Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cổ phần hóa MobiFone: Cần lấy hiệu quả làm đầu

Việt Nga| 08/01/2016 07:15

(HNM) - Tại tổng kết ngành diễn ra vào cuối năm 2015, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son đã kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc biệt cho việc cổ phần hóa (CPH) Tổng công ty Viễn thông MobiFone, trong đó lấy hiệu quả chứ không lấy thời gian hoàn thành làm mục tiêu chính.


Việc CPH MobiFone đã được Chính phủ đặt ra từ 10 năm trước, tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên quá trình triển khai "giậm chân tại chỗ". Chỉ đến khi ngành viễn thông thực hiện tái cấu trúc, tách MobiFone khỏi VNPT, yêu cầu về CPH MobiFone lại được đặt ra. Song, kể từ khi Chính phủ có quyết định CPH MobiFone đến nay, câu chuyện CPH MobiFone và việc muốn trở thành cổ đông chiến lược cho nhà mạng này luôn là đề tài hấp dẫn. Thực tế thì một loạt "đại gia" viễn thông nước ngoài vào Việt Nam đều không ngại ngần tuyên bố với giới truyền thông ngỏ ý được tham gia mua cổ phần MobiFone nếu thực hiện CPH. Trong đó, ngoài đối tác Comvik (Thụy Điển) - từng có hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC với MobiFone trong nhiều năm, còn có một loạt "đại gia" khác như Kennevik (Thụy Điển - đồng thời là công ty mẹ của Comvik), France Telecom (Pháp), Telenor (Na Uy), Altimo (Liên bang Nga), Vondafone (Anh)… Nói như vậy để thấy rằng, sức hấp dẫn của MobiFone là rất lớn. Hay nói một cách khác, trong mắt giới đầu tư, MobiFone là "con gà đẻ trứng vàng".

Cổ phần hóa MobiFone là một chủ trương đúng đắn.


Vì sao MobiFone được coi là "con gà đẻ trứng vàng"? Thứ nhất, MobiFone là nhà mạng di động đầu tiên tại Việt Nam (1993) và ở thuở sơ khai, do giá cước đắt nên chỉ có người có điều kiện kinh tế mới dám dùng di động. Lợi thế tự nhiên đó khiến đối tượng khách hàng đầu tiên dùng MobiFone chỉ có người có thu nhập và thực tế với lượng khách hàng này, MobiFone là nhà mạng có chỉ số doanh thu/thuê bao cao nhất trong số các nhà mạng, có lợi nhuận "khủng" nhất trên chỉ số vốn… so với các nhà mạng hiện nay. Thứ hai, cũng ngay ngày đầu thành lập, MobiFone đã hợp tác kinh doanh BCC với đối tác nước ngoài là Comvik (Thụy Điển), nên sớm học được kinh nghiệm về mọi mặt để xây dựng được bộ máy, đội ngũ… làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả…

Đó cũng là lý do mà cho đến nay dù chỉ kinh doanh di động (khác với Viettel, VNPT), MobiFone là DN có chỉ số lợi nhuận/vốn chủ sở hữu cao nhất, có năng suất lao động bình quân/năm cao nhất (từ năm 2012 đã gấp 4 lần VNPT, gấp 1,5 lần Viettel khi đạt 6,7 tỷ đồng/người/năm), đồng thời cũng là DN nộp thuế cho Nhà nước trong top 3 DN lớn nhất cả nước. Ngoài ra, không thể không kể đến một số danh hiệu rất quan trọng mà MobiFone đã xây dựng được đó là nhiều năm liền được công nhận là nhà mạng chăm sóc khách hàng tốt nhất, nhà mạng có chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Trở lại với việc CPH MobiFone, vấn đề CPH các DN nhà nước, trong đó có MobiFone là chủ trương đúng đắn. Với MobiFone, thị trường viễn thông đã hình thành và phát triển tự nhiên với chủ yếu là các DN nhà nước, đến nay sau thời gian phát triển, ở giai đoạn mới cần nguồn lực mới lớn hơn, đó là vốn, là kinh nghiệm quản trị DN - điều mà nếu chỉ ở trong cái "nôi" nhà nước có thể bộc lộ những hạn chế. Hơn nữa, theo quy hoạch của thị trường viễn thông Việt Nam đến năm 2020, thị trường viễn thông cần tới 3-4 DN viễn thông thuộc các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng với nhau.

Song, việc CPH MobiFone sẽ được thực hiện như thế nào luôn là câu hỏi được dư luận đặt ra. Với các nhà đầu tư, có lẽ họ luôn muốn tiến trình CPH MobiFone được thúc đẩy nhanh. Ở phía các cơ quan nhà nước, thì việc CPH MobiFone cần phải bảo đảm đem lại lợi ích cho Nhà nước; đồng thời để MobiFone có điều kiện phát triển hơn. Và với người lao động thì điều họ mong muốn là được bảo đảm quyền lợi và môi trường làm việc. Tại nhiều cuộc họp, trong các buổi trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son đã nhiều lần khẳng định, bên cạnh việc tiến hành các thủ tục để CPH MobiFone thì một yếu tố được đặt lên hàng đầu là không thực hiện CPH bằng mọi giá nhằm bảo đảm đem lại lợi ích cho Nhà nước và để MobiFone phát triển hơn. Nhất quán với các phát biểu, như đã nói ở trên, tại cuộc họp tổng kết ngành, người đứng đầu ngành TT-TT kiến nghị trực tiếp với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam để Chính phủ ban hành cơ chế đặc biệt khi CPH MobiFone.

Theo Bộ trưởng, phần nhiều các DN nhà nước thực hiện CPH là do làm ăn thua lỗ. Trong khi đó MobiFone không chỉ là DN lớn, mà còn có chỉ số kinh doanh lành mạnh, ví dụ năm 2015, MobiFone đạt tổng doanh thu 36.900 tỷ đồng, lợi nhuận 7.395 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu lên tới 49,35% (cao hơn so với Viettel 40,8%); bình quân mỗi lao động nộp thuế là 1,5 tỷ đồng/năm… Vì vậy, việc thực hiện CPH MobiFone không thể bị "đánh đồng" với các DN nhà nước khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cổ phần hóa MobiFone: Cần lấy hiệu quả làm đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.