(HNM) - Sau khi thể nghiệm Lễ khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long vào dịp đầu Xuân Bính Thân, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên tổ chức lễ khai ấn thường niên tại khu di sản thế giới này. Trên thực tế, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (HTTL) còn nhiều việc khác quan trọng hơn.
Khách tham quan khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Thảo |
Cấp thiết bảo tồn hiện vật
Sau khi Khu trung tâm HTTL có tên trên bản đồ di sản thế giới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (Trung tâm) đã phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài nước tìm lời giải cho bài toán bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
PGS.TS Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) cho biết, các đợt khai quật giúp bước đầu xác định được tầng văn hóa ở khu vực chính điện Kính Thiên có niên đại kéo dài khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIX-XX; tầng văn hóa ở các vị trí khác chỉ tương đối rõ từ thời Lê Sơ về sau, còn các lớp trên hầu hết đã bị san bạt mạnh mẽ, do đó không thể nhận biết được tính chất, đặc trưng của các di tích ở các lớp văn hóa đó. Một phần không gian chính điện Kính Thiên đã được xác định nhưng vẫn chưa thể nhận diện tổng thể.
Tương tự, PGS.TS Bùi Văn Liêm (Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học) bày tỏ sự lo lắng về việc bảo tồn hàng vạn hiện vật đã khai quật tại HTTL. Theo ông Liêm, Hà Nội là nơi hội tụ của các dòng chảy, mực nước ngầm luôn ở mức cao, cộng với thời tiết ẩm ướt là điều kiện cho các loại vi sinh vật, nấm mốc hình thành và phát triển, gây ảnh hưởng lớn đối với di tích, hiện vật, trong khi đó điều kiện và kỹ thuật bảo quản hiện vật ở Việt Nam nói chung, ở HTTL nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Là người trực tiếp quản lý di sản nhiều năm, TS Nguyễn Văn Sơn (nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) luôn đau đáu với những công việc cần phải làm nhưng chưa có đủ điều kiện để thực hiện. Đó là khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu mặc dù đã được khai quật với diện tích lớn, góp phần phát hiện và làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của Thăng Long - Hà Nội, nhưng hiện nay phía Bắc của khu Vườn Hồng (thẳng trục của kiến trúc tâm linh - Bát Giác thời Lý) vẫn chưa được tìm hiểu, nghiên cứu. Đáng lo ngại hơn là việc bảo tồn khu vực này theo nguyên tắc bảo tồn tại chỗ và toàn diện không mấy dễ dàng.
"Những vấn đề nêu trên chỉ có thể được giải quyết tương đối thỏa đáng khi chúng ta kết hợp tốt, hài hòa giữa công tác trưng bày bảo tàng, quảng bá di sản với các khu vực bảo tồn nguyên trạng. Đặc biệt, khu di sản cần có một bảo tàng chuyên trưng bày các hiện vật. Chỉ khi có bảo tàng trưng bày, nhu cầu tìm hiểu về di sản của nhân dân cả nước và du khách quốc tế mới được thỏa mãn", TS Nguyễn Văn Sơn nhận định.
Chưa có kịch bản tổ chức lễ hội truyền thống
Song song với công tác bảo tồn, làm rõ giá trị di sản, vấn đề khai thác, quảng bá di sản Khu Trung tâm HTTL như thế nào cho hợp lý cũng khiến các cơ quan chức năng "đau đầu".
Sau khi di sản được UNESCO vinh danh, hằng năm, Trung tâm đã tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học về di tích; tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề về tư liệu, hiện vật phát hiện tại di tích và một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội phục vụ khách tham quan. Qua đó, người dân và du khách đến với di sản ngày một nhiều hơn; giá trị, ý nghĩa của di sản đến gần công chúng hơn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các hoạt động bề nổi bởi HTTL với vai trò là trung tâm quyền lực và nơi giao lưu các nền văn hóa trong nhiều thế kỷ được cho là có nhiều nghi lễ, lễ hội mang tầm quốc gia. Điển hình của các nghi lễ đó được xác định là lễ hội Đèn Quảng Chiếu và lễ khai ấn.
Lễ hội Đèn Quảng Chiếu được giới khoa học khẳng định là lễ hội cung đình, có từ thời Lý - Trần với ý nghĩa cầu trường thọ, cầu quốc thái dân an. Do không còn đủ dữ liệu khoa học, nên việc phục dựng lễ hội Đèn Quảng Chiếu mặc dù là việc nên làm để "thổi hồn" vào di sản nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được kịch bản tổ chức phù hợp.
Đặc biệt, sau khi phát hiện chiếc ấn gỗ "Sắc mệnh chi bảo", trong khuôn khổ các hoạt động vui Xuân Bính Thân tại HTTL, Trung tâm đã tổ chức thể nghiệm nghi thức khai ấn. Nghi thức này diễn ra trang nghiêm, thành kính, không vì mục đích thương mại, nhưng dư luận đã bùng lên những luồng ý kiến trái chiều về việc có nên tổ chức lễ khai ấn thường niên tại HTTL hay không. Ý kiến đồng thuận thì cho rằng, việc tổ chức cần được nghiên cứu kỹ hơn và có kịch bản cụ thể; ý kiến phản đối thì lên án đó là hành vi thương mại, cạnh tranh thương hiệu. Hiện Trung tâm chưa có ý kiến chính thức về vấn đề này, song khách quan mà nói, việc có tổ chức nghi thức khai ấn tại HTTL hay không, tổ chức như thế nào chỉ là một trong số rất nhiều việc các cơ quan chức năng, trực tiếp là Trung tâm cần phải nghiên cứu và giải quyết trong thời gian tới.
GS William Logan (Đại học Deakin, Australia): Khu Trung tâm HTTL được UNESCO ghi danh bởi đây là nơi giao lưu của các nền văn hóa trong suốt hơn 13 thế kỷ; là minh chứng duy nhất cho sự tiến hóa của một nền văn minh lớn và độc đáo ở Châu Á, nên trước hết, việc bảo tồn giá trị di sản phải tập trung vào các nội dung được UNESCO phê chuẩn. GS Nobou Kamei (Viện Nghiên cứu văn hóa quốc gia Tokyo, Nhật Bản): Sẽ rất vui nếu chúng ta có thể thấy các khu vực được mở rộng cho công chúng tham quan. Tuy nhiên, các sự kiện lịch sử và các sự kiện khác cần được phục dựng dựa vào bằng chứng khoa học, còn những thứ tưởng tượng có thể dẫn đến thương mại hóa cần bị loại trừ, để tránh sự hiểu sai lệch về lịch sử. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.