(HNM) - Những ngày qua, một trong những chủ đề được quan tâm tại Hà Nội là giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân ra sao, song song với việc phải nghiêm túc thực hiện quy định cấm để xe trên vỉa hè, lòng đường 262 tuyến phố.
Xã hội hóa... chưa tới
Xã hội hóa đầu tư bãi đỗ xe tại nội thành Hà Nội đã có từ vài năm nay, nhưng nhìn chung, kết quả vẫn còn rất hạn chế, chưa góp phần giải quyết một cách căn cơ nhu cầu đỗ xe của người dân.
Các bãi đỗ xe được đầu tư có quy mô, góp phần giải quyết khó khăn về quỹ đất và đáp ứng được nhu cầu đỗ xe của người dân. Ảnh: Bảo Lâm |
UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành đầu tư xây dựng một số dự án bãi đỗ xe trên các phố: Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Nguyễn Công Hoan, vỉa hè phố Nguyễn Đình Chiểu, phố Nguyễn Công Trứ, khu vực Đầm Trấu… Ngoài ra còn có hai bãi đỗ xe ngầm tại vườn hoa Cổ Tân và Công viên Thống Nhất. Các dự án này đều do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện. Trong khi đó, Sở GTVT cũng đề xuất UBND TP xây 15 bãi đỗ xe lắp ghép cao tầng ở 7 quận nội thành, dự kiến lần lượt hoàn thành trong giai đoạn 2012-2020. Điểm nổi bật trong những dự án mới theo đề xuất này là đầu tư từ nguồn ngoài nhà nước rất ít. Có chăng chỉ là một số dự án đầu tư đơn giản khai thác từ bãi đất trống hoặc lắp ghép đơn giản.
Các dự án dạng trên chủ yếu mang tính chất dài hạn, chứ chưa thể sớm góp phần giải quyết vấn đề thiếu bãi đỗ xe hiện nay. Trong khi đó, những dự án kinh doanh bãi đỗ xe do tư nhân đầu tư vẫn mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những dự án được coi là đầu tư quy mô lớn, góp phần vừa giải quyết khó khăn về quỹ đất ở khu vực nội đô vừa đáp ứng nhu cầu đỗ xe đang gia tăng của người dân thì lại đang cho thấy xu hướng lệch lạc về mục đích sử dụng. Ví dụ nhãn tiền là một số dự án bê tông hóa kênh, mương như mương Phan Kế Bính (quận Ba Đình), mương phố Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy), mương phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy)… Mục đích chính là làm nơi đỗ xe nhưng các địa điểm này đều đã bị các chủ đầu tư biến đổi. Bãi đỗ xe mương Phan Kế Bính đã được sử dụng phần lớn làm cửa hàng kinh doanh ô tô - xe máy, bán quần áo, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Bãi đỗ xe phố Nguyễn Văn Huyên đã được sử dụng một phần làm quán cà phê, một phần để vật liệu xây dựng.
Theo Quyết định số 165 của UBND TP ban hành năm 2003, TP đặt mục tiêu quỹ đất dành cho điểm đỗ xe trên địa bàn đến năm 2020 là 703 ha với danh mục 34 vị trí làm bãi đỗ xe để thay thế các điểm đỗ trên hè phố của 7 quận nội thành. Nhưng tới nay, cả 34 điểm nói trên đều chưa được triển khai. Nhiều địa điểm trước đây dành để xây dựng bãi đỗ xe đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng thành trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, trụ sở ngân hàng như 3.000mc tại số 16 Phan Chu Trinh (trước đây do Nhà máy Ô tô Ngô Gia Tự quản lý), 1.400m2 tại góc phố Hai Bà Trưng - Hàng Bài do Công ty Nhựa Hà Nội sử dụng hay khu đất 2.000m2 trên phố Tràng Thi vốn do Xí nghiệp Xe đạp Viha quản lý.
Tạo cơ chế mở, tăng cường ưu đãi
Một trong những nguyên nhân chủ chốt dẫn tới tình trạng yếu kém về xã hội hóa đầu tư kinh doanh bãi đỗ xe nói trên là vì doanh nghiệp chưa được phép quyết định mức phí trông giữ xe, mà phải tuân thủ nghị quyết do HĐND TP quy định. Ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND TP cho biết: "Với mức phí theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp không dám đầu tư mạnh vì thời gian thu hồi vốn quá lâu. Đã đến lúc chúng ta phải tính toán để mở cánh cửa đầu tư cho doanh nghiệp thì TP mới có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu đỗ xe của người dân".
Mức phí mới nhất được thông qua trong kỳ họp tháng 12-2011 chỉ tăng đối với ô tô, giữ nguyên mức phí cũ đối với xe máy, xe đạp. Ngay cả mức phí đối với ô tô cũng chỉ đáng kể ở khu vực 4 quận trung tâm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, các quận còn lại mức phí theo quy định vẫn rất thấp không khuyến khích các doanh nghiệp có ý định đầu tư kinh doanh bãi đỗ xe. Một chủ doanh nghiệp xây dựng cho biết, với mức giá trông giữ xe hiện nay tại Hà Nội, để đầu tư một bãi trông giữ xe ngầm hoặc cao tầng hiện đại, phải mất từ 14 năm trở lên mới có thể thu hồi được vốn. Vì vậy, điểm đầu tiên có thể thu hút được doanh nghiệp là cần "cởi trói" về giá trông giữ xe. Có ý kiến đề xuất, TP nên nghiên cứu cho phép doanh nghiệp tự lên phương án về giá thu trông giữ xe sau đó báo cáo TP cho phép là có thể áp dụng. Nếu cấp TP không quyết định được thì có thể đề xuất lên Chính phủ.
Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Thanh Lam, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, TP nên có cơ chế với nhiều ưu đãi đặc biệt là ưu đãi không phải giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư… mới có thể thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, song song với những khuyến khích đầu tư trên, TP cũng phải mạnh tay trong việc xử lý các điểm trông giữ xe trái phép, vì các doanh nghiệp vẫn lo sợ tung tiền đầu tư lớn để có bãi đỗ xe hiện đại nhưng không có khách vì bị các điểm đỗ xe trái phép nhỏ lẻ hút mất. Liên quan đến những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp, Sở GTVT mới đây cũng đề xuất TP nên hỗ trợ bằng cách cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất thấp, miễn tiền thuê đất, thậm chí cho phép nhà đầu tư được kinh doanh thêm các lĩnh vực có tính chất phụ trợ tại bãi đỗ xe như rửa xe, cà phê, siêu thị…
Như vậy, vướng mắc về xã hội hóa đầu tư kinh doanh bãi đỗ xe tại nội thành Hà Nội đã rõ, các cơ chế để khắc phục cũng có thể hình dung được. Phải chăng chỉ còn chờ các cơ quan chức năng xem xét, quyết định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.