Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn dư địa kiểm soát lạm phát

Hồng Sơn| 11/05/2021 06:56

(HNM) - Theo Tổng cục Thống kê, giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính giúp Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2021 giảm 0,04% so với tháng trước. Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, các giải pháp bình ổn thị trường vẫn đang được triển khai đồng bộ, vì vậy chỉ tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 4% vẫn còn dư địa đạt được...

CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Tính cụ thể, tháng 4 có 4 nhóm giảm giá so với tháng trước. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 4 giảm 0,13% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm) do giá gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy sản giảm nhờ nguồn cung dồi dào. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,43% so với tháng trước (làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm). Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,2% chủ yếu do các doanh nghiệp giảm giá các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ...

Ngược lại, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với mức tăng 0,87% (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 27-3, 12-4 và 27-4...

Hiện, các cơ quan chức năng, địa phương đang chủ động trong công tác bình ổn, kiểm soát lạm phát trong giới hạn đề ra của năm 2021 là CPI tăng không quá 4%. Tuy nhiên, cần lưu ý một số yếu tố phức tạp, khó can thiệp và chủ yếu phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu, nhất là dầu thô thời gian tới.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, nhìn chung diễn biến CPI thời gian tới vẫn khó đoán định. Trong đó, diễn biến thị trường nhiên liệu thế giới là khó lường và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với Bộ Tài chính trong công tác điều hành; trong đó lưu ý sự hài hòa giữa yếu tố thị trường và việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; bảo đảm lợi ích của các bên liên quan, ổn định giá tiêu dùng nói chung.  

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để bình ổn giá xăng dầu cần phối hợp trong bảo đảm nguồn cung từ nhập khẩu và phát huy tối đa khả năng đáp ứng của các nhà máy lọc dầu trong nước. Ngoài ra, công tác dự báo, điều hành cần bám sát thực tế, phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt để kiểm soát CPI một cách hợp lý.

Nhận định về CPI từ nay đến hết năm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho hay, cơ quan chức năng không nên chủ quan bởi hiện nhiều nước đang tập trung hồi phục các hoạt động kinh tế, thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Việc này là yếu tố dễ gây ra lạm phát trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu vào đời sống kinh tế quốc tế nên khó tránh khỏi sự ảnh hưởng nhất định.

Bên cạnh đó, khi sản xuất hồi phục từng bước sẽ đẩy nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên liệu và vật tư tăng lên; cũng có thể khiến giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào tăng. Hiện, giá một số nguyên, vật liệu nói chung, nhất là phục vụ ngành Xây dựng cũng đang có biểu hiện nhích lên. Giá thịt lợn cũng có thể tăng lên do chi phí tăng và dồn vào thực tế cung - cầu ở thời điểm cuối năm.

Từ đó, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan, địa phương trong kiểm soát thị trường, chống nạn buôn lậu, hàng giả, thực hiện niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết bên cạnh phát hiện sớm và ngăn chặn tình trạng khan hàng, “sốt giá” ảo.

Thực tế, dư địa cho kiểm soát lạm phát dưới 4% vẫn còn khá nhiều vì CPI 4 tháng tăng thấp trong khi dịch Covid-19 còn tiếp diễn nên hoạt động sản xuất chưa thể hồi phục quá nhanh cũng như sức mua xã hội còn hạn chế. Từ đó, các chuyên gia nhận định, CPI cả năm vẫn sẽ được kiềm chế trong hạn mức đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn dư địa kiểm soát lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.