(HNM) - 5 năm sau khi khiến cả Châu Âu chao đảo trong cuộc khủng hoảng nợ, một lần nữa Hy Lạp lại trở thành
Cử tri Hy Lạp hy vọng đảng Syriza sẽ mang đến sự thay đổi cho đất nước. |
Ngay sau khi đảng Syriza với chủ trương phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" tuyên bố thắng cử và thành lập chính phủ liên minh với đảng Hy Lạp Độc lập (ANEL), kịch bản cho việc xứ sở Thần thoại rời khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) được gọi là "Grexit" lại hiện hữu. Hiện tại, Cựu lục địa thấp thỏm hơn bao giờ hết trước bất kỳ mọi động thái mà tân Chính phủ Hy Lạp đưa ra. Khả năng đáng ngại nhất là Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ dừng thỏa thuận về một gói cứu trợ mới của bộ ba Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và đưa ra cách tiếp cận khác. Điều này có thể đẩy Hy Lạp tới tình trạng vỡ nợ nếu những chính sách đi ngược lại yêu cầu cắt giảm chi tiêu không phát huy hiệu quả như mong muốn. Dù số tiền Hy Lạp nợ các nước đối tác trong khu vực chỉ tương đương với một tỷ lệ nhỏ so với nền kinh tế Eurozone, song sự sụp đổ của xứ sở Các vị thần cũng sẽ khiến đồng euro phải trả giá đắt. Theo tính toán dựa trên số liệu từ Liên minh Châu Âu (EU), Đức sẽ là nước bị thiệt hại nhiều nhất nếu Hy Lạp vỡ nợ có thể sẽ mất tới 56,5 tỷ euro, Pháp mất 42,4 tỷ euro, Italia - 37,3 tỷ euro, Tây Ban Nha 24,8 tỷ, Hà Lan 11,9 tỷ, Bỉ 7,2 tỷ, Áo 5,8 tỷ, Bồ Đào Nha 1,1 tỷ và Ireland - 300 triệu euro. Tuy nhiên, viễn cảnh này khó có thể xảy ra vì sau khi đắc cử ông A.Tsipras đã khẳng định không có kế hoạch đưa Athens ra khỏi Eurozone, song nhiều khả năng tân Thủ tướng Hy Lạp đòi hỏi bộ ba chủ nợ phải tỏ ra "mềm mỏng hơn" với các điều kiện cho vay.
Đã có những nhận định cho rằng, chiến thắng của Syriza, đưa nhà lãnh đạo 40 tuổi của đảng này lên làm thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử 150 năm qua tại xứ sở Thần thoại là một bước ngoặt cho Châu Âu trong bối cảnh sự yếu kém của nền kinh tế kéo dài đang tạo nên cơn sóng bất bình của người dân khắp châu lục. Đặc biệt, thắng lợi vang dội của Syriza có thể tạo động lực cho nhiều đảng chống chính sách khắc khổ ở Châu Âu vươn lên trong các cuộc bầu cử tới, từ đó mang lại những rủi ro về tác động chính trị dây chuyền, điều mà không lãnh đạo EU nào mong muốn.
Được thành lập vào năm 2004 từ các đảng phái cánh tả khác nhau và trở thành phe chính trị lớn thứ hai trong Quốc hội Hy Lạp, Syriza chưa từng nắm quyền điều hành đất nước trong 10 năm qua. Cho nên có thể khẳng định thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 25-1 là bước ngoặt lịch sử của chính đảng này. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc Syriza dẫn đầu trong cuộc "sát hạch" tín nhiệm vừa qua phần lớn là nhờ những cam kết nối lại các chương trình phúc lợi xã hội đã bị cắt giảm như: Trợ giá điện cho hộ nghèo, nâng lương tối thiểu hàng tháng từ 586 euro lên 751 euro cho tất cả người lao động, giảm thuế bất động sản, khôi phục chủ trương tìm kiếm thỏa thuận tập thể, ngăn cấm sa thải hàng loạt và tạo thêm 300.000 việc làm. Tuy nhiên, trong bối cảnh người dân Hy Lạp đặt nhiều hy vọng vào việc Syriza sẽ cải thiện tình hình đang rất khó khăn hiện nay, áp lực đặt lên liên minh cầm quyền không hề nhỏ. Hiện xứ sở Các vị thần đang phải gánh khoản nợ công lên tới 175% GDP cùng với nhiều hệ lụy từ cuộc suy thoái kinh tế trong 5 năm qua. Vì thế, việc Syriza tạo ra "cơn địa chấn" ở Cựu lục địa là một thực tế, nhưng liệu đảng phái này có tạo ra một tương lai tốt đẹp cho Hy Lạp bằng cách đưa các kế hoạch khắc khổ vào dĩ vãng hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.