Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều lúng túng

Hữu Hoài| 30/11/2012 07:16

(HNM) - Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đã khắc phục tình trạng manh mún về đất đai, tạo nền tảng vững chắc cho nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và tạo điều kiện để nông dân yên tâm gắn bó lâu dài với đồng ruộng. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (CNQSDĐ) sau DĐĐT của Hà Nội còn chậm, khiến việc thực hiện chủ trương này gặp khó khăn.

Huyện Phúc Thọ có nhiều mô hình chăn nuôi con đặc sản hiệu quả kinh tế nhưng vẫn chưa được giao đất sử dụng lâu dài. Ảnh: Hoài Thu

Theo quy định hiện hành, gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản... được giao đất theo Nghị định 64/CP của Chính phủ sẽ tiếp tục được gia hạn sử dụng đất. Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, diện tích đất nông nghiệp của toàn thành phố là 167.495ha. Đến nay, Hà Nội đã triển khai giao đất theo Nghị định 64/CP được 135.409ha với 667.529 hộ và 2.665.495 nhân khẩu; quỹ đất còn lại chưa giao 122.233ha với 678.079 hộ và 2.719.431 nhân khẩu. Tổng số giấy CNQSDĐ đã cấp cho các hộ gia đình, cá nhân là 460.583 giấy. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc cấp giấy CNQSDĐ nông nghiệp gia hạn cho hộ dân đã dồn đổi ruộng ở nhiều địa phương của Hà Nội đang gặp khó khăn.

Huyện Phú Xuyên là một trong những địa phương cơ bản hoàn thành nhiệm vụ DĐĐT, thế nhưng ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên cho biết, 100% diện tích đã hoàn thành DĐĐT trên địa bàn huyện vẫn chưa được cấp giấy CNQSDĐ. Nguyên nhân, do việc thỏa thuận, chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp tự phát không qua xác nhận của chính quyền địa phương nên trên giấy tờ, hồ sơ sử dụng đất không phản ánh hiện trạng sử dụng đất. Diện tích đất nông nghiệp giao cho mỗi hộ, mỗi khẩu trong các thôn, xã, thị trấn cũng không thống nhất gây khó khăn trong quá trình quản lý. Những năm qua, đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Xuyên bị thu hẹp để phục vụ các mục đích khác, vì vậy việc chỉnh lý, quản lý về đất đai khó khăn. Do đó ở thời điểm này, Phú Xuyên phải đo đạc lại thì mới cấp mới, cấp đổi giấy CNQSDĐ để làm cơ sở dữ liệu địa chính quản lý lâu dài.


Không riêng Phú Xuyên, người dân các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sóc Sơn... rất băn khoăn bởi sau DĐĐT, "sổ đỏ" cũ không còn giá trị pháp lý. Bà Nguyễn Thị Minh, xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) cho biết, quá trình dồn đổi, các hộ bốc thăm để nhận đất ở những vị trí khác nhau, chỉ có diện tích là được giữ nguyên. Do không có "sổ đỏ" nên đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến tranh chấp đất đai của người dân. Cũng chung cảnh ngộ, người dân xã Đại Thắng, mặc dù đã hoàn thành việc DĐĐT từ năm 2008, nhưng vẫn chưa được cấp "sổ đỏ" vì công tác đo đạc hiện trạng và chỉnh lý biến động ruộng đất chưa được thực hiện. Nhiều người dân cho rằng, để gia hạn sử dụng đất, phải xác định đất nông nghiệp trong hạn mức và vượt hạn mức. Trong trường hợp không có giấy CNQSDĐ nông nghiệp, việc xác định diện tích trong hạn mức, vượt hạn mức gặp vô vàn khó khăn. Mặc dù khá tích cực thực hiện DĐĐT, tuy nhiên, tiến độ triển khai cấp giấy CNQSDĐ nông nghiệp của các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng do thiếu kinh phí đo đạc, khảo sát, lập bản đồ địa chính, nhiều địa phương còn chưa hoàn thiện quy hoạch vùng, chưa xác định rõ vùng cấm không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, trong khi đó, đội ngũ cán bộ cơ sở mỏng, thiếu thốn về cả năng lực chuyên môn và trang thiết bị phục vụ.

Đó là những "lỗ hổng" cần sớm được các cấp, ngành, địa phương quan tâm khắc phục trong thời gian tới.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều lúng túng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.