Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công cuộc "đãi cát tìm...tài năng"

Đào Vân| 23/07/2010 18:37

(HNMO)- Sau hai vòng thi sơ khảo và chung khảo đầy thử thách, sáng 23/7, 42 thí sinh ở khu vực miền Bắc đã bước vào vòng Bán kết cuộc thi Tuyển diễn viên điện ảnh- truyền hình Việt Nam lần thứ I. Đêm chung kết sẽ diễn ra vào ngày 8/8/2010 tại Hà Nội với sự góp mặt của 12 thí sinh.


Các bộ phim truyền hình luôn cần những gương mặt mới


(HNMO)- Sau hai vòng thi sơ khảo và chung khảo đầy thử thách, sáng 23/7, 42 thí sinh ở khu vực miền Bắc đã bước vào vòng Bán kết cuộc thi Tuyển diễn viên điện ảnh- truyền hình Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam(VFC), 906, Đê La Thành, Hà Nội.

Lần đầu tiên được tổ chức ở phía Bắc, cuộc thi Diễn viên Điện ảnh – Truyền hình Việt Nam lần thứ Nhất, do Thế giới điện ảnh Online – Tạp chí Thế giới điện ảnh, phối hợp cùng VFC – Trung tâm sản xuất phim – Đài truyền hình Việt Nam tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ yêu thích bộ môn nghệ thuật thứ bảy.

Mới chỉ là “yêu”

Nhìn nhận một cách khách quan, đa phần các thí sinh mới chỉ dừng lại ở mức độ yêu thích, muốn được xuất hiện trên truyền hình, muốn được nổi tiếng. Rất ít em có niềm đam mê thực sự với nghề diễn xuất, do vậy những gương mặt thật sự ấn tượng dường như chưa xuất hiện.


Một cảnh trong phim "Chit và Pi"


Đánh giá về chất lượng thí sinh của cuộc thi lần này, NSND Hoàng Dũng cho biết: “Có rất nhiều các bạn trẻ ở đây chưa từng tham gia bất kì một khóa học hay trường lớp nào, lần đầu đi thi hoặc cũng có những bạn đã có đôi dịp được xuất hiện trước ống kính…nên xét về khả năng tất yếu là có sự chênh lệch. Một điều đáng nói là hiện nay các bạn mới chỉ thích điện ảnh, thích truyền hình chứ chưa biến niềm yêu thích đấy thành đam mê. Nếu như đam mê thật sự thì nó sẽ bộc lộ rõ ràng ở sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo hơn nữa chứ không dừng lại ở mức độ này. Đam mê phải có quá trình, tích lũy dần dần, bồi đắp mỗi ngày. Các bạn đôi khi bị hào quang bên ngoài của nghề làm lu mờ chứ chưa hình dung được những khó khăn, vất vả của người trong nghề. Có những người có chút hình thức, họ ngộ nhận đó là tài năng”.

Đồng quan điểm với NSND Hoàng Dũng, NSND Như Quỳnh cũng cho rằng: “Các bạn trẻ bây giờ yêu thích nghệ thuật và muốn chứng tỏ khả năng trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên để nói đến tố chất của người diễn viên thì không phải em nào cũng có và điều quan trọng nhất là tôi mong các em phải sống thật với mình, phải nhập tâm vào vai diễn để tạo ra những nhân vật trong xã hội gần gũi, chân thật nhất”.


Các thí sinh cũng diễn xuất hết mình, nhưng vẫn còn thiếu....chiều sâu!


Cũng trong buổi diễn sáng nay, các thí sinh còn bộc lộ những hạn chế của mình khi chọn những kịch bản quá phức tạp, ít các yếu tố kịch tính và phải là những diễn viên gạo cội mới có thể tạo nên được cái “thần” cho nhân vật.

Thí sinh mang SBD 10 - Nguyễn Tuấn Linh dù đã nỗ lực thể hiện sự đau khổ, hụt hẫng của người con khi biết tin mẹ qua đời vào đúng ngày nhận được giấy bảo trúng tuyển đại học nhưng dường như những cảm xúc, biểu hiện của em vẫn chưa đủ để thuyết phục BKG.

“Chú bé đánh giày” Vũ Công Chi SBD 17 cũng là thí sinh tạo cho BKG sự nuối tiếc. Dù rằng lợi thế về ngoại hình, giọng nói hơn hẳn các bạn diễn khác song nội dung kịch bản mờ nhạt, không gian trong tiểu phẩm quá rộng dẫn tới sự thiếu hụt trong cách xử lí đã khiến em trở nên lúng túng trong phần thi của mình.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề, “em bé Hà Nội’, NSND Lan Hương chia sẻ: “Các em nghĩ là chọn cho mình những tiểu phẩm với nội dung sinh hoạt đời thường đơn giản để dễ diễn xuất nhưng thực chất càng đơn giản về chi tiết lại càng phức tạp trong diễn xuất nội tâm của nhân vật. Nhưng dẫu sao các bạn cũng đã rất cố gắng và so với chúng tôi hồi trước, thế là các bạn đã hơn nhiều. Đó là điều chúng tôi ghi nhận”.


Và chuyện… hậu cuộc thi

Với sự nở rộ phim truyền hình Việt Nam như hiện nay, việc phát hiện và đào tạo những tài năng diễn xuất trẻ là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Vì vậy sự xuất hiện của những cuộc thi tuyển diễn diễn viên điện ảnh, truyền hình là bước đệm cần thiết cho các diễn viên tương lai.

Chia sẻ cảm xúc về cuộc thi, thí sinh Phạm Quỳnh Trang, SBD 34 đến từ Sơn La cho hay: “Em nghĩ rằng cuộc thi là một sân chơi rất bổ ích đối với tất cả mọi người. BGK là những người rất công tâm và có nhiều kinh nghiệm trong nghề nên cuộc thi sẽ chia đều được cơ hội cho tất cả những ai yêu thích nghề diễn viên. ”.

Tuy nhiên, tồn tại hiện nay của các cuộc thi tìm kiếm tài năng nghệ thuật đó là vấn đề hậu giải thưởng. Đó cũng chính là những trăn trở của nghệ sĩ Hoàng Dũng nói chung và của những người tâm huyết với nền điện ảnh Việt Nam đương đại nói riêng: “Sau các cuộc thi, chúng ta có các giải thưởng, nhưng sau đó, ta lại bỏ ngỏ khâu đào tạo tiếp theo. Nếu như không bồi dưỡng, đào tạo các tài năng thì năng khiếu vẫn chỉ dừng ở năng khiếu, không thể phát triển hoàn thiện để giúp anh tỏa sáng. Điều tôi muốn nói ở đây là việc làm rất hay, cuộc thi rất ý nghĩa nhưng hậu cuộc thi, chúng ta cần phải có chủ trương hẳn hoi, phải có phim, có đất diễn cho những tài năng đó”.

Đêm chung kết Cuộc thi diễn viên điện ảnh- truyền hình Việt Nam lần thứ nhất sẽ diễn ra vào ngày 8/8/2010 tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự góp mặt của 12 thí sinh xuất sắc nhất khu vực miền Bắc và Nam. Hy vọng đây sẽ là những nhân tố góp phần làm nên “cơn gió lạ” cho màn ảnh Việt Nam trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công cuộc "đãi cát tìm...tài năng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.