Theo một nghiên cứu sơ bộ, các nhà khoa học Mỹ cho biết có thể phát hiện ra dấu hiệu của bệnh Parkinson qua nước mắt.
Theo nghiên cứu, bệnh Parkinson ảnh hưởng đến lượng protein trong nước mắt. Ảnh: newatlas.com |
Tác giả của nghiên cứu, Tiến sĩ Mark Lew của trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California ở Los Angeles cho rằng đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy nước mắt có thể là dấu hiệu sinh học đáng tin cậy, không tốn kém để phát hiện ra bệnh Parkinson.
Khi nước mắt được tiết ra, một số loại protein cũng được giải phóng theo và nhóm nghiên cứu tin rằng bất kỳ sự thay đổi chức năng thần kinh nào cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi trong hàm lượng các protein này. Vì thế, bằng cách xét nghiệm nước mắt, sẽ có thể giúp chẩn đoán bệnh Parkinson.
Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích nước mắt của hơn 55 người mắc bệnh Parkison và 27 người bình thường có cùng độ tuổi và giới tính. Họ phát hiện ra sự khác biệt về hàm lượng của một protein đặc biệt, alpha - synuclein, trong nước mắt của người mắc bệnh Parkison.
Theo tiến sĩ Lew, do quá trình phát triển bệnh có thể bắt đầu từ nhiều năm trước khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, do đó một dấu hiệu sinh học như thế này có thể hữu ích trong chẩn đoán, hoặc điều trị bệnh sớm. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn cần phải được thực hiện ở những nhóm thí nghiệm lớn hơn để kiểm tra xem những thay đổi protein này có thể được phát hiện trong nước mắt trong giai đoạn sớm nhất của bệnh, trước khi các triệu chứng bắt đầu.
Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh, gây ra tình trạng run tay chân, cứng cơ bắp và rối loạn vận động. Tuy nhiên, các triệu chứng này chỉ xuất hiện khi bệnh đã trở nặng, ít khi bệnh Parkinson được chẩn đoán sớm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.