(HNM) - Việt Nam sẽ có một Trung tâm Công nghệ vũ trụ hiện đại vào năm 2020 nhằm hướng tới đẩy mạnh công tác giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm họa môi trường; dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai... Những ứng dụng đó cho thấy công nghệ vũ trụ sẽ gắn liền với đời sống dân sinh chứ không chỉ là chuyện riêng của nhà khoa học.
Đây là chia sẻ của PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia trao đổi với Báo Hànộimới xung quanh câu chuyện phát triển và ứng dụng thành tựu của công nghệ vũ trụ tại Việt Nam những năm tới.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn. |
Từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh
- Thưa ông, khi nói về công nghệ vũ trụ (CNVT), người ta sẽ hình dung đến NASA của Mỹ, JAXA của Nhật Bản, còn ở Việt Nam thì như thế nào? Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang xây dựng tại Hòa Lạc có đầy đủ những chức năng như vậy hay không và bao giờ đi vào hoạt động?
- Trung tâm Vệ tinh quốc gia được giao là đơn vị thực hiện và trực tiếp điều hành hoạt động của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) khi đi vào hoạt động. VNSC được Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có ý tưởng và đề xuất chủ trương xây dựng từ năm 2007 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020”. Khi viết đề xuất dự án, chúng tôi có tham khảo mô hình các cơ quan hàng không vũ trụ của Nhật Bản, Mỹ. Tuy nhiên, mỗi nước có một chiến lược và trình độ phát triển CNVT khác nhau, vì vậy VNSC xét về quy mô thì chưa thể sánh bằng nhưng chức năng và nhiệm vụ thì cơ bản giống vậy. Hiện tiến độ xây dựng VNSC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (xây dựng dựa vào nguồn vốn đầu tư hơn 600 triệu USD từ ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ) đang đúng tiến độ và sẽ hoàn thành năm 2020.
Một trong những mục tiêu chính của chiến lược CNVT Việt Nam là đến năm 2020 chúng ta sẽ tự chủ trong việc thiết kế, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh nhỏ, quan sát Trái đất. Đây cũng là mục tiêu đầu tiên chúng tôi đặt ra cho VNSC khi đi vào hoạt động. Mục tiêu thứ hai của trung tâm là xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm họa môi trường; dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Để thực hiện các mục tiêu trên, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cần được đầu tư đồng bộ 3 thành phần là xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chuyển giao công nghệ vệ tinh và phát triển nguồn nhân lực.
- Theo kế hoạch, sau khi phóng thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon năm 2013, trung tâm từng bước làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh để đến năm 2020 có thể phóng vệ tinh thương mại đầu tiên của Việt Nam. Xin ông có thể nói rõ hơn về tiến độ thực hiện tham vọng này?
- Quan điểm của tôi đối với phát triển công nghệ vệ tinh Việt Nam không thể đi tắt đón đầu mà nên phát triển từng bước. Tôi luôn nói vui với các bạn trẻ ở trung tâm rằng, làm vệ tinh cũng giống như đi học thôi, lớp 1 rồi mới đến lớp 2 và các lớp cao hơn nữa. Chính vì vậy, VNSC đã đặt ra kế hoạch phát triển vệ tinh từ cấp độ PicoDragon nặng 1kg (năm 2013) tới NanoDragon (nặng 10kg - năm 2016), MicroDragon (nặng 50kg - năm 2018) và cuối cùng là LotuSat (nặng 500kg - năm 2020). Đây là một quá trình lâu dài, làm từng bước để làm chủ công nghệ vệ tinh. Để kế hoạch đó thành công, chúng tôi đã và đang nỗ lực hết mình từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến đào tạo nhân lực đủ điều kiện tiếp nhận công nghệ.
- Ngành công nghiệp hàng không vũ trụ phát triển dựa trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau, chẳng hạn như điện tử, truyền thông hoặc các ngành công nghiệp cơ khí. Các ngành này ở Việt Nam chưa phát triển, do đó để có thể phát triển được công nghệ vệ tinh trong nước là điều không đơn giản. Các ông đã tính đến điều này hay chưa và hướng giải quyết “lỗ hổng” này ra sao?
