(HNM) - Một thực trạng chung nổi lên qua đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQLT-CP- UBTƯ MTTQ giữa Chính phủ và MTTQ Việt Nam về ban hành quy chế "MTTQ giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở KDC" là thiếu sự vào cuộc của các tổ chức thành viên Mặt trận, cán bộ MTTQ gần như bị "khoán trắng" nhiệm vụ này trong điều kiện thiếu hụt lớn về nhân lực cũng như kinh phí hoạt động...
MTTQ "tự biên, tự diễn"
Nghị quyết liên tịch số 05 (gọi tắt là NQ 05) ra đời phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, nên thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng, mang lại hiệu quả bất ngờ.
Cần phải có chế tài bảo vệ người kiến nghị, phản ánh có như vậy quần chúng, đảng viên mới dám nói thẳng, nói thật với những vi phạm, sai phạm. Ảnh: Huyền Linh |
Phó Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Xuân Điệp cho biết, 5 năm qua, MTTQ phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức họp 1.470 hội nghị ở KDC với hơn 70 nghìn người tham dự; đặt được 299 hòm thư giám sát tạo điều kiện cho nhân dân tham gia và đã nhận được 2.314 đơn thư và ý kiến phản ánh của nhân dân. Kết quả giải quyết khá quyết liệt, điển hình như qua giám sát, kiến nghị của MTTQ phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), cấp trên đã kỷ luật cách chức Giám đốc Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (thuộc Bộ NN&PTNT) có vi phạm lấn chiếm đất công, xây dựng không phép; nhân dân và MTTQ xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) kiến nghị và một phó công an xã nhận tiền hối lộ của dân làm "sổ đỏ" đã bị bãi nhiệm. Ngoài ra, ở nhiều xã, phường, thị trấn qua giám sát, kiến nghị đã thu hồi được hàng trăm mét vuông đất bị lấn chiếm, hàng chục tỷ đồng từ việc mua bán trái phép đất công và tham nhũng... Song ông Nguyễn Xuân Điệp cũng khẳng định, kết quả này còn hạn chế, bởi nhiều nơi coi đây là việc riêng của MTTQ, trong khi đội ngũ cán bộ MTTQ cơ sở trình độ, năng lực còn bất cập. Thiếu sự tham gia thực hiện của chính quyền và các ban, ngành chức năng, dẫn đến số vụ việc được phát hiện mới chỉ là "bề nổi", thậm chí nhiều nơi không phát hiện được vụ việc nào.
Mặt khác so với 5 tỉnh, thành phố làm điểm thì Hà Nội có số đơn giám sát và ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân nhiều nhất (1.292 đơn). Nhưng trong đó, số đơn do các tổ chức thành viên của MTTQ phát hiện rất ít, cụ thể là chỉ có 122/1.292 vụ việc (đạt 10,5%), còn lại do MTTQ và nhân dân kiến nghị, phản ánh. Điều này cho thấy, sự phối hợp của các tổ chức thành viên MTTQ còn lỏng lẻo, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm chung...
Làm gì để nâng cao hiệu quả một chủ trương đúng?
Điều đáng mừng, những vụ việc, vi phạm được phát hiện qua giám sát hầu hết có cơ sở và số việc được giải quyết đạt tỷ lệ cao, trên 80%. Đặc biệt, qua đó, MTTQ và nhân dân không chỉ phát hiện, kiến nghị giải quyết, ngăn chặn được nhiều sai phạm, mà còn góp phần nâng cao tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm người đứng đầu. Tiêu biểu như MTTQ huyện Đông Anh kiến nghị và được lãnh đạo huyện bỏ chế độ dùng xe ô tô đưa đón cán bộ không đúng tiêu chuẩn, quy định.
Tuy vậy, quá trình thực hiện thí điểm NQ cho thấy, còn bộc lộ nhiều bất cập, đó là: Trình độ năng lực của cán bộ các ban công tác Mặt trận ở KDC hạn chế, hầu hết là các cụ tuổi cao, lúng túng trong phân công, thực hiện. Nhiều nơi nể nang, né tránh, ngại va chạm, thậm chí chưa tin vào hiệu quả giám sát, hoặc sợ bị trù dập, trả thù. Công tác tuyên truyền còn hạn chế, khiến dư luận nhân dân băn khoăn, không hiểu rõ và lo ngại về hiệu quả, tính khả thi của NQ. Tâm lý người dân lo ngại khi đối thoại sẽ ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm, sợ bị trù dập khi chưa có cơ chế bảo vệ rõ ràng...
Ông Nguyễn Ngọc Hạc, Trưởng ban TTND phường Cống Vị (quận Ba Đình), một đơn vị thực hiện tốt NQ cho rằng, cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu, như tạo điều kiện để người kiến nghị tiếp cận, gặp gỡ, trình bày ý kiến và cần có cơ chế quy định thống nhất quan hệ giữa bộ phận tiếp nhận, phân loại và giải quyết đơn thư ở từng cấp.
Để dỡ những "rào cản" trong thực hiện NQ 05, vừa qua UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị mở rộng thực hiện trên cả nước, tiến hành đồng bộ cả hệ thống chính trị và các cơ quan, đơn vị, DN từ TƯ đến cơ sở, gắn với việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đồng thời có cơ chế bảo vệ người giám sát, phát hiện, tố giác tiêu cực, tham nhũng, sai phạm, đồng thời cần có cơ chế khen thưởng, động viên, nêu gương người tích cực tham gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.