Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn sức, còn hát về quê hương

Tuệ Diễm| 10/03/2013 06:34

(HNM) - Giữa miền Nam nắng gió, dù bước qua tuổi

Tên thật của ông là Nguyễn Văn Tứ, sinh năm 1944 tại Hà Nội. Gia cảnh khó khăn, bố mẹ mất sớm nên tuổi thơ Xuân Tứ rất vất vả. Thuở nhỏ, ông phải nương nhờ nhà người thân, lớn lên ông được nhận vào làm công nhân trong nhà máy sản xuất đồ hộp. Năm 1965, Nhà nước có chủ trương đưa thanh niên đi xây dựng vùng kinh tế mới, ông xung phong theo đoàn Thanh niên tháng Tám Thủ đô đi khai hoang miền núi tại Tây Bắc. Sau 5 năm hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về Hà Nội tiếp tục làm công nhân trong nhà máy cũ. Với khiếu ca nhạc, Xuân Tứ đã tập hợp, xây dựng đội văn nghệ cho đơn vị.

Nghệ sỹ Xuân Tứ và vợ.


Nhớ về những năm tháng gian khổ, nghệ sỹ Xuân Tứ trải lòng: "Con đường ca hát của tôi khởi nguồn từ trong lao động. Cái tên Xuân Tứ nổi lên khi được cử đi thi Tiếng hát công nhân toàn quốc. Nhờ hoạt động văn nghệ sôi nổi, từ năm 1978, tôi được cùng Đoàn ca múa nhạc Công nhân Thủ đô đi phục vụ văn nghệ cho công nhân khắp mọi miền Tổ quốc".

Từ năm 1990, nghệ sỹ Xuân Tứ chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, mở quán bún chả ngay đầu đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Quán nhỏ nhưng lúc nào cũng tấp nập. Điều đặc biệt, thi thoảng thực khách lại được chủ quán hát tặng những ca khúc về Hà Nội. Không micro, không loa, không nhạc nhưng tiếng hát trầm ấm, thổn thức nỗi nhớ Hà thành của một người đàn ông xa quê làm thực khách rung cảm. Xuân Tứ nói, cái quán bún chả đó là nguồn thu chính cho cả gia đình ông, chứ không phải cái nghiệp hát của mình.

Khi về già, dù vượt qua cơn tai biến nhưng với di chứng để lại đã khiến mọi cử động của ông trở nên chậm chạp, chân yếu hẳn và mắt mờ. Dẫu vậy, bệnh tật vẫn không cướp đi giọng hát và hơn thế là niềm đam mê của ông. "Khi vấp cơn bạo bệnh, phải xa ánh đèn sân khấu là nhớ lắm, nên sức khỏe hồi phục được 7-8 phần tôi trở lại sinh hoạt đều đặn trong đoàn cựu nghệ sỹ Quân đội. Có những lúc bước lên sân khấu phải có bạn dìu, có khi tiền thù lao hát không đủ trả tiền xe ôm nhưng tôi vẫn nhận lời và hát…".
Hơn 40 năm gắn bó với âm nhạc, một thời trên sóng radio, giọng hát Xuân Tứ đã nổi danh với những ca khúc hào hùng như "Hát về Tổ quốc tôi", "Vết chân tròn trên cát", "Tiếng nói Hà Nội"… Bây giờ, dù không còn phong độ như xưa, nhưng lịch hát và làm việc của ông vẫn kín mít. Cứ 3h sáng, ông thức dậy cùng nhân viên làm bún chả, chiều và tối đi diễn tại các phòng trà và nhà văn hóa các quận. Bạn bè yêu mến gọi Xuân Tứ với nghệ danh hóm hỉnh "ông Yahamaha", tức là "già mà ham hát".

Trong câu chuyện kể với chúng tôi, ông luôn day dứt một điều: "Năm 1985, tôi cùng Đoàn ca múa nhạc Công nhân Thủ đô được Thành ủy Hà Nội điều động vào huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng để phục vụ người Hà Nội vào xây dựng vùng kinh tế mới tại đây. Suốt một tuần ca hát, những ca khúc về Hà Nội được yêu cầu hát đi, hát lại mà bà con vẫn nói nghe chưa thỏa. Khi chia tay, chúng tôi hứa với bà con rằng sẽ có ngày quay trở lại hát tiếp, nhưng đến nay lời hứa ấy vẫn chưa thực hiện được. Tôi còn một món nợ đó nên còn sức tôi sẽ còn cất tiếng hát về quê hương".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Còn sức, còn hát về quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.