- Mỗi nước có cách tiếp cận khác nhau. Việt Nam đang chủ trương theo hướng không chế tạo tất cả các bộ phận mà phát triển theo tư duy tích hợp hiện đại theo mô hình “cơ điện tử” đó là hiểu rõ công nghệ, từ đó tiến tới làm chủ thiết kế vệ tinh. Trên cơ sở có thiết kế riêng của mình sẽ tiến hành lựa chọn nhập các bộ phận chính của vệ tinh, chế tạo các thành phần phi tiêu chuẩn rồi tích hợp, lắp ráp, lập trình điều khiển và thử nghiệm vệ tinh hoàn chỉnh. Theo tôi đó là hướng tiếp cận phù hợp nhất.
Tôi cũng phải nói thêm rằng, một vệ tinh “Made in Vietnam” là vệ tinh mà người Việt Nam làm chủ được quy trình từ thiết kế, lựa chọn các bộ phận, chế tạo, tích hợp, điều khiển và thử nghiệm chứ không có nghĩa là các bộ phận cấu thành nó cũng phải được chế tạo ở Việt Nam hay như nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam không thể làm được vệ tinh mà đơn thuần chỉ là lắp ráp.
Mang lại nhiều lợi ích tức thì
- Thưa ông, rất đông người thường hiểu rằng CNVT là lĩnh vực cao siêu, là chuyện của các nhà khoa học mà ít liên quan đến đời sống con người. Xin hỏi một câu rất thật là ông có buồn về điều đó?
- Chúng tôi rất muốn mọi người đừng nghĩ CNVT là chuyện quá xa xôi. Đó là những điều rất gần, rất thiết thực mà không nhiều người biết đến. Năm 1978, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm tới phát triển CNVT, khởi đầu là việc quyết định tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam được thực hiện vào năm 1980 và phi công Phạm Tuân trở thành người đầu tiên của Việt Nam bay vào vũ trụ.
Năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam có VINASAT 1 là vệ tinh viễn thông đầu tiên. Năm 2012 thì khởi công xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, năm 2013 phóng thành công vệ tinh viễn thám đầu tiên VNREDSat1 và cũng là lần đầu tiên có vệ tinh siêu nhỏ “Made in Việt Nam” PicoDragon hoạt động trên vũ trụ. Đó là những thành quả cơ bản nhất của ngành vũ trụ vừa qua. Phải thừa nhận rằng, công nghệ vệ tinh của ta đi chậm khoảng 30-40 năm so với các nước trên thế giới. Nhưng chúng ta đã có những bước đi thành công đầu tiên, tôi tin tương lai không xa chúng ta cũng sẽ phấn đấu để có sự lớn mạnh về công nghệ giống như các nước phát triển.
Đúng là nhận thức của xã hội về CNVT và các ứng dụng liên quan còn hạn chế nhưng cá nhân tôi không thấy buồn về điều đó mà thấy những người đang tham gia xây dựng ngành CNVT ở Việt Nam bên cạnh việc phải nỗ lực làm chủ công nghệ hiện đại còn có trách nhiệm làm cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu được hiệu quả của CNVT để nhận được sự ủng hộ của xã hội. Tôi mong được sự ủng hộ và hợp tác tích cực của giới truyền thông để làm được điều này. Tôi lấy ví dụ, thông qua dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nếu làm tốt sẽ đem lại những hiệu quả tức thì. Hiện nay, thiệt hại do thiên tai mỗi năm khiến nước ta mất đi 1,5% GDP (khoảng 1,5 tỷ USD). Nếu ứng dụng hiệu quả công nghệ vệ tinh, thông báo sớm để phòng tránh kịp thời thảm họa thiên tai thì chỉ cần khắc phục được 10% thảm họa đã mang lại lợi ích 150 triệu USD/năm. Đấy là lợi ích kinh tế - xã hội mà chúng ta có thể tính toán được.
- Việc ứng dụng công nghệ vệ tinh vào công tác giám sát tài nguyên, hạn chế tác động xấu của biến đổi khí hậu... được Trung tâm Vệ tinh quốc gia triển khai đến đâu, thưa ông?
- Chúng tôi đang tích cực tham gia vào việc nghiên cứu và đưa các ứng dụng công nghệ vệ tinh vào phục vụ cuộc sống. Đó là: Nghiên cứu sử dụng ảnh viễn thám trong đánh giá thiệt hại của bão, nghiên cứu xây dựng hệ thống tích hợp viễn thám, GIS và mô hình toán trong đánh giá biến đổi khí hậu, nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin, ứng dụng phương pháp viễn thám siêu cao tần trong quản lý rừng… Ngoài ra, đội ngũ nghiên cứu của trung tâm còn tham gia thực hiện những đề tài nghiên cứu thuộc chương trình KH&CN vũ trụ, Chương trình Tây Nguyên 3 để chủ động nâng cao năng lực nghiên cứu và tiếp cận công nghệ mới.
