Chính trị

Công tác giám sát năm 2023 của Quốc hội khóa XV: Những điều đặc biệtBài cuối: Trách nhiệm với lời hứa

Nhóm phóng viên 03/12/2023 - 08:25

Bên cạnh công tác giám sát gián tiếp, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã thực sự gây ấn tượng mạnh về hình thức giám sát trực tiếp của Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ trong năm 2023. Thông qua chất vấn, nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ, thể hiện rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong thực hiện lời hứa trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

cac-dai-bieu-dang-ky-tranh-.jpg
Các đại biểu đăng ký tranh luận trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Phiên chất vấn với tinh thần “5T”

Tại kỳ họp thứ năm (tháng 5-2023), Quốc hội đã tiến hành chất vấn 4 nhóm vấn đề về lao động, thương binh và xã hội; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải và dân tộc. Phiên chất vấn diễn ra với tinh thần “5T” (Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm). Có tới 454 lượt đại biểu đăng ký tham gia chất vấn, 112 đại biểu thực hiện quyền chất vấn và 49 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn vấn đề - đây đều là những con số kỷ lục. Về cơ bản, những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và người dân thông qua chất vấn đã được làm sáng tỏ và có chuyển biến tích cực.

Trong đó, một vấn đề rất “nóng” tại thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023 là tình trạng vi phạm quy định xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm đã gây ra thiếu hụt nhân lực, khiến người dân phải xếp hàng để kiểm định phương tiện. Trả lời chất vấn về giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đưa ra 3 việc phải xử lý để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường. Đó là thực hiện điều chỉnh cơ chế tài chính; tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công... Từ những giải pháp này, hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới từng bước trở lại bình thường, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tình trạng lao động mất việc, giãn việc làm rút bảo hiểm xã hội một lần cũng được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, về lĩnh vực này, cần bảo đảm các nguyên tắc đóng - hưởng, bình đẳng và chia sẻ. Bộ trưởng cho rằng, cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền lợi, tăng quyền lợi cho người đóng bảo hiểm xã hội. Thực tế, khi trình Quốc hội lần đầu dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu, Chính phủ đã trình phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hiệu quả nhất.

Về việc chậm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được đại biểu Quốc hội chất vấn, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, trung ương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho địa phương theo hướng phân cấp tối đa để tập trung nguồn lực triển khai. Nghị quyết về giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” được Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ sáu đã thể hiện rõ sự phân cấp từ trung ương xuống địa phương về nguồn lực thực hiện chương trình.

Đối với vấn đề một bộ phận cán bộ có tư tưởng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai được các đại biểu Quốc hội chất vấn, thảo luận sâu trong các phiên làm việc tại kỳ họp thứ năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, Chính phủ kịp thời rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp, xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành, làm cơ sở để giám sát việc thực hiện. Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện nghiêm các cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, vừa kịp thời khắc phục hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa phải tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn.

Những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra thành công được đánh giá là “đổi mới”, “đặc biệt”, thậm chí “chưa có tiền lệ” khi xét về phạm vi chất vấn, cách thức tiến hành, với tính chất nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ. Quốc hội lần đầu tiên không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết kỳ họp thứ tư về giám sát chuyên đề, chất vấn, gồm 4 lĩnh vực: Kinh tế tổng hợp - vĩ mô; Kinh tế ngành; Văn hóa, xã hội; Tư pháp, Nội chính, Kiểm toán Nhà nước.

Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội. Lựa chọn này đã cho thấy nhiều đổi mới cả về cách thức tổ chức và nội dung, khẳng định vai trò giám sát tối cao của Quốc hội đối với những vấn đề quốc kế dân sinh, được cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, có thể thấy rõ những vấn đề sẽ được Chính phủ đặt trọng tâm trong ngắn hạn cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Trong đó, để thực hiện chính sách cải cách tiền lương sẽ tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy; tiết kiệm chi để bảo đảm chi lương cho cán bộ, công chức. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách, cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước theo hướng tiệm cận nhau giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước.

Chính phủ và các bộ, ngành cũng tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là phát triển khu vực công nghiệp, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động... Đồng thời, làm tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ những người gặp khó khăn; hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, lao động trình độ cao cả trong và ngoài nước.

Song song với tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, thu hút nguồn lực phát triển (về vốn, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực); phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000km đường bộ cao tốc; sớm hoàn thiện thị trường mua bán điện cạnh tranh, cơ chế mua bán điện trực tiếp, bảo đảm đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, Đảng, Nhà nước đã xác định 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực và việc lựa chọn các ưu tiên cần hài hòa, hợp lý, phù hợp từng giai đoạn theo chủ trương của Đảng. Như vấn đề phân cấp, phân quyền để phân định rõ hơn trách nhiệm các cấp, phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cấp dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để các cấp phải tiếp tục mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền; tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, qua chất vấn tại kỳ họp thứ sáu cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Với những kết quả đã đạt được, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, tiếp tục có đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Điều đó đóng góp quan trọng vào thành công của hoạt động của Quốc hội năm 2023 nói chung và những kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác giám sát của Quốc hội nói riêng, khẳng định chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công tác giám sát năm 2023 của Quốc hội khóa XV: Những điều đặc biệt Bài cuối: Trách nhiệm với lời hứa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.