Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nợ đọng 51% số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh

Vân An| 17/10/2013 13:32

(HNMO) – Sáng 17/10, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo về công tác tư pháp quý III năm 2013. Chủ trì cuộc họp là ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Tư pháp.


Theo báo cáo của Bộ, thực hiện việc giải quyết dứt điểm các văn bản còn nợ đọng đối với luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/7/2013 trở về trước, đến nay, với 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành được 98/200 văn bản hướng dẫn, đạt tỷ lệ 49%. Số văn bản chưa ban hành được là 102 văn bản, chiếm 51%, trong đó có 58 văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 44 văn bản của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Đối với 9 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực, Chính phủ mới ban hành được 1/42 văn bản.

Liên quan đến thi hành án dân sự, năm nay, toàn ngành giải quyết xong gần 493.000 vụ việc, đạt tỷ lệ 86,53%. So với năm 2012, số vụ việc tăng 24,71% nhưng giảm hơn 2% về tỷ lệ. Về tiền, toàn ngành đã giải quyết xong hơn 28.965 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 73,17%. Đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước, Bộ đã giải quyết được 373.518 việc, tương ứng với hơn 2.283 tỷ đồng.

Số việc phải cưỡng chế thi hành năm, nay là 10.096 trường hợp, trong đó có hưon 7.000 cuộc phải huy động lực lượng liên ngành. Nhìn chung, hầu hết các vụ cưỡng chế bảo đảm đúng trình tựu, thủ tục và thành công, không có vụ việc nào để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Về công tác bồi thường nhà nước năm 2013, ngành tư pháp đã giải quyết xong 37/82 vụ việc được yêu cầu với số tiền phải bồi thường hơn 15,6 tỷ đồng. So với số liệu trung bình của năm 2012 và các năm trước, số vụ việc thụ lý năm nay cao hơn 34% nhưng số vụ việc đã giải quyết xong lại thấp hơn 30%. Mặc dù vậy, số tiền nhà nước phải bồi thường trong năm nay đã tăng gần 5 lần số tiền bồi thường trung bình của 3 năm trước đó.

Về tình hình thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự, tổng số yêu cầu ủy thác tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam gửi đi nước ngoài qua đầu mối Bộ Tư pháp là 3.777 yêu cầu, trong đó số yêu cầu ủy thác tư pháp đã có trả lời gửi qua Bộ là hơn 1.700 yêu cầu. Đáng chú ý, số lượng ủy thác tư pháp chủ yếu liên quan đến hôn nhân gia đình (55%), còn lại là dân sự. Các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam gửi ủy thác tư pháp nhiều nhất là Mỹ, Canada, lãnh thổ Đài Loan, Australia, Hàn Quốc.

Vụ Vinashin: Chưa thi hành được khoản bồi thường thiệt hại

Về việc thực hiện công tác thi hành án với vụ án Vinashin, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, bản án hình sự liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Vinashin được tuyên với 9 bị cáo. Việc thi hành án được thực hiện theo 2 nội dung: án phí (khoảng hơn 2 tỷ đồng) và tiền bồi thường thiệt hại (hơn 1.200 tỷ đồng, là tài sản của Nhà nước). Đến nay, về án phí, cơ quan thi hành án đã thu được khoảng 230 triệu đồng.

Về thi hành án với các khoản tiền bồi thường, theo quy định của pháp luật, khi có đơn yêu cầu thi hành án của các bị hại, cơ quan thi hành án mới có cơ sở để thực hiện thi hành án. Nhưng đến nay, sau khi có đôn đốc của Bộ Giao thông vận tải, mới có 2/6 đơn vị bị hại có đơn đề nghị với số tiền yêu cầu bồi thường khoảng 31 tỷ đồng.

“Đúng là các biện pháp đảm bảo thi hành án chưa được thực hiện tốt. Để khắc phục, chúng tôi đã có kiến nghị với cơ quan tố tụng làm tốt hơn biện pháp đảm bảo thi hành án ngay từ khâu điều tra, xét xử”, ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết.

Đã có văn bản đề nghị Bộ Công an kiểm tra vụ việc

Liên quan đến việc Công an Hà Nội vừa thực hiện việc thu thập thông tin công dân qua bảng kê khai, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính khẳng định Bộ Tư pháp có biết việc này và theo chức năng, thẩm quyền của mình, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ đã có văn bản đề nghị Bộ Công an xem xét lại vụ việc.

Ông cho biết, Nghị định 90 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia là cơ sở để Bộ Công an triển khai thực hiện thu thập thông tin dân cư. Tuy nhiên, trước luồng dư luận cho rằng, việc thu thập thông tin của Công an Hà Nội có dấu hiệu vi phạm, ông Phan cho biết: Bộ đang chờ ý kiến của Bộ Công an trước rồi mới có ý kiến chính thức. Đến giờ, chưa thể khẳng định quy trình thu thập thông tin của Công an Hà Nội là đúng hay sai.

Ông cũng cho biết, liên quan đến việc thí điểm cấp mã số định danh cho công dân, Bộ Công an được giao chủ trì việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của mọi công dân. Trên cơ sở dữ liệu này, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Như vậy, việc xác định mã số định danh là thuộc thẩm quyền của Bộ Công an, không lo có sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa hai Bộ. Đáng chú ý, về việc xác định mã số định danh gồm 12 số, ông Phan cho biết, mặc dù Bộ Công an cho rằng 12 con số là đủ để thực hiện việc định danh cho mọi công dân nhưng để đảm bảo tính chặt chẽ và khách quan, các bộ liên quan đã có kế hoạch trao đổi, tư vấn thêm các chuyên gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Còn nợ đọng 51% số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.