(HNM) - Cho dù giá trị kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch đề ra, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng với kế hoạch của 3 tháng còn lại của năm, bởi những khó khăn về vốn, thị trường và những biến động đầy rủi ro trên thị trường thế giới.
Những tín hiệu khả quan
Bộ Công thương cho biết, 9 tháng đầu năm tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng cao nhất là nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản với mức tăng 45,3%; nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tăng 39,8%; nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 32%.
Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Yến Ngọc
Tại hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu 9 tháng năm 2011 và bàn biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu năm 2012 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 11-10, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhận định, xuất khẩu đã đạt nhiều kết quả tích cực khi các mặt hàng chủ lực đều tăng về lượng, giá, thị trường. Cụ thể là thủy sản dù gặp nhiều khó khăn về nuôi trồng và thị trường nhưng vẫn xuất khẩu được hơn 4,41 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ. Gạo xuất khẩu tăng cả về lượng và giá, 9 tháng đầu năm đã xuất gần 6 triệu tấn, cao hơn so với mức xuất khẩu cả năm (từ năm 2010 trở về trước). Cà phê tuy đang gặp khó khăn, từ tháng 4 đến nay liên tục giảm nhẹ về số lượng và bị chèn ép giá nhưng vẫn mang về hơn 2,1 tỷ USD, tăng 63,9%. Dệt may tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao khi xuất khẩu 10,5 tỷ USD, tăng 31%… Ở các mặt hàng giảm về lượng như hạt điều (giảm 6%) nhưng trị giá vẫn tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thuận lợi về giá…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, tình hình trong nước và thế giới liên tục xuất hiện những khó khăn, khủng hoảng nợ công châu Âu ngày càng trầm trọng, kéo theo khả năng kinh tế toàn cầu suy thoái kép, lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô thì xuất khẩu Việt Nam vẫn giữ được những thị trường chính, và tăng đều trên tất cả các khu vực thị trường (hai thị trường tăng cao nhất là châu Phi với 170% và châu Á 41%) là những tín hiệu tích cực đáng ghi nhận. Ở khu vực ASEAN, vốn là thị trường khó vì hàng hóa tương đồng với Việt Nam nhưng xuất khẩu 9 tháng vẫn đạt gần 10 tỷ USD. Đông Á cũng có mức tăng trưởng cao khi thị trường Hàn Quốc tăng trưởng 82,4%, Nhật Bản tăng 33%. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc vốn có sức cạnh tranh cao nhưng hàng hóa Việt Nam vẫn xuất được 7,5 tỷ USD, tăng trưởng 60%. Hiện nay, châu Âu vẫn đang chịu tác động của nợ công và suy thoái kinh tế nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào các nước thuộc EU vẫn tăng đến 48,2%.
Cần hỗ trợ từ chính sách
Bộ Công thương cho biết, sẽ phấn đấu để kim ngạch xuất khẩu cả năm 2011 đạt khoảng 94 - 95 tỷ USD. Như vậy, 3 tháng còn lại, mỗi tháng xuất khẩu ước đạt trên 8 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, bức tranh xuất khẩu quý IV không hẳn thuận lợi. Không ít doanh nghiệp sẽ đuối sức, khó duy trì tăng trưởng như 9 tháng qua nếu không được sự hỗ trợ của Nhà nước. Đối với ngành dệt may, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 13-13,5 tỷ USD thì trong 3 tháng cuối năm phải đạt trung bình 1,1 tỷ USD/tháng, tuy nhiên gần đây kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đang bị sụt giảm. Ngành da giày cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động khiến nhiều doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng mới. Ngành thủy sản cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến, đặc biệt là với hai mặt hàng cá tra và hải sản đánh bắt, do tình trạng bỏ ao nuôi cá trong năm 2010 và cạnh tranh mua nguyên liệu của các thương nhân nước ngoài…
Lãi suất và tiếp cận vốn tiếp tục là một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu rất khó khăn vì chính sách vĩ mô, tỷ giá, lãi suất thay đổi liên tục trong khi kế hoạch kinh doanh phải từ 6 tháng đến 1 năm, khiến doanh nghiệp xoay trở không kịp, nhiều khi phải chịu lỗ. Ông Hoàng cho rằng, doanh nghiệp không cần vay ưu đãi mà chỉ cần vay lãi suất bình thường, thời gian vay phù hợp và giải ngân đúng lượng vốn vào đúng thời điểm là đã đủ điều kiện kinh doanh. Vì vậy, Nhà nước cần có phương thức cho vay linh hoạt mới giúp được doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhìn nhận, những khó khăn trên đã tồn tại trong nhiều năm qua nhưng chưa được tháo gỡ tốt. Thời gian qua, lãi suất ngân hàng đã giảm từ mức 18-22% xuống còn 17-19%. Bộ Công thương đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ vốn cho vay phục vụ sản xuất xuất khẩu thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ….
Từ ngày 20-10, Nghị định 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước có hiệu lực thi hành (thay thế Nghị định 151/2006/NĐ-CP). Một trong những điểm đáng chú ý là nghị định này sẽ hạn chế mặt hàng cho vay so với nghị định cũ. Bên cạnh đó, để được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, chủ đầu tư phải thực hiện kiểm tra báo cáo tài chính… Tuy nhiên, theo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các mặt hàng hạn chế cho vay không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu vì kim ngạch những mặt hàng này nhỏ; trong khi đó, việc siết chặt điều kiện vay sẽ giúp vốn vay đến đúng đối tượng hơn, lãi suất phù hợp hơn. Bộ Công thương cũng cho rằng, việc triển khai Nghị định 75/2011/NĐ-CP sẽ là cơ hội mới mở ra cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay cho sản xuất kinh doanh xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.