(HNM)- Ngày 6-1-2011, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì hội nghị phát triển bền vững (PTBV) toàn quốc nhằm đánh giá việc thực hiện giai đoạn 2005-2010 và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2011-2015, hướng tới năm 2020.
Thành tựu và những tồn tại
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2005-2010, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do tác động của khủng hoảng tài chính suy thoái kinh tế thế giới gây ra. Nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao so với nhiều nước, đưa nước ta ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp và đạt nhiều thành tựu về an sinh xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 7%, thu nhập bình quân năm 2010 đạt khoảng 1.162 USD/người, vượt mục tiêu đề ra là 1.050-1.100 USD/người. Nền kinh tế ngày càng hội nhập với khu vực và thế giới sâu rộng và chủ động hơn; môi trường kinh doanh và điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp không ngừng cải thiện. Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới xác nhận, thứ hạng trong bảng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng thêm 16 bậc trong năm 2010…
Việt Nam có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, với sự tham gia của nhiều thành phần theo hướng giảm dần tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước ngày một tăng. Nhiều loại sản phẩm chủ lực đang khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế. Về mặt xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%, đạt kế hoạch đề ra. Các cơ chế, chính sách và điều kiện cho người lao động từng bước phù hợp với sự vận động của kinh tế thị trường và hội nhập, nhờ đó đã góp phần giải phóng sức sản xuất, tạo nhiều việc làm. Trong 5 năm qua đã giải quyết việc làm cho trên 8 triệu lao động, đưa tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm xuống còn 4,6%...
Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH để nền kinh tế đất nước phát triển bền vững. Ảnh: Huy Hùng
Tuy nhiên, giai đoạn 2005-2010 cũng bộc lộ không ít hạn chế, như tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, thiếu chiều sâu; tính ổn định của kinh tế vĩ mô chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh chưa đều; năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực thấp; khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo ngày càng rộng. Hoạt động sản xuất nông nghiệp còn bị động, thiếu sự ứng phó hiệu quả với thiên tai…
Nâng cao toàn diện chất lượng sống của người dân
Để PTBV kinh tế trong thời gian tới, trước tiên là giai đoạn 2011-2015, hướng tới năm 2020, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, kết hợp các mục tiêu tổng hợp, đặc biệt là gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, quan tâm thỏa đáng đến điều kiện và chất lượng sống của người dân.
Mỗi đơn vị sản xuất và các ngành cần thực hiện tiết kiệm năng lượng, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, chú trọng sản xuất sạch để bảo vệ môi trường. Bộ Công thương đưa ra khuyến nghị hỗ trợ, tuyên truyền cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, thắt chặt quan hệ cung - cầu; từng bước nhập, áp dụng công nghệ mới - hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; kiên trì định hướng xuất khẩu, trong đó khuyến khích những ngành mới, độc đáo và có bản sắc riêng để từng bước hình thành và tôn cao thương hiệu quốc gia…
Các tỉnh khu vực ven biển, nhất là vùng thấp ven biển cần ý thức rõ về tác hại của nạn thủy triều dâng và biến đổi khí hậu, từ đó có biện pháp ứng phó phù hợp, bảo vệ người dân đồng thời duy trì sản xuất. Khu vực đồng bằng sớm phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học; biết tận dụng lợi thế ở từng địa phương và khắc phục tác hại của việc thay đổi khí hậu. Sản xuất nông nghiệp cần được chú trọng và hướng mạnh vào những mục tiêu năng suất - chất lượng - hiệu quả, khuyến khích sự hợp tác, ra đời của những mô hình quy mô lớn, chuyên sâu về sản phẩm nông nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện PTBV giai đoạn 2011-2015; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện PTBV ở Việt Nam; đồng thời ban hành bộ chỉ tiêu PTBV để theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, PTBV là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển KT-XH nói chung, gắn liền với việc thực hiện CNH-HĐH đất nước, cần được triển khai với quyết tâm lớn, quy tụ nhiều nguồn lực tổng thể để đạt kết quả cao hơn. Cần lưu ý đến việc cân bằng những cán cân vĩ mô quan trọng, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp - từ TƯ đến từng ngành, địa phương với tinh thần chủ động và năng động. PTBV luôn lấy con người là nhân tố quyết định và vì con người, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân một cách toàn diện, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu y tế, giáo dục, môi trường sống, quan tâm thỏa đáng đến các vấn đề thể thao, du lịch, đào tạo, tôn vinh giá trị nhân văn, văn hóa truyền thống…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.