(HNM) - Ngày 23-6, hơn 72 nghìn thí sinh (TS) lớp 9 trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2014 -2015.
Thực tế diễn ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đặt ra yêu cầu phải quan tâm hơn tới khâu tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham gia coi thi. Yêu cầu này được quán triệt tới 150 chủ tịch hội đồng coi thi (HĐCT) tại hội nghị của ngành diễn ra ngày 20-6.
Ôn tập kỹ sẽ giúp thí sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi vào lớp 10 sắp tới. |
Chủ tịch HĐCT chịu trách nhiệm mọi khâu
Ông Nguyễn Cao Biền, Phó Chánh thanh tra Sở GD-ĐT cho biết: Hầu hết các HĐCT đều đã tham gia phục vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, chỉ có 32 HĐCT ở địa điểm mới là các trường THCS. 5 đoàn công tác đã được thành lập, tập trung kiểm tra điều kiện tổ chức thi (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, văn phòng phẩm, phương án bảo đảm trật tự, an toàn…) tại các HĐCT lần đầu tham gia tổ chức thi và đã kịp thời kiến nghị khắc phục những bất cập. Theo quy định của Sở GD-ĐT, trách nhiệm cao nhất và cuối cùng tại mỗi HĐCT thuộc về chủ tịch HĐCT trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, tổ chức coi thi… Yêu cầu bắt buộc đối với mỗi chủ tịch HĐCT là phải trực tiếp kiểm tra mọi khâu tổ chức thi, điều kiện của từng phòng thi từ những việc tưởng chừng nhỏ như sử dụng thống nhất trong toàn HĐCT về giấy thi, giấy nháp, màu mực, tuyệt đối không tận dụng giấy cũ, giấy thừa ở kỳ thi trước… Trước kỳ thi một ngày, các chủ tịch HĐCT có trách nhiệm rà soát lại lần cuối, báo cáo khẳng định về các điều kiện tổ chức thi tại đơn vị mình và chịu trách nhiệm cuối cùng nếu để xảy ra sự cố.
Thực tế tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua là bài học kinh nghiệm cho lãnh đạo ngành GD-ĐT trong việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham gia. Yêu cầu được nhấn mạnh với từng chủ tịch HĐCT là quán triệt đến mọi thành viên tại HĐCT nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia làm thi đối với việc làm nên uy tín, chất lượng giáo dục của chính đơn vị mình và của toàn ngành. Nếu từng người, từng khâu đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì sẽ góp phần làm cho kết quả thi phản ánh thực chất chất lượng giáo dục, phân loại được trình độ HS theo học tiếp cấp THPT tại những loại hình trường phù hợp.
Để tránh được những sai sót như đã từng xảy ra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, lãnh đạo Sở GD-ĐT yêu cầu các chủ tịch HĐCT phải đặc biệt coi trọng việc tổ chức cho các thành viên HĐCT, từ cán bộ, giám thị đến TS học quy chế thi. Trong quá trình tổ chức thi, chủ tịch HĐCT phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng vị trí, tránh tình trạng chồng chéo khi làm nhiệm vụ hoặc không nắm rõ phần việc, khu vực được phân công. Kế hoạch này phải được thể hiện bằng văn bản và gửi đến từng thành viên, khâu nào để xảy ra sai sót thì cá nhân được phân công nhiệm vụ phải chịu xử lý kỷ luật, chủ tịch HĐCT liên đới chịu trách nhiệm. Trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng, ngoài việc xử lý kỷ luật theo quy định, cán bộ, giáo viên sai phạm sẽ bị cấm tham gia làm nhiệm vụ thi 3 năm liền.
Coi trọng cả "lượng" và "chất" đội ngũ giám thị
Nhằm tổ chức tốt khâu coi thi, việc điều động giám thị (GT) được đặc biệt coi trọng cả về "lượng" và "chất". Hơn 8 nghìn GT được huy động đều không phải là giáo viên (GV) dạy ngữ văn, toán, bảo đảm theo tỷ lệ quy định là 2,5 người/phòng thi và sẵn sàng lực lượng dự trữ. Ngoài điều kiện về chuyên môn, đội ngũ này phải có phẩm chất hội tụ đủ 6 chữ: Công tâm, trách nhiệm, thạo việc để có thể chủ động kiểm soát tình hình tại phòng thi được phân công, xử lý kịp thời và đúng quy chế với các tình huống phát sinh. Đây là yêu cầu được đặc biệt lưu ý trong kỳ thi này, bởi nếu để xảy ra sai sót sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi mà còn gây thiệt thòi cho HS.
Tại kỳ thi này, chủ tịch HĐCT được nhắc nhở phải lưu ý đến đội ngũ GT là GV các trường THCS. Đây là lực lượng ít tham gia làm nhiệm vụ thi, thậm chí có người mới làm thi lần đầu. Lý do bởi số GT là GV cấp THCS ở kỳ thi này có tỷ lệ tương đương với GV THPT, trong khi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm gần 30%. Việc phân công GT phòng thi được giữ bí mật cho đến trước mỗi buổi thi và bảo đảm nguyên tắc: 2 GT trong một phòng thi phải là GV dạy khác trường (một người dạy ở cấp THCS, người còn lại dạy ở cấp THPT); GT không coi thi quá một lần đối với mỗi phòng thi; 2 GT không cùng coi thi quá một lần.
Với tính chất cạnh tranh của kỳ thi tuyển sinh, nguy cơ TS mất trật tự, lộn xộn trong phòng thi để trao đổi bài không nhiều, song lại đặt ra yêu cầu đối với GT coi thi phải chấp hành đúng quy chế, nghiêm khắc khi phát hiện sai phạm, nhưng không được gây áp lực, căng thẳng cho TS. Theo chỉ đạo của Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, sau khi tổ chức học quy chế, các HĐCT cần quan tâm hơn đến khâu hậu kiểm, chủ tịch HĐCT phải trực tiếp kiểm tra xem GT đã "thuộc bài" hay chưa; tuyệt đối không giao nhiệm vụ cho những GT chưa được học quy chế hoặc không "thuộc bài". Trách nhiệm của chủ tịch HĐCT tại kỳ thi này là quán triệt tới mọi thành viên phải coi thi bằng ý thức, trách nhiệm cao nhất đối với vị trí được phân công, góp phần nâng cao chất lượng "đầu vào" ở cấp THPT, chứ không phải là trông thi đơn thuần.
Một số quy định đối với TS: - TS đến muộn quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi. - Khi nộp bài thi, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp, ký xác nhận vào phiếu thu bài thi. Trường hợp không làm được bài cũng phải nộp giấy thi nhưng không nộp giấy nháp. - TS có thể được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi. Trước khi ra khỏi phòng thi phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp. - Trong trường hợp đặc biệt, TS được ra khỏi phòng thi khi được phép của giám thị trong phòng thi và phải chịu sự giám sát của giám thị ngoài phòng thi hoặc cán bộ của HĐCT. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.