Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cộng đồng trách nhiệm

Bắc Vũ| 26/03/2020 06:27

(HNM) - Chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 đang là vấn đề được giáo viên và phụ huynh học sinh đặc biệt quan tâm. Đây là phần việc quan trọng nằm trong lộ trình của năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Do vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, các nhà trường và phụ huynh đều đang thực hiện các bước chọn sách giáo khoa thận trọng, công khai, minh bạch.

Dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song với tinh thần chủ động, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã nghiêm túc triển khai Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30-1-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, để việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 đưa vào giảng dạy từ năm học 2020-2021 đúng tiến độ. Điểm đáng lưu ý, trên cơ sở tiêu chí tại Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã dự thảo 4 tiêu chí lựa chọn để lấy ý kiến các nhà trường - nơi trực tiếp triển khai việc này trước khi trình UBND thành phố phê duyệt để các trường thống nhất thực hiện.

Những việc làm trên cho thấy sự vào cuộc trách nhiệm, chặt chẽ của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Bản thân các nhà trường cũng ý thức sâu sắc việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 sẽ quyết định đến chất lượng dạy và học, nên đã phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc ngay từ đầu, tránh bị động về sau. Yêu cầu xuyên suốt được các nhà trường quán triệt là hướng đến việc phát triển toàn diện cho học sinh.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này, dựa trên các tiêu chí theo quy định, ở góc độ chuyên môn, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của từng trường phải luôn nhất quán ưu tiên số 1 là giúp cho học sinh học tập tích cực, hiệu quả. Nội dung sách bảo đảm tính khoa học, hiện đại, thiết thực, thuận lợi cho việc triển khai hoạt động dạy - học; khơi dậy sự tích cực, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng và khả năng tư duy độc lập của học sinh.

Yêu cầu tiếp theo là sách giáo khoa phải có “dư địa” để giáo viên có thể đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh. Những vấn đề cần lưu ý là thiết kế, trình bày theo chủ đề, bài học; việc tích hợp kiến thức nội môn và liên môn theo các chủ đề; xây dựng kế hoạch đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục, hoạt động giáo dục…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn nói trên, các nhà trường cần quan tâm đến công tác tuyển chọn nhân sự cho hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Thành viên tham gia hội đồng cần có chuyên môn, phẩm chất tốt để thể hiện được chất lượng chuyên môn, sự công tâm, khách quan trong mỗi lá phiếu khi quyết định chọn sách.

Đặc biệt, đối với những phụ huynh tham gia hội đồng cần dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về sách giáo khoa và những vấn đề liên quan, từ đó có nhận xét, đánh giá xác đáng nhất. Phải coi đây vừa là vinh dự, cũng là trách nhiệm lớn lao đối với tương lai con em mình.

Các nhà xuất bản cần tăng cường phối hợp với các nhà trường để giải quyết những phần việc liên quan. Trong đó, lưu ý cung cấp đầy đủ thông tin về bộ sách giáo khoa, giải đáp ngay thắc mắc (nếu có), qua đó giúp mỗi nhà trường, giáo viên có đủ thông tin để chọn lựa sách.

Thời gian không còn nhiều, trong khi quá trình lựa chọn sách giáo khoa còn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do vậy, yêu cầu đặt ra là các bên liên quan cần chủ động, cộng đồng trách nhiệm, tất cả vì tương lai của con em chúng ta.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.