Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có thể mời tư vấn độc lập thẩm tra

Thanh Mai| 19/04/2011 06:29

(HNM) - Như Hànộimới đã đưa tin, ngày 15-4-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, có hiệu lực từ ngày 1-6-2011.


Công nhân đin lc Hà Ni sa cha, bo dưỡng đường dây.   nh: Ngc Hà


Hiện nay, giá bán điện bình quân được xác định theo nguyên tắc tính bình quân cho 1kWh điện thương phẩm, gồm 4 thành phần: giá phát điện, giá truyền tải điện, giá phân phối điện, chi phí điều hành - quản lý dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg, các yếu tố giá truyền tải điện, giá phân phối điện, chi phí điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán độc lập hằng năm theo quy định.

Theo Quyết định 24, giá bán điện phụ thuộc chủ yếu vào giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát. Việc công khai, minh bạch các yếu tố trên đã được thể hiện rõ, như giá nhiên liệu và tỷ giá ngoại tệ được tính toán theo giá niêm yết tại thời điểm tính toán. Cơ cấu sản lượng điện phát phải căn cứ vào kế hoạch do Bộ Công thương phê duyệt. Bên cạnh đó, hằng năm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính giá thành sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều hành - quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và giá bán điện của năm tài chính. Căn cứ vào số liệu quyết toán, kiểm toán và kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của EVN, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quyết định việc điều chỉnh giá bán điện và trích Quỹ bình ổn giá điện. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định 24 quy định rõ, EVN được quyết định điều chỉnh giảm giá bán điện tương ứng khi giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi so với kế hoạch đã phê duyệt làm giá bán điện giảm từ 5% trở lên so với giá bán điện hiện hành, nhưng đồng thời phải báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính để giám sát. Trong trường hợp giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát thay đổi làm giá bán điện tăng trên 5%, EVN báo cáo Bộ Công thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được Tờ trình của EVN, Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định và gửi ý kiến thẩm định đến Bộ Công thương. Bộ Công thương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt sau 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính. Sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ mà chưa có ý kiến trả lời, cho phép EVN được điều chỉnh giá bán điện ở mức 5%.

Bộ Công thương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện. Trường hợp cần thiết, Bộ có văn bản yêu cầu EVN tạm dừng việc tăng giá bán điện hoặc hiệu chỉnh cho lần điều chỉnh kế tiếp. Bộ được phép mời tư vấn độc lập để thẩm tra hồ sơ điều chỉnh giá bán điện. Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện; tham gia, phối hợp với Bộ Công thương kiểm tra các khoản chênh lệch chi phí hợp lý, hợp lệ so với số liệu tính toán trong phương án giá bán điện sau khi có số liệu quyết toán, kiểm toán.

Để việc điều chỉnh giá bán điện không gây xáo trộn lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, Quyết định 24 quy định, thời gian điều chỉnh giá bán điện giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công thương hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá điện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có thể mời tư vấn độc lập thẩm tra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.