Theo dõi Báo Hànộimới trên

Coi trọng kiểm tra, giám sát

Hồng Sơn| 22/11/2010 07:37

(HNM) - Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản trị tại nhiều DN chưa đạt yêu cầu. Làm sao nắm bắt và xử lý những tồn tại, vấn đề phát sinh trong quá trình vận động của các DN đang là một thách thức, bởi lẽ năm nào cũng có thêm những DN thua lỗ, vi phạm quy định của Nhà nước…


Doanh nghiệp né tránh báo cáo


Nhiều năm qua, tình trạng khai thác than trái phép tại nhiều khu vực mỏ thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nguyên nhân từ việc buông lỏng quản lý của ngành chức năng. Ảnh: A.T

Kết quả điều tra trên diện rộng của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho biết, phần lớn DNNN chưa tuân thủ hết những quy định, quy tắc chung về quản lý và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Đa số DN chỉ công bố thông tin tối thiểu bắt buộc như báo cáo tài chính, việc thực hiện các mục tiêu sản xuất - kinh doanh. Thông tin liên quan đến việc cải thiện công tác quản trị DN gồm quản lý rủi ro, giao dịch nội bộ, lương, thưởng… thì tỷ lệ DN công bố được đánh giá là "tương đối thấp". Nhiều đơn vị công bố chậm, chưa chính xác. Tỷ lệ DN 100% vốn nhà nước công khai thông tin thấp hơn DN đa sở hữu. Thực tế cho thấy, trong khi có 70% số DNNN công bố báo cáo kiểm toán độc lập thì ở khối DN đa sở hữu là 83%; tương tự, tỷ lệ công bố báo cáo tài chính hằng năm lần lượt cũng là 88% và 94% và về chính sách quản lý rủi ro là 26% và 53%...

Về hình thức công, nhiều DNNN công bố trong nội bộ hoặc báo cáo thường kỳ với chủ sở hữu, tại đại hội CNVC, hội đồng thành viên, ít có đơn vị công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng - là cách thức hữu hiệu và rộng rãi nhất. Điều này chưa đáp ứng yêu cầu của các đối tượng liên quan về quyền được tiếp cận thông tin theo tiêu chí bình đẳng, kịp thời, hiệu quả. Nhiều DNNN chưa thực hiện nghiêm túc việc nộp báo cáo tài chính quý và hằng năm đến các cơ quan như thuế, thống kê, đăng ký kinh doanh… Trong đó có tới 80% DN không gửi báo cáo đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật

Theo đánh giá của các chuyên gia, đến nay công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, đồng thời càng thiếu chế tài xử lý nghiêm minh. Những trường hợp sụp đổ, thất thoát lớn tại DNNN cho thấy, công tác thanh, kiểm tra có lúc bị buông lỏng, hoặc không đủ độ "nặng" để phát hiện, xử lý những đơn vị có sai phạm. Bên cạnh đó là sự thiếu kết hợp, hỗ trợ thường xuyên giữa các cơ quan quản lý trước việc DN cố tình che dấu sai phạm. Từ đó, báo cáo dù có được đưa ra cũng không lột tả được hết thực trạng hoạt động trong DN, thậm chí gây "ảo ảnh" đối với người tiếp nhận. Đáng ngại nhất là tâm lý coi thường kỷ cương, cố tình vi phạm quy định Nhà nước của một bộ phận lãnh đạo DN, trong đó có cả hiện tượng bất hợp tác với đoàn kiểm tra.

Các cơ quan quản lý cũng chưa phát huy hết vai trò, thẩm quyền của mình bên cạnh việc pháp luật thiếu những quy định đồng bộ, cụ thể về quản lý tập đoàn kinh tế, DNNN khiến không ít đơn vị "nhờn phép nước", tự tung tự tác. Những thực tế trên luôn là yếu tố gây khó khăn trong quản lý, có thể gây ra những thiệt hại lớn đối với Nhà nước. Hơn thế, khi một DN rơi vào tình trạng đình đốn mà không được xử lý kịp thời sẽ gây hậu quả dây chuyền đối với xã hội, nhất là đối với người lao động và gia đình họ, từ đó gây mất ổn định và an sinh - trật tự xã hội.

Để cải thiện tình hình và tiến tới chấm dứt thực trạng trên, trước hết cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật theo tiêu chí rõ ràng, dễ thực hiện, dễ kiểm tra. Đồng thời, cần tuyên truyền sâu rộng các quy định tới DN, để lãnh đạo DN nắm được, triển khai đáp ứng yêu cầu quản lý. Về lâu dài, cần hoàn thiện đội ngũ lãnh đạo DN giàu kỹ năng, có tính chuyên nghiệp cao, có ý thức tuân thủ pháp luật. Một khi DN tự giác công bố thông tin theo quy định sẽ giúp cơ quan Nhà nước nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ hoặc điều chỉnh cơ chế, tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong trường hợp DN có vấn đề nảy sinh cũng sẽ được tư vấn, uốn nắn, từ đó có thể ngăn chặn những hậu quả không mong muốn xảy ra.

Cần xác định và phân định rõ trách nhiệm quản lý của mỗi cấp, ngành cơ quan, tránh tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng hoặc thiếu căn cứ pháp lý để mỗi cơ quan thực hiện quyền lực của mình. Mỗi cơ quan chức năng cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra từng quý, năm, yêu cầu DN nộp báo cáo, coi đó là biểu hiện của ý thức chấp hành pháp luật…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Coi trọng kiểm tra, giám sát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.