Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nghệ - cơ hội để khởi nghiệp

Việt Nga| 23/03/2019 07:32

(HNM) - Công nghệ đã mở ra khả năng phát triển mới cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế thông qua hành trình biến ý tưởng thành sản phẩm, dịch vụ, tạo ra những ngành nghề mới. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia cùng phát triển...

Go-Việt giới thiệu việc thử nghiệm Go-Food ở Hà Nội hồi tháng 1-2019.


Doanh nghiệp công nghệ ngày càng phát triển

Sự ra đời và thành công của các mô hình doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực vận tải, thương mại điện tử... trên môi trường internet đã có tác động rộng lớn đến xã hội và cuộc sống con người. Tiêu biểu là các hãng xe công nghệ Uber, Grab...

Dù vẫn còn tranh cãi, nhưng mô hình taxi công nghệ đã được đông đảo người dân sử dụng vì chính sách giá với nhiều ưu đãi, sự thuận tiện. Đặc biệt, từ cuối năm 2018, các hãng xe công nghệ lần lượt mở rộng kinh doanh sang giao đồ ăn, đồ uống tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó Grab mở thêm dịch vụ giao đồ ăn bằng xe máy với tên gọi Grab-Food, Go-Việt mở thêm Go-Food. Đáng chú ý, để chiếm lĩnh thị phần ở phân khúc này, có thời điểm cả hai hãng xe công nghệ thực hiện chính sách giảm giá 20-50% khiến cuộc cạnh tranh lẫn nhau và với các đối thủ khác trở nên khốc liệt. Cho dù dư luận từng đặt vấn đề việc ra đời dịch vụ giao đồ ăn là làm “hư” các bà nội trợ, khiến dân văn phòng lười vận động, thì dịch vụ này vẫn tiếp tục được ưa chuộng vì nó đáp ứng được các tiêu chí tiện lợi khi mà cuộc sống ngày càng bận rộn hơn. Chắc chắn thị trường giao đồ ăn, đồ uống được dự báo sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Rõ ràng các mô hình kinh doanh trên đã tạo ra sự tác động lớn đến xã hội và thay đổi thói quen của người dùng. Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hồng Minh, người sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty VNG cho rằng, các mô hình kinh doanh công nghệ đã có sự chuyển dịch từ không gian online (không gian ảo) sang không gian thật và xu hướng công nghệ này sẽ diễn ra mạnh mẽ trong vòng 3-5 năm tới. Minh chứng cho luận điểm này, ông Lê Hồng Minh phân tích về trường hợp Amazon - nhà cung cấp nền tảng thương mại điện tử toàn cầu, đã không dừng lại ở kinh doanh trực tuyến mà chuyển sang mở các chuỗi cửa hàng Amazon Go. Theo đó, người dùng phải tải ứng dụng Amazon Go trên điện thoại, đến cửa hàng chỉ cần quét nó ở ngay cửa điện tử công nghệ cao trước khi bước vào (có sự trợ giúp của công nghệ nhận dạng), sau đó ra lấy đồ và đi về mà không phải xếp hàng thanh toán. Tất nhiên, điều kiện là người dùng phải có tài khoản Amazon để tự động tính phí...

Từ câu chuyện của Amazon, ông Lê Hồng Minh cho rằng, hiện Grab mới chỉ đáp ứng được 1-2% nhu cầu giao thông vận tải của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam; trong khi còn nhiều lĩnh vực chưa khai phá như thực phẩm, tài chính, chăm sóc sức khỏe... Như vậy, việc Grab hay Go-Việt chuyển hướng sang giao đồ ăn, đồ uống cũng là xu hướng. Theo ông Lê Hồng Minh, VNG tiền thân là doanh nghiệp game nên có kinh nghiệm về làm online, có thể làm tốt về phần mềm, nội dung số, nhưng khi chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực về logistics, dịch vụ tài chính, y tế, bảo hiểm phải học hỏi và tập trung nguồn lực rất nhiều. Song đó là cơ hội và khi càng khó khăn, cơ hội càng lớn. Hiện VNG vừa phối hợp với đơn vị chức năng triển khai thí điểm thanh toán điện tử và vé điện tử trên một số tuyến xe buýt công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thị trường còn rất rộng lớn

Thực tế cho thấy, để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp công nghệ cũng phải luôn thay đổi bởi thị trường vẫn còn rất rộng lớn, là cơ hội cho các cá nhân và doanh nghiệp tham gia. Đây cũng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Chia sẻ về vấn đề này, ông Lee Jae-woong, người sáng lập và Giám đốc điều hành SoCar - một trong những công ty chia sẻ xe lớn nhất thế giới nhận định, Việt Nam với một thị trường gần 100 triệu dân, trong đó có lực lượng lao động trẻ đông đảo, sẽ tạo nên được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ. Ông Lee Jae-woong phân tích: "Việt Nam có tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh và internet cao, sử dụng thành thạo các mạng xã hội và đó là những yếu tố thuận lợi. Trong 6 tháng qua tôi đã “bay đi bay lại” giữa Hàn Quốc với Việt Nam nhiều lần để có thể tư vấn, giúp các bạn trẻ khởi nghiệp...".

Theo ông Eitan Lavie (người Israel) - Giám đốc điều hành và Chủ tịch AGW Group, châu Á nói chung và Việt Nam có đủ tiềm năng trở thành một trung tâm công nghệ thông tin (IT hub) của châu lục. Hiện Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút các nhà đầu tư cho khởi nghiệp đến từ Israel, vì sau một thời gian đầu tư sang khu vực Âu, Mỹ và mảnh đất đó hiện đã “chật chội”, các nhà đầu tư Israel đã chuyển hướng tập trung tiếp cận tại khu vực Đông Nam Á và Việt Nam là một trong những nước được quan tâm. Do vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Eitan Lavie đề xuất, nhà nước cần đóng vai trò dẫn dắt trong phát triển công nghệ thông tin, cụ thể là trong việc đưa ra các chính sách có vai trò dẫn dắt để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.

Theo bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện Việt Nam có gần 50.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin và mục tiêu đặt ra là sẽ hình thành đội ngũ với 100.000 doanh nghiệp công nghệ. Trong đó xác định các doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo giữ vai trò đột phá, dẫn dắt nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ - cơ hội để khởi nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.