(HNMCT) - “Tằm tơ” là tập thơ như tổng kết cuộc đời cầm bút của nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh: “Con tằm rút ruột nhả tơ/ còn tôi rút ruột nhả thơ dâng đời”. Bà viết từ những năm 1960 đến nay. Ngoài thơ, tôi hỏi thăm bà về đời sống trong ngôi nhà có ba vị tiến sĩ (chồng và hai con trai), nhà thơ có hạnh phúc không? Bà không đáp nhưng đọc câu thơ “dẫu sôi lại nguội bình yên lại về”.
Con đường công danh của các thành viên gia đình nhà thơ có lẽ là niềm ao ước của nhiều gia đình khác. Chồng bà, GS.TSKH Hoàng Tuấn không chỉ chuyên sâu vào ngành Y mà còn có nhiều tác phẩm đóng góp cho văn học nước nhà, như cuốn tiểu thuyết “Nỗi cô đơn còn lại” nói về những khoảng trống vắng, mổ xẻ tâm lý con người, số phận người trong thế giới nội tâm của nghề y, tác phẩm đó nhiều lần được tái bản, được giải thưởng văn học từ những năm 1990.
Ở tuổi 80, nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh đã rất cố gắng ra thêm tập thơ gần 300 trang như thể gói ghém cuộc đời mình trong tác phẩm; vì hai người con tiến sĩ bận nhiều việc chẳng giúp gì được, và hơn cả, là vì cái dấu lặng đơn trong người viết vẫn còn muốn sẻ chia. “Con tằm nhả hết tơ vương/ còn tôi nhả hết thơ thương ruột tằm”. Để in tập “Tằm tơ”, nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh cũng phải bỏ ra 6 tháng lương hưu, in xong rồi chỉ để tặng chứ không bán. Mà bán thơ dễ gì, liệu có mấy ai mua. Tôi cứ tự hỏi không biết chữ nghĩa có bùa ngải gì, thơ phú có phép nhiệm màu gì để cuộc sống vẫn có những người đàn bà làm thơ, vẫn tựa vào thơ để viết, để hy vọng? Có lẽ, khi chữ nghĩa được giãi bày, khi được phơi lòng mình trên giấy trắng, người viết sẽ điêu khắc chữ Việt bằng thơ và thơ đã nâng đỡ họ mỗi lúc cô độc nhất, đuối lòng nhất: “Hai vai nặng trĩu thời gian/ tôi ngồi tôi ngắm chiều tàn đi qua”.
Nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh là người dịu hiền, lặng lẽ làm thơ, làm “ô sin” cho con cháu để lúc nào rảnh tay mới viết. “Buồn đến nỗi không làm sao cưỡng lại/ nên tâm hồn cứ nặng trĩu ưu tư/ tôi chẳng biết làm gì hơn là phải/ cầm bút lên cùng trang giấy làm thơ”. Ở đời chẳng ai nói trước được điều gì, bà đang mong ngóng từng ngày cháu mình sớm dứt hẳn căn bệnh trầm cảm... Bà chia sẻ: “Buồn thì ngồi viết thôi. Chẳng ai định nghĩa được nỗi buồn. Dù mình từng mong ngóng, nhà có tới 3 bác sĩ, có ít đâu, mà y học vẫn phải bó tay trước những căn bệnh khó. Những căn bệnh vốn là phép nhân của nỗi buồn không dễ đem chia”.
Đọc thơ Hoàng Thị Minh Khanh luôn thấy bà từng yêu đắm say, từng hy sinh vô bờ bến cho gia đình: “Em như con chim nhỏ/ tha từng cọng rác sợi rơm/ xây tổ ấm cho mình cho cháu cho con/ sống ích đời phải đạo”. Với bà, “Tình yêu không có tuổi/ tình yêu không bến bờ/ ngàn năm sau vẫn mới/ chẳng bao giờ cổ xưa/ Tóc đen rồi sẽ bạc/ người ngày một già đi/ nhưng tình yêu không khác/ như cỏ non xanh rì”. Để bà dẫu năm tháng đã đi qua gần hết đời người, dẫu “thời gian ơi chẳng bao giờ/ cho ta tìm lại ước mơ ban đầu”, thì nhà thơ vẫn luôn cảm thấy “Em cảm ơn trời phật/ em cảm ơn cuộc đời/ đã cho em gặp được người/ qua năm mươi năm chung sống/ em mới biết rằng em may mắn/ có được anh!”.
Nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh đã giúp tôi nhìn ra rằng hạnh phúc thì có bến bờ, còn sự xô dạt của hạnh phúc thì không giới hạn. Tôi vẫn tin khi con người còn hy vọng, mong ngóng, thì còn nhiều giá trị để sống. Và đàn bà thơ, đàn bà nội trợ, người đàn bà từng viết: “nhưng trong sâu thẳm thì vô cớ/ ở đâu em cũng thấy đầy anh” cũng làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn với vẻ đẹp giản dị riêng của đời sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.