Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những điều nên biết về bệnh Parkinson

Thu Hoài| 11/04/2023 11:24

(HNMO) - Ngày 11-4 hằng năm được chọn là Ngày Parkinson thế giới. Nhân dịp này, bác sĩ Bệnh viện Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra những thông tin cơ bản về căn bệnh này để người dân tham khảo.

Các triệu chứng cơ bản của bệnh Parkinson.

Theo y văn, bệnh Parkinson là một bệnh lý thoái hóa của não, làm giảm sản xuất chất dẫn truyền thần kinh dopamin, gây ra những biểu hiện đặc trưng của bệnh gồm: chậm vận động, cứng cơ, run khi nghỉ và dáng đi kéo lê.

Ngày 11-4 hằng năm được chọn là Ngày Parkinson thế giới (Parkinson's World Day) để kỷ niệm ngày sinh của một bác sĩ người Anh tên là James Parkinson, người đầu tiên mô tả bệnh Parkinson.

Bệnh Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh thường gặp, đứng hàng thứ hai sau bệnh Alzheimer. Tần suất mắc bệnh liên quan đến tuổi. Bệnh ít khi xảy ra trước 40 tuổi. Tỷ lệ lưu hành bệnh khoảng 1% ở tuổi 65 và 3% ở tuổi 85. Một số nghiên cứu cho thấy, bệnh thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Căn nguyên bệnh chưa thực sự biết rõ, có thể là đa yếu tố liên quan đến tuổi, ngộ độc hóa chất, thuốc trừ sâu và di truyền.

Bệnh Parkinson có một số triệu chứng thường gặp như sau: Chậm vận động và giảm vận động; khuôn mặt bệnh nhân tương đối bất động, hay còn gọi là triệu chứng mặt nạ; giọng nói nhỏ, đơn điệu; chữ viết thường nhỏ dần, run và khó đọc; giảm đong đưa cánh tay khi đi bộ. Khi nghỉ hay xuất hiện chứng run tay, cơ thể. Người bệnh thường có dáng đi cúi về trước, bước chân nhỏ, kéo lê và không có sự đánh tay bình thường khi đi, do cứng cơ.

Dáng đi khòng, cúi đặc trưng của bệnh Parkinson.

Người mắc bệnh Parkingson còn có triệu chứng giật mi mắt nhẹ, chảy nước bọt. Các bất thường vận động nêu trên thường diễn tiến chậm, khởi phát một bên trước rồi lan sang bên đối diện và triệu chứng thường ưu thế một bên là các yếu tố giúp nhận biết bệnh.

Ngoài ra, còn có một số biểu hiện ngoài vận động, có thể xuất hiện trong giai đoạn tiền lâm sàng kéo dài nhiều năm trước khi xuất hiện các triệu chứng vận động như: Mất kkhứu giác, táo bón, trầm cảm hay lo lắng, thờ ơ, cảm giác mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Hà Mai Khương (Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện thành phố Thủ Đức) cho biết, hiện nay chưa có phương pháp nào chẩn đoán chính xác bệnh Parkinson. Chẩn đoán bệnh dựa vào diễn tiến bệnh, triệu chứng lâm sàng và thăm khám của bác sĩ chuyên khoa thần kinh; cũng chưa có biện pháp điều trị khỏi bệnh Parkinson. Mục đích điều trị bệnh là giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh có thể tiếp tục lao động và sinh hoạt bình thường.

Phương pháp điều trị phổ biến nhất là dùng thuốc, gồm các nhóm thuốc chính tại thị trường Việt Nam là Levodopa, đồng vận Dopamine, kháng cholinergic... giúp cải thiện các triệu chứng vận động gồm chậm, run, mất ổn định tư thế, loạn động.

Ngoài ra, các triệu chứng ngoài vận động của Parkinson cũng rất đa dạng, đôi khi phải phối hợp thêm các thuốc để làm giảm các triệu chứng lo âu, mất ngủ, giảm trí nhớ, triệu chứng về bàng quang và tiêu hóa.

Cộng đồng cùng gia tăng nhận thức, chung tay phòng, chống và giúp đỡ người bị bệnh Parkinson.

Với sự tiến bộ của y học, một phương pháp mới trong điều trị Parkinson được phổ biến ngày một rộng rãi hơn đó là “Phẫu thuật kích thích não sâu”. Phương pháp này sử dụng một điện cực cấy ghép vào não kết nối với một bộ điều chỉnh cấy gần ngực có nhiệm vụ truyền các tín hiệu lên não, giúp giảm các triệu chứng bệnh. “Tuy nghiên, phương pháp này cũng không thể chữa khỏi bệnh Parkinson và cũng chỉ được chỉ định với một số trường hợp đặc biệt", bác sĩ Khương cho biết.

Bác sĩ Khương cũng khuyến cáo, những phương pháp không dùng thuốc khác rất có ích trong hỗ trợ điều trị bệnh, gồm: Tập thể dục, yoga, chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin D và chất xơ, tránh các chất kích thích. Người dân cần chung tay nâng cao nhận thức của cộng đồng, góp phần phát hiện và điều trị sớm, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điều nên biết về bệnh Parkinson

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.