Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có thể xem xét trách nhiệm hình sự

Gia Bảo| 05/12/2014 07:37

(HNM) - Báo Hànộimới đã có nhiều bài phản ánh về vấn nạn mũ bảo hiểm (MBH) giả, nhái, kém chất lượng của các cơ sở sản xuất

Loại mũ này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính mà còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho rằng cần xem xét hành vi trên theo Bộ luật Hình sự, mới có thể ngăn chặn vấn nạn…



Thị trường "béo bở"

Đại diện một doanh nghiệp (DN) tiết lộ, nhiều người, kể cả cơ quan chức năng vẫn chưa thấy hết sự "béo bở" của mặt hàng MBH. Thực tế, ngay cả mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nhu yếu phẩm, quần áo… vẫn sử dụng theo nhu cầu. Còn MBH vừa là nhu cầu thiết yếu cho sức khỏe tính mạng, lại vừa bắt buộc phải sử dụng, nếu không sẽ bị phạt nặng. Điều đó có nghĩa là mặt hàng MBH có thị trường vô cùng lớn. "Cầu" lớn như vậy nên không phải bỗng nhiên thời gian gần đây bùng phát vấn nạn MBH nhái, giả, kém chất lượng ở khắp các tỉnh, thành cả nước.

Liên quan vấn đề, theo ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) TP Hồ Chí Minh, hiện NTD chịu quá nhiều thiệt thòi khi mua phải sản phẩm không bảo đảm chất lượng, bởi công cụ pháp lý liên quan để bảo vệ quyền lợi còn nhiêu khê. Đơn cử, một người dân đi mua một chiếc MBH có thương hiệu tại một cửa hàng có đăng ký giấy phép kinh doanh, nhưng trong quá trình sử dụng vô tình bị tai nạn mới biết MBH kém chất lượng. Đem hóa đơn mua sản phẩm đến cửa hàng để đòi bồi thường nhưng kết quả là con số không bởi cửa hàng đổ lỗi cho cơ sở sản xuất nhưng truy ra cơ sở sản xuất thực sự là "hành trình" gian nan…

Chính bởi hành lang pháp lý bảo đảm quyền lợi cho NTD trong lĩnh vực MBH nói riêng và hàng gian, giả nói chung vẫn thiếu và yếu nên ông Phong kiến nghị, Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát chất lượng ngay từ nguồn sản xuất; tuyên truyền rộng rãi cho người dân nhận biết MBH đạt chất lượng như phân biệt thật - giả, không mua MBH lề đường… "Nhà nước cần thành lập quỹ nhằm thưởng cho người dân phát hiện và báo địa chỉ cho cơ quan chức năng kiểm tra xử lý. Kinh phí lập quỹ sẽ do các DN sản xuất MBH uy tín đóng góp. Quỹ hoạt động sẽ góp phần đẩy lùi mặt hàng MBH kém chất lượng", ông Phong nói.

Có thể xem xét trách nhiệm hình sự

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, có thể áp dụng Bộ luật Hình sự để xử lý đối với hành vi sản xuất hàng giả. Theo điều luật này, người sản xuất hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có tình tiết tái phạm theo quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất hàng giả. Tuỳ theo số lượng hàng giả, tính chất, mức độ phạm tội mà người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt thấp nhất là từ 6 tháng đến 5 năm và tối đa từ 7 đến 15 năm. Cũng theo quy định tại Điều 12 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định hành vi sản xuất MBH giả sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 120 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm bị tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 12 tháng đến 24 tháng. Cùng với đó, bị buộc tiêu hủy tang vật vi phạm, buộc nộp lại nguồn thu bất hợp pháp; buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.

Luật sư Hậu cũng cho rằng, cũng nên quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng sản xuất hàng giả. Theo đó, lãnh đạo địa phương, đơn vị phải bị xem xét xử lý kỷ luật do yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng nên phối hợp với các cơ quan báo chí để hoạt động phòng, chống hàng giả có hiệu quả hơn.

Một số DN cho rằng, DN cần chủ động bảo vệ sản phẩm thông qua việc đưa ra các dấu hiệu nhận biết; cần thành lập các đội giám sát thị trường, khi phát hiện hàng giả, hàng nhái thì phối hợp với các cơ quan chức năng để có giải pháp xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 8-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH, Ủy ban ATGT quốc gia đã kiến nghị Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho từng chính quyền quận, huyện, phường, xã, nếu để tình trạng bày bán MBH, mũ nhựa kém chất lượng trên lòng đường, vỉa hè thì chính quyền địa bàn đó phải chịu trách nhiệm.

Ủy ban ATGT quốc gia cũng kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi không đội MBH.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có thể xem xét trách nhiệm hình sự

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.