Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn đó nỗi lo

Tư Đô| 03/10/2013 06:36

(HNM) - Sau nhiều năm Luật PCCC có hiệu lực, công tác PCCC được nhiều cấp, ngành và người dân quan tâm hơn. Nhưng thực tế, hỏa hoạn vẫn xảy ra và thiệt hại do cháy chưa giảm. Cứ sau mỗi một vụ cháy lớn, con số thiệt hại lại trở nên ám ảnh không chỉ với nạn nhân mà cho toàn xã hội

Diễn tập phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Bảo Lâm



Thiệt hại nghiêm trọng

Thực tế là không phải cứ khi bị cháy thì sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhiều vụ cháy được phát hiện kịp thời, cứu chữa đúng cách đã ngăn chặn sự tàn phá của "giặc lửa". Những năm gần đây, tại một số đô thị lớn, dù còn chậm nhưng năng lực chữa cháy của lực lượng cảnh sát PCCC đã nâng lên. Lực lượng này có thể khống chế được nhiều vụ cháy, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân, các cơ quan, tổ chức. Nhưng nhìn chung, giặc lửa vẫn luôn rình rập, chưa biết bùng lên lúc nào, cùng với công tác phòng ngừa của tập thể, cá nhân không tốt nên thiệt hại do cháy vẫn ở mức đáng lo.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra trên 1.400 vụ cháy, làm chết hơn 20 người, bị thương hơn 50 người, thiệt hại về tài sản trị giá 579,8 tỷ đồng, trong đó có 16 vụ cháy lớn, gây thiệt hại khoảng 467,9 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ cháy giảm nhẹ, số người chết bị thương giảm nhưng thiệt hại tài sản tăng. Đó mới là thống kê 6 tháng, chưa có số liệu về hàng loạt vụ cháy lớn vừa xảy ra, trong đó đặc biệt là vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương (15-9), ước tính thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng. Điều đó cho thấy một thực trạng là với những vụ cháy lớn, lửa đã bùng lên thì sẽ thiêu rụi những gì có thể. Trong những vụ cháy như thế, lực lượng PCCC của nhiều địa phương không đủ năng lực cứu chữa theo đúng tinh thần "tấn công giặc lửa", hầu hết chỉ đủ sức ngăn chặn cháy lan. Khi lửa tắt thì hàng hóa trong đám cháy đã bị hủy hoại hoàn toàn, thiệt hại nhiều vụ là 100%.

Những năm qua, từ TƯ đến các tỉnh, thành phố, chính quyền liên tục ra các văn bản chỉ đạo tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn. Nhưng dường như những văn bản đó chưa đủ sức "lay động" đến những người chịu trách nhiệm chính tại các địa phương, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH thừa nhận: Hiểu biết, nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức còn hạn chế, thậm chí ngay cả trong lãnh đạo từ cấp bộ, ngành. Sau những vụ cháy lớn, thiệt hại hoàn toàn, người ta chỉ có thể lại ngồi "rút kinh nghiệm" về công tác phòng ngừa cháy nổ mà không biết khi nào, ở đâu lại có thể xảy cháy.

Còn gì sau khi lửa tắt?

Trở lại vụ cháy Trung tâm Thương mại Hải Dương, sau khi lửa tắt, tài sản tiêu tan, tiểu thương ở đây mới chợt nhớ ra là chưa hề mua bảo hiểm cháy nổ. Mà họ muốn mua bảo hiểm cũng không dễ. Bởi muốn mua bảo hiểm, Trung tâm Thương mại Hải Dương phải đáp ứng được những yêu cầu về tiêu chuẩn PCCC. Trong khi trung tâm lại nhiều lần bị nhắc nhở, xử phạt hành chính về những thiếu sót, bất cập trong công tác này. Rà soát chỉ có hơn 50 người được bảo hiểm nhưng là loại bảo hiểm gián tiếp. Nghĩa là, sau vụ cháy, tòa nhà đồ sộ hư hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa, ban quản lý chợ đối mặt với vòng tố tụng còn hầu hết tiểu thương thì trắng tay…

Theo Nghị định 35/2003/NĐ-CP, nhiều hạng mục công trình bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ, trong đó có chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, chung cư, khách sạn từ 5 tầng trở lên và các địa điểm công cộng khác... Nhưng việc mua bảo hiểm còn phụ thuộc vào phía doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Với những công trình không đáp ứng yêu cầu an toàn PCCC, bên bán bảo hiểm có quyền từ chối cung cấp dịch vụ. Với hiện trạng các công trình như hiện nay thì hầu hết người muốn mua bảo hiểm khó tiếp cận được dịch vụ này. Sau những vụ cháy thiệt hại lớn như ở Trung tâm Thương mại Hải Dương, có lẽ những doanh nghiệp bảo hiểm thấy "vui" vì đã sáng suốt không bán bảo hiểm cháy nổ cho cơ sở này.

Sau mỗi vụ cháy chúng ta lại đi tìm nguyên nhân cháy. Dù nguyên nhân mỗi vụ khác nhau nhưng theo cơ quan chức năng, chính yếu vẫn là sự chủ quan của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, của chính người chủ hàng hóa, nhà xưởng. Sự chủ quan đó dẫn đến công tác phòng ngừa bị buông lỏng, điều kiện an toàn về PCCC bị xem nhẹ, hỏa hoạn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Do công tác phòng ngừa kém nên dịch vụ bảo hiểm PCCC không được cung cấp. Đến khi cháy, trong điều kiện năng lực chữa cháy còn quá hạn chế như hiện nay, thiệt hại là khó lường. Vì vậy, việc phòng ngừa cháy và cháy lớn là yêu cầu quyết định trên lĩnh vực này. Không thể để sau mỗi vụ cháy, điều còn lại chỉ là những bài học đắt giá...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn đó nỗi lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.