Chính trị

Công tác giám sát năm 2023 của Quốc hội khóa XV: Những điều đặc biệt Bài 3: Lấy phiếu tín nhiệm - uy tín trước cử tri

Nhóm phóng viên 02/12/2023 - 06:24

Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44/49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Bên cạnh là phương thức giám sát quan trọng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm còn là cơ sở để người được lấy phiếu nhận thấy rõ trách nhiệm trước cử tri, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc và nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

quoc-hoi-khoa-xv.jpg
Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Thấy được mức độ tín nhiệm để tiếp tục cố gắng

Thực hiện Nghị quyết số 96/2023/ QH15 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất tích cực triển khai các nội dung theo đúng tinh thần của nghị quyết, ban hành và triển khai hiệu quả kế hoạch tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm. Trong đó, Ban Công tác đại biểu đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến từng đại biểu Quốc hội tất cả các báo cáo kết quả công tác theo quy định của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tạ Thị Yên chia sẻ, việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm còn giúp các cá nhân liên quan thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.

Chia sẻ quan điểm về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đại biểu Quốc hội được người dân tin tưởng gửi gắm, tín nhiệm mình để tham gia vào nghị trường của Quốc hội nên phải có sự công tâm để “quyết định” lá phiếu của mình.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, những người được phiếu tín nhiệm cao sẽ hiểu vì sao và tự thấy mình cần phát huy nhiều hơn trong thời gian tới để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong khi đó, những người có phiếu tín nhiệm thấp cũng biết lý do vì sao để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa.

Đánh giá về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chỉ rõ, sau lấy phiếu tín nhiệm những vị trí được tín nhiệm cao thì sẽ vui hơn, người có vị trí thấp sẽ tâm tư vì nỗ lực thời gian qua không chỉ của cá nhân mình mà cả một ngành, lĩnh vực. Do vậy, đó không phải là đánh giá “đóng đinh” mà chỉ là hướng để các bộ trưởng nhìn về phía trước và sẽ có sự tháo gỡ, thúc đẩy ngành đi lên.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa dẫn chứng thực tế các lần lấy phiếu trước có những bộ trưởng được lấy phiếu lúc đầu thấp, nhưng kỳ sau cao hơn do nhìn thẳng vào khó khăn vướng mắc để tháo gỡ.

Nêu quan điểm về các trưởng ngành có phiếu "tín nhiệm thấp" ở mức cao, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Tây Ninh) thẳng thắn chỉ ra thực trạng công tác quản lý những lĩnh vực này còn một số hạn chế nhất định, trong khi đây là những vấn đề có ảnh hưởng lớn đến xã hội, được cử tri quan tâm.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các vấn đề liên quan đến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã đặt ra cho ngành và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là người đứng mũi chịu sào, đề ra giải pháp giải quyết hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri. Còn về lĩnh vực khoa học công nghệ, các đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa phát triển theo đúng sự đầu tư, kỳ vọng của Nhà nước và nhân dân.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) cho rằng, có những ngành, lĩnh vực đã, đang đặt ra nhiều vấn đề khó, mang tính lịch sử như ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Công Thương, ngành Khoa học và Công nghệ...

“Như với ngành Công Thương đều có những vấn đề rất nóng. Ví dụ như yêu cầu phát triển ngành Điện, đặc biệt là điện sạch như thế nào, đầu tư xây dựng, giá bán và hòa lưới điện ra sao khi chính sách vẫn chưa theo kịp yêu cầu. Hay lĩnh vực xăng dầu sẽ quản lý theo cơ chế thị trường ra sao? Công tác quản lý thị trường, tình trạng hàng giả, hàng lậu, hàng cấm vào Việt Nam trong khi khâu cuối cùng là của Bộ Công Thương quản lý”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.

Kênh giám sát quan trọng của Quốc hội

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa qua một lần nữa cho thấy hiệu quả cao trong hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta, đồng thời khẳng định Quốc hội luôn chú trọng “tự chỉnh đốn, tự đổi mới”, luôn hướng tới phong cách làm việc dân chủ, khoa học, bài bản, thực chất, thể hiện rõ quyết tâm chính trị vì nước, vì dân. Thông qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng cho thấy các đại biểu Quốc hội là người có uy tín, trách nhiệm cao đối với công việc, đáp ứng với niềm mong chờ, tin tưởng, kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Đánh giá về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho rằng, sau lấy phiếu tín nhiệm những vị trí được tín nhiệm cao thì sẽ vui hơn, người có tín nhiệm thấp hơn sẽ tâm tư, bởi đây không chỉ liên quan đến một cá nhân mà cả một ngành, lĩnh vực. Do vậy, đó không phải là đánh giá “đóng đinh” mà giúp các bộ trưởng nhìn về phía trước và sẽ có sự tháo gỡ, thúc đẩy ngành phát triển đi lên.

“Ở đây cũng phải chia sẻ rất rõ là có những việc khó từ nhiều nhiệm kỳ dồn lại. Có những lĩnh vực nhận được sự kỳ vọng rất lớn nhưng nguồn lực dành cho còn hạn chế, muốn tháo gỡ cần nhiều thời gian như lĩnh vực giáo dục, văn hóa...”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát cũng chính là sự gửi gắm và ủy quyền của cử tri cả nước cho đại biểu Quốc hội. Vì vậy, với vai trò và trách nhiệm được đại diện cho cử tri, việc được bỏ lá phiếu nhận xét các chức danh là vấn đề rất hệ trọng đối với từng đại biểu Quốc hội. Thấm nhuần tinh thần đó, các đại biểu Quốc hội - đại diện cho hàng triệu cử tri, đã suy nghĩ kỹ lưỡng, khách quan, công tâm và trách nhiệm về tín nhiệm của mình đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) nhận định, việc lấy phiếu tín nhiệm là một kênh giám sát quan trọng của Quốc hội và HĐND. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, với sự vào cuộc mạnh mẽ, nói đi đôi với làm, quyết liệt trong hành động, năng động, sáng tạo, chuẩn bị tốt các công việc từ sớm, từ xa đối với các nội dung của kỳ họp, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, các đại biểu Quốc hội đã thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đại biểu cao nhất, thực hiện quyền giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước, tăng cường hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa, giúp xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân...

Còn đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu của nhân dân, thay mặt nhân dân giám sát những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

(Còn nữa)

Điều 12, Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội quy định như sau:

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

- Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá 1/2 đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác giám sát năm 2023 của Quốc hội khóa XV: Những điều đặc biệt Bài 3: Lấy phiếu tín nhiệm - uy tín trước cử tri

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.