(HNM) - Chẳng phải ngẫu nhiên mà bảng xếp hạng các trường đại học lần đầu tiên được công bố ở Việt Nam lại gây “bão” trong dư luận và trong chính các trường đại học. Những hoài nghi, trăn trở của người trong và ngoài cuộc là điều dễ hiểu khi những căn cứ để chấm điểm còn có phần chung chung, thiếu tin cậy…
Mặc dù đã đưa ra các tiêu chí, nhưng như chính nhiều chuyên gia giáo dục, lãnh đạo các trường đại học nhận xét, đây là bảng xếp hạng chưa đạt độ tổng thể. Chính vì vậy, thứ hạng các trường đại học cũng trở nên phiến diện. Sự cảm tính, có phần vô lý có thể thấy rõ khi một số trường đại học luôn nằm trong “top” đỉnh, điểm đầu vào gần mức tuyệt đối lại rơi vào nhóm trung bình, trong khi có những trường mới thành lập thì lên ngôi…
Trước “bảng điểm” thiếu thuyết phục ấy, nếu không có cách nhìn nhận khách quan thì các thứ hạng trong bảng xếp hạng sẽ trở thành con dao hai lưỡi, “cứa” vào những tồn tại của nền giáo dục, ảnh hưởng đến uy tín các trường đại học. Nguy hiểm hơn, những con số trong bảng xếp hạng sẽ làm méo mó, lệch lạc định hướng cho những người đang có nhu cầu theo học, đặt hàng nghiên cứu và đào tạo; thậm chí còn làm chệch hướng đầu tư của Nhà nước…
Thực trạng này cho thấy, sự cần thiết phải có một bảng xếp hạng với những tiêu chí chuẩn mực, cụ thể, khách quan và thật sự khoa học.
Bảng xếp hạng sẽ cho chúng ta thấy một bức tranh tổng thể của nền giáo dục đại học với sự so sánh bảo đảm minh bạch, toàn diện và trong bối cảnh hiện nay, đây là một nhu cầu. Tuy nhiên, nếu không có sự ràng buộc nhất định về mặt chính sách, bảng xếp hạng sẽ trở thành công cụ phục vụ cho một nhóm lợi ích, khiến môi trường giáo dục rối ren. Nếu không được luật hóa, rất có thể những thứ bậc trong bảng xếp hạng sẽ dựa trên những yếu tố “mềm” khác.
Không thể phủ nhận, bảng xếp hạng là yếu tố quan trọng, làm lực đẩy cho các trường đại học nỗ lực hơn trong việc tự hoàn thiện mình. Tính cạnh tranh cũng sẽ tăng cao và trở thành động lực để trường đại học thay đổi theo chiều hướng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Đây cũng là “phép cộng”, nâng uy tín các trường đại học. Tuy nhiên, vấn đề sâu xa, thực chất, giá trị cốt lõi nhất cần được xác định trong bảng xếp hạng - đó là việc đào tạo con người.
Khi chọn một trường đại học, người học đã xác định tương lai và gắn kết với ngành học đó. Vì thế, yếu tố then chốt, khẳng định thứ hạng của trường đại học phải được minh chứng bằng kết quả đào tạo với sự thành đạt, cống hiến cho xã hội của sinh viên sau khi tốt nghiệp; là sự ghi nhận của xã hội về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của chính ngôi trường đó. Khi đánh giá, cần đề cao tính con người, tính thực tiễn trong đào tạo, nghiên cứu khoa học hơn là chạy theo giá trị về cơ sở vật chất, số lượng bài nghiên cứu... bởi đó là bề nổi.
Việc phân hạng trường đại học ở nước ta là cần thiết và đã được đề cập trong Luật Giáo dục đại học năm 2012. Tuy nhiên, quy định chưa chi tiết, chưa có văn bản hướng dẫn xây dựng tiêu chí và cũng chưa quy định về chủ thể được thực hiện phân hạng. Vì vậy, để đạt mục đích như Luật Giáo dục đại học xác định: “Xếp hạng nhằm đánh giá uy tín và chất lượng đào tạo; phục vụ công tác quản lý nhà nước và ưu tiên đầu tư từ ngân sách” đòi hỏi việc xây dựng tiêu chí phải dựa trên hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn đầy đủ, đồng nhất. Bộ tiêu chí phải được lấy ý kiến chuyên gia, của chính các đối tượng chịu ảnh hưởng là các trường đại học. Và chỉ khi lấy con người là trung tâm, thước đo, đối tượng phục vụ, thì khi ấy các tiêu chí xếp hạng, kết quả bảng xếp hạng mới thật sự có giá trị thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.