Thời gian tới, VNSC định hướng phát triển các lĩnh vực ứng dụng công nghệ vệ tinh như: Giám sát và cảnh báo sớm thiên tai (bão, lũ,...), thảm họa môi trường (cháy rừng, lũ lụt, trượt lở đất, tràn dầu,...); nghiên cứu phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu; nghiên cứu ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh ở hai lĩnh vực chính quản lý các phương tiện giao thông, quản lý hàng hóa; quản lý tàu thuyền và triển khai các nhiệm vụ, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS gắn với viễn thám… Đặc biệt, VNSC sẽ luôn chú trọng hợp tác và trao đổi dữ liệu ảnh với các nước trên thế giới nhằm triển khai các dự án ứng dụng trên phạm vi khu vực và trên thế giới.
- Được biết, Việt Nam đã có kế hoạch hợp tác với Nhật Bản để tham gia vào chuỗi sản xuất, thương mại vệ tinh của Nhật Bản. Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch này được không?
- Không phải chuỗi sản xuất mà là chùm các vệ tinh để chia sẻ ảnh vệ tinh cho các nước trong khu vực để khi xảy ra thảm họa thiên tai, bão lũ,… có nhiều vệ tinh thì sự theo dõi nhanh và hiệu quả hơn. VNSC hiện đã tham gia chuẩn bị thực hiện các dự án hợp tác quốc tế như: Ứng dụng hệ thống định vị vệ tinh QZSS (phối hợp với Văn phòng Chiến lược vũ trụ Nhật Bản); dự án chùm vệ tinh JAPAN - ASEAN (Bộ Công thương Nhật Bản). Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có kế hoạch xây dựng các dự án cũng như lựa chọn ứng dụng phù hợp cho các vệ tinh mà VNSC tham gia chế tạo trong thời gian tới như NanoDragon, MicroDragon, LotuSat để đưa các vệ tinh vào các dự án chùm vệ tinh không chỉ của Châu Á mà còn các nước khác trên thế giới nhằm khai thác tối đa hiệu quả của các vệ tinh này.
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực
- Thưa ông, nhân lực phát triển ngành CNVT ở nước ta đang rất khó khăn và Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã làm gì để giải quyết tình trạng này?
- Đào tạo nhân lực là nhiệm vụ chiến lược quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển CNVT ở Việt Nam. Hiện nhân lực CNVT của Việt Nam chủ yếu là từ các ngành công nghệ liên quan. Để chủ động nguồn lực, VNSC đã thực hiện song song cả hai việc, đó là gửi cán bộ giỏi đi đào tạo ở nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức) và hợp tác đào tạo trong nước. Trung tâm đã ký kết hợp tác đào tạo với Trường Đại học KH&CN Hà Nội (USTH) để đào tạo sau đại học ngành CNVT và ứng dụng; phối hợp với Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư CNVT. Thời gian tới, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng sẽ xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển lâu dài của lĩnh vực CNVT.
Về đào tạo cán bộ VNSC, như đã nói ở trên, qua dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chúng tôi sẽ có gần 100 cán bộ sang Nhật Bản để đào tạo một cách chính quy về công nghệ vệ tinh, ứng dụng và quản lý. Với trên 60% cán bộ của trung tâm hiện nay có độ tuổi dưới 30, việc cần được đào tạo bài bản và không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn là hết sức cần thiết đặc biệt là một lĩnh vực mới mẻ như CNVT.
- Trong khối ASEAN, trình độ về CNVT, viễn thám của Việt Nam ở mức độ nào?
- Theo tôi, trình độ của ta hiện mới chỉ ở trên mức trung bình. Các nước trong ASEAN đã quan tâm phát triển CNVT khá sớm nhưng hướng tiếp cận và mức độ đầu tư khác nhau. Vì vậy, nếu Việt Nam quan tâm phát triển CNVT theo quy mô và mức độ hiện tại, khi hoàn thành dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vào năm 2020 chúng ta có thể vươn lên ở mức hàng đầu khu vực ASEAN.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.