Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công bố rộng rãi tài liệu lưu trữ quốc gia

Hiền Thu| 05/09/2022 07:13

(HNM) - Nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc khai thác, tiếp cận thông tin và khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác văn thư, lưu trữ, từ năm 2022 đến năm 2030, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) thực hiện chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Nhân viên Phòng bảo quản (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III) thực hiện công tác bảo quản tài liệu.

Hiện nay, các trung tâm lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đang bảo quản hơn 33.000m giá tài liệu với gần 1.000 phông/sưu tập tài liệu. Còn tại lưu trữ lịch sử của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang bảo quản gần 68.000m giá tài liệu với 3.317 phông tài liệu. Những tài liệu này được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu, phản ánh toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của nước ta từ thế kỷ XIX đến nay.

Trong những năm qua, ngành Lưu trữ đã công bố hàng nghìn hồ sơ với gần một triệu trang tài liệu, tư liệu, hình ảnh lưu trữ thông qua các hoạt động như: Xuất bản hơn 100 ấn phẩm lưu trữ; tổ chức hơn 100 trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ ở trong nước và nước ngoài; xây dựng hơn 20 phim tài liệu và gần 300 clip; viết hơn 2.500 bài giới thiệu về tài liệu lưu trữ. Tuy nhiên, việc công bố tài liệu lưu trữ quốc gia còn một số hạn chế, bất cập do hoạt động công bố tài liệu lưu trữ tự phát, ngắn hạn, phân tán, thụ động, thiếu tính định hướng chiến lược; số lượng hồ sơ, tài liệu đưa ra công bố, giới thiệu phục vụ xã hội quá ít so với khối lượng tài liệu đang được bảo quản. Cùng với đó, ngành Lưu trữ chưa huy động được sự tham gia, đóng góp đầy đủ của các cơ quan, tổ chức, các nhà nghiên cứu và chưa khai thác tối đa thế mạnh của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để ứng dụng trong hoạt động công bố tài liệu lưu trữ…

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và để đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc khai thác, tiếp cận thông tin, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước triển khai thực hiện chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2030. Đây là hoạt động thực hiện kế hoạch của Bộ Nội vụ và Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”.

Các tài liệu đưa ra công bố là tài liệu lưu trữ quốc gia hiện đang bảo quản tại các lưu trữ lịch sử nhà nước và lưu trữ lịch sử của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ những loại tài liệu có nội dung bí mật nhà nước và tài liệu thuộc diện hạn chế sử dụng. Việc công bố tài liệu lưu trữ được triển khai trong phạm vi cả nước, ở các ngành, địa phương và tại quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập cũng như tại các quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam.

Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng, hiện ngành Lưu trữ đang tập trung thực hiện nhiều công việc cần thiết như: Xử lý thông tin tài liệu lưu trữ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác công bố tài liệu lưu trữ; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động công bố. Đặc biệt, ngành đang xây dựng Cổng thông tin dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ quốc gia trên nền tảng bản đồ số, tích hợp, chia sẻ các dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ quốc gia giữa các cơ quan lưu trữ, tạo thành kho dữ liệu số khổng lồ, để công chúng ở trong và ngoài nước có thể tiếp cận với thông tin tài liệu lưu trữ nhanh chóng, thuận lợi.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) Trần Việt Hoa cho biết, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III là nơi lưu trữ, bảo quản và tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ toàn quốc từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay. Trung tâm sẽ chú trọng triển khai các phần việc để thực hiện hiệu quả chương trình công bố tài liệu lưu trữ quốc gia, góp phần cung cấp nhiều tài liệu quan trọng phục vụ nhiệm vụ chính trị và nghiên cứu khoa học cho mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố rộng rãi tài liệu lưu trữ quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.