Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công khai, minh bạch để phòng ngừa tiêu cực

Võ Lâm| 01/05/2018 07:52

(HNM) - TP Hà Nội đã và đang chủ động đẩy mạnh thực hiện công khai, minh bạch thông tin trên tất cả các lĩnh vực. Đây là giải pháp giúp thành phố phòng ngừa tiêu cực, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.


Hà Nội phát huy tính chủ động, tự giác thực hiện công khai, minh bạch trên các lĩnh vực. Ảnh: Bá Hoạt


Kiên trì thực hiện

Đối với tất cả các cơ quan, đơn vị, quá trình thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” đều gặp những khó khăn, nhất là khi đụng chạm đến lợi ích cá nhân. Người từ cấp trưởng phải xuống làm phó, cấp phó xuống làm nhân viên... Tuy vậy, Hà Nội đã đi đầu cả nước về thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ đạt cả tiến độ và chất lượng, đặc biệt là không để xảy ra khiếu kiện. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TƯ cho rằng: “Quan trọng là phải tiến hành một cách minh bạch, đừng có vì người này mà hạ người khác xuống. Đó là điều rất cần thiết. Thành phố đã làm tốt theo đúng tinh thần như vậy, nên cán bộ, công chức, viên chức mới không tâm tư, không nảy sinh khiếu kiện”.

Thành ủy, HĐND, UBND thành phố cũng đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo cụ thể nhằm tăng cường công khai, minh bạch trên các lĩnh vực. Cụ thể như việc chỉ đạo các giải pháp nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai trong Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố, Thường trực Thành ủy nêu rõ: “Thực hiện công khai, minh bạch kịp thời, đầy đủ các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các quận, huyện, thị xã và tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án được Nhà nước giao, cho thuê tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất tiếp cận thông tin về đất đai”. Tại Kế hoạch số 69/KH-UBND nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố năm 2018, UBND thành phố cũng yêu cầu thực hiện đúng, đủ quy định về công khai, minh bạch thu chi ngân sách cấp xã; bảo đảm việc niêm yết công khai danh mục thu, chi cụ thể để nhân dân được biết và giám sát; công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm; kế hoạch đầu tư các dự án có liên quan đến đất đai, mục đích sử dụng đất, mức giá đền bù khi thu hồi đất, số hộ, diện tích đất, loại đất bị thu hồi...

Đáng chú ý, thời gian qua, các cấp, ngành thành phố đã kiên trì thực hiện công khai, minh bạch về thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng và quy mô dịch vụ công trực tuyến. Lãnh đạo thành phố yêu cầu phải giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức thụ lý hồ sơ hành chính. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, lũy kế đến nay, thành phố đã đưa vào hoạt động 611/1.853 dịch vụ công trực tuyến, đạt 32,9% tổng số dịch vụ công của cơ quan hành chính thành phố.

Còn nhiều việc phải làm

Nhằm đẩy mạnh tính chủ động, tự giác thực hiện công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, Hà Nội đã phát huy cao độ vai trò kiểm tra, giám sát của người dân. Chưa bao giờ số lượng chủ trương, chính sách của thành phố được phản biện lớn như vừa qua. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, chỉ tính riêng trong năm 2017, gần 550 hội nghị phản biện xã hội đã được MTTQ các cấp tổ chức. Những chủ trương, chính sách quan trọng đều đã được đưa ra để các tổ chức, cá nhân phản biện. Cùng với đó, 600 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân được tổ chức trong năm qua.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng theo Chỉ số PAPI năm 2017 mới được công bố, Hà Nội vẫn bị đánh giá thấp về chỉ số nội dung “Công khai minh bạch”. Chưa kể, Hà Nội nằm trong tình hình chung của cả nước là trong 10 năm qua, đã đầu tư nhiều cho việc công khai, minh bạch trên môi trường mạng nhưng tỷ lệ người dân tiếp cận thông tin qua kênh này mới đạt từ 6 đến 22% tùy từng nhóm thông tin cần thiết. Những điều này cho thấy, kết quả công khai, minh bạch của các cấp, ngành còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

“Chúng ta phải tiến tới tất cả các giao dịch giữa người dân với cơ quan hành chính được thực hiện trên môi trường mạng” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo, đồng thời yêu cầu phải nâng cao hơn nữa tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tuyên truyền, hướng dẫn để người dân sử dụng dịch vụ một cách hiệu quả.

Cụ thể hóa tinh thần này, UBND thành phố đặt mục tiêu, nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp lên 55% trong năm nay; tiến tới mục tiêu đến năm 2020, 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. UBND thành phố cũng ban hành Quyết định số 891/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Cải thiện, nâng cao chất lượng mối quan hệ công dân và cơ quan hành chính TP Hà Nội hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả”. Một trong 5 mục tiêu của đề án là: “Tăng cường công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính thành phố”...
Có thể nói, công khai, minh bạch vừa là giải pháp ngăn ngừa tiêu cực, xây dựng bộ máy của Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, vừa tạo thuận lợi để công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Muốn đạt được những mục tiêu đặt ra đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải tự giác và chủ động thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công khai, minh bạch để phòng ngừa tiêu cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.