạt mục đích giảm tự trọng thì có khi cái xe lại trở thành "hàng mã", chạy không tải còn ẽo ợt chứ nói gì là chở thêm hàng hóa..." - anh Trần Mạnh Thắng - lái xe một doanh nghiệp tư nhân, rất bức xúc khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Ô tô tải BKS 33M-2327 (bên trái) đã 9 lần đi đăng kiểm nhưng chưa đạt.



Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hà Nội 3301S, anh Nguyễn Văn Cường - lái xe Công ty Hải Anh - vừa chỉ chiếc xe tải 11 tấn BKS 33M-2327 vừa nói: "Đây là lần thứ 9 mang xe đi kiểm tra tại nhiều trạm đăng kiểm khác nhau nhưng đều bị trả về, yêu cầu giảm tự trọng và chỉnh sửa nhiều chi tiết khác. Doanh nghiệp đã chi phí hơn 10 triệu đồng để chỉnh sửa các chi tiết theo yêu cầu của trung tâm đăng kiểm, nhưng xe này chỉ còn niên hạn sử dụng 1 năm nữa mà yêu cầu đạt chỉ tiêu như xe mới là vô cùng khó khăn. Tôi không biết phải đầu tư bao nhiêu và chờ bao lâu nữa để được đăng kiểm...".

Trường hợp ông Trần Quang Thắng - chủ phương tiện 29C-27167 - có thâm niên hơn 30 năm trong nghề thì "nhận lỗi" xe quá tự trọng chỉ vì "làm xe quá tốt, thùng bệ quá chắc chắn". Ông Thắng cho biết: "Khi được cấp giấy phép cải tạo, tôi gia cố chắc chắn nhằm bảo đảm vận chuyển hàng hóa an toàn và hiệu quả, ai ngờ bây giờ quá tự trọng hàng tấn thì biết tháo bỏ bộ phận nào? Cách giảm tải nhanh nhất là thay hẳn chiếc thùng xe mới với giá hàng chục triệu đồng thì lấy đâu ra kinh phí". Ông Thắng cho biết thêm, có đến 98% xe tải vào đăng kiểm là bị quá tải trọng, càng xe tải trọng lớn thì số cân vượt quá càng nhiều khiến các chủ phương tiện loay hoay, chưa biết tháo gỡ bằng cách nào...

Có lỗi từ nhà sản xuất?


Tình trạng phương tiện bị ùn ứ nối đuôi nhau thành hàng dài chờ vào kiểm định khiến chủ phương tiện và lái xe chờ đợi rất mệt mỏi. Trong khi đó, một số trung tâm đăng kiểm chưa có hướng dẫn và giải đáp đúng đắn cho chủ phương tiện gây nên bức xúc và phản ứng tiêu cực.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Hồng Hệ, Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), thừa nhận thực tế:

Ùn tắc này là "ảo" bởi số lượng phương tiện đi lại kiểm định nhiều lần trong ngày nhưng chưa đạt tiêu chuẩn đăng kiểm gây mất nhiều thời gian, công sức cho cả chủ phương tiện và trung tâm đăng kiểm. Để giải quyết tình trạng trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm khi ra thông báo phương tiện không đạt phải ghi đầy đủ các hạng mục cần sửa chữa và hướng dẫn chủ phương tiện đi khắc phục hết các lỗi mới quay trở lại kiểm định.

Qua thực tế khảo sát tại nhiều nơi, chúng tôi nhận thấy, việc siết chặt tải trọng phương tiện vận tải đường bộ tác động mạnh và trực tiếp nhất đến các loại xe ben tự đổ và xe tải thùng. Ngoài nguyên nhân chủ quan của chủ phương tiện muốn cơi nới kích thước thùng bệ, gia cố khung gầm... (nhằm chở thêm nhiều hàng hóa) sẽ bị xử lý (cắt gọt để trở về nguyên trạng ban đầu), còn có những phương tiện không thay đổi kích thước, hình dạng so với thiết kế của nhà sản xuất hoặc các chỉ số trên giấy phép cải tạo đã được cấp mà vẫn vượt quá tự trọng hàng tấn khiến chủ phương tiện không biết xử lý "lỗi" ra sao. Ông Lê Văn Mỹ, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Hà Nội 3301S, cho biết: Thực tế trên là có thật. Cùng một loại phương tiện có số hiệu seris như nhau, nhưng nhà sản xuất lại cho ra 2 sản phẩm (xe) có chiều cao khác nhau...

Tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên được biết, có những xe mới xuất xưởng vẫn vượt tự trọng quy định, bởi từ trước đến nay chưa quản lý chặt việc sản xuất xe theo tự trọng. Phương thức thực hiện là Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ quản lý xe mẫu của các đơn vị sản xuất đăng ký, sau đó ủy quyền cho các đơn vị sản xuất tự kiểm tra và bảo đảm chất lượng hàng loạt phương tiện xuất xưởng tiếp theo. Trong khi đó, theo hướng dẫn tại Công văn 1410/ĐKVN-VAR của Cục Đăng kiểm Việt Nam, với những ai đang sở hữu phương tiện "sai" từ nhà sản xuất này sẽ phải liên hệ với Phòng Chất lượng xe cơ giới, Phòng Kiểm định xe cơ giới của Cục để phối hợp giải quyết. Trường hợp phát hiện cơ sở sản xuất, thi công làm trái thiết kế đã được phê duyệt thì yêu cầu chủ phương tiện khiếu nại cơ sở sản xuất, thi công đó.

Tuy nhiên, trình tự khiếu nại, giải quyết khiếu nại ra sao, trách nhiệm của các bên liên quan, nhất là đơn vị thực hiện cải tạo và cấp giấy phép cải tạo thay đổi kết cấu phương tiện thì vẫn chưa được đề cập? Điều này khiến chủ phương tiện và doanh nghiệp vận tải chỉ còn biết dừng xe chờ đợi hoặc làm cầm chừng để nắm bắt tình hình; vô hình trung sẽ ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất tiêu dùng.

Thay lời kết, chúng tôi xin trích dẫn lời của một cán bộ đăng kiểm: "Tình trạng phương tiện vận tải chở quá tải trọng diễn ra phổ biến từ nhiều năm qua, có nguyên nhân từ nhiều yếu tố tác động cấu thành". Do vậy, để công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ đạt được kết quả theo ý muốn, các cơ quan chức năng cũng cần phải khẩn trương xem xét những phát sinh, kịp thời giải quyết bất cập đã và đang gây khó khăn cho chính các đơn vị thực hiện và cả doanh nghiệp...

- Các đơn vị đăng kiểm khi ra thông báo các phương tiện đến đăng kiểm không đạt phải ghi đầy đủ các hạng mục cần sửa chữa và hướng dẫn chủ phương tiện đi khắc phục hết các lỗi mới quay trở lại kiểm định (kể cả việc hoàn thiện hồ sơ); căn cứ vào khối lượng cần sửa chữa của phương tiện, đơn vị đăng kiểm hẹn kiểm định lại trong ngày hoặc ghi rõ kiểm định lại vào các ngày tiếp theo và thông báo không đạt.
- Đối với các phương tiện kiểm định không đạt, sau khi ra thông báo không đạt và hướng dẫn chủ phương tiện đi sửa chữa, đơn vị đăng kiểm kiên quyết yêu cầu di chuyển phương tiện ra khỏi để tránh ùn tắc.
- Khi trọng lượng bản thân của phương tiện vào kiểm định sai với quy định, đơn vị đăng kiểm hướng dẫn chủ phương tiện tháo bỏ các phần sai khác so với thiết kế để kiểm định lại hoặc liên hệ với Phòng Chất lượng xe cơ giới (VAQ), Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) để phối hợp giải quyết nếu là xe nguyên bản; trường hợp phát hiện cơ sở sản xuất, thi công làm trái thiết kế đã được phê duyệt thì yêu cầu chủ phương tiện khiếu nại với cơ sở sản xuất, thi công đó.


(Trích Công văn số 1410/ĐKVN-VAR, ngày 8-5-2014 )

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ: “Ùn tắc” từ nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.