Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có những “vầng trăng khuyết”

Bằng Giang| 07/02/2014 06:20

(HNM) - Nói đến


Họ là những người mà cả quãng đời thanh xuân đã cất cao tiếng hát trên những cung đường Trường Sơn, cho ngàn vạn chuyến xe ra chiến trường, làm nên khúc khải hoàn ca trong ngày đại thắng. Trở về sau chiến tranh, người mang những vết thương trên thân thể, người mang những vết thương lòng, người vì hoàn cảnh gia đình…

1. Đêm tháng Chạp, làng Vạn Phúc tạm ngưng tiếng rộn ràng của thoi đưa dệt lụa. Không gian tĩnh lặng ấy cho tôi cảm giác bình yên nhưng đầy cảm xúc khi chứng kiến trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ, hình ảnh người con gái đã luống tuổi cho mẹ già uống từng thìa thuốc nhỏ với cử chỉ ân cần của tình mẫu tử. Chị là Nguyễn Thị Nghĩa, nguyên Đại đội phó TNXP Binh trạm 31, Đoàn 559 Trường Sơn.

Những cựu nữ TNXP đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước.Ảnh: Sông Bằng



Mười sáu tuổi, Nguyễn Thị Nghĩa đã là đội trưởng sản xuất, rồi phó chủ nhiệm HTX nông nghiệp và được kết nạp Đảng năm 1969. Là một cán bộ địa phương "sáng giá" và con đường lập thân luôn rộng mở, nhưng chị lại xung phong đi TNXP - nói như chị là "để được sống một thời nhiệt huyết và mạnh mẽ không gì cản nổi, dù phải đối mặt với cái chết". Ba năm (1971 - 1973), chị cùng đồng đội bươn trải từ Khăm - muộn đến Xa-van-na - khét của nước bạn Lào làm nhiệm vụ san lấp hố bom, mở đường cho giao thông thông suốt; rồi những ngày đi lấy gạo gian nan, lặn lội hàng trăm ki lô mét đường rừng hiểm trở. Chị nhớ mãi lần anh Nguyễn Văn Luyện (quê huyện Ứng Hòa) bị thương nặng, mà lượng gạo anh ấy gùi quá nặng, phải chia ra cho mọi người cùng mang vác. Riêng chị khỏe hơn nên phía trước đeo balô gạo, còn sau lưng cõng anh Luyện suốt hơn 10km đường rừng khiến ai trong đơn vị cũng thán phục. Động lực nào cho chị sức mạnh ấy, có phải tình yêu không? Chị cười: Đó là tình đồng đội; còn tình yêu lại là chuyện khác…

Tôi ngồi yên lặng nghe chị trầm ngâm nhớ lại và đọc thuộc từng chữ trong lá thư của người yêu gửi ngày chị còn ở chiến trường nước Lào. "Hồi đó quan niệm yêu đương khắt khe lắm. Anh ấy lại là Tiểu đoàn phó, thủ trưởng cấp trên của tôi. Bom Mỹ không sợ bằng sợ chuyện tình cảm riêng tư để đơn vị biết. Vì thế mà hiếm khi chúng tôi được gần nhau. Mỗi lần xuống đơn vị kiểm tra, anh ấy nhét cái thư vào túi áo tôi. Khi tôi chuyển đi cung đường khác, hai người không thể nào liên lạc lại với nhau được nữa. Chiến tranh mà, chẳng thể nói trước được điều gì" - Chị tâm sự.

Trong một buổi sinh hoạt CLB "Vầng trăng khuyết" hôm ấy, những ánh mắt long lanh của các cựu nữ TNXP khi họ cùng nhau ôn lại tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết cách mạng đã gieo vào lòng tôi tâm trạng thật khó tả. Những giọt nước mắt tràn trên gương mặt già nua theo thời gian của họ cứ hiện mãi trong tôi. Chiến tranh đã lùi xa gần bốn chục năm, nhưng với những nữ cựu TNXP thì sự mất mát trong họ không chỉ là vết thương để lại trên cơ thể, mà còn cả nỗi đau của con tim, nỗi buồn "trăng khuyết" chỉ họ mới thấu…

2. Ngôi nhà tình nghĩa của bà Nguyễn Thị Nụ ở tổ dân phố Rạng Đông, phường Biên Giang (quận Hà Đông) mỗi ngày thêm quạnh hiu kể từ khi người mẹ già qua đời. Hôm tôi đến, bà mặc chiếc áo cộc tay, cánh tay nham nhở sẹo. Thỉnh thoảng bà lấy tay vuốt khuôn ngực gầy khô, như thể cho cơn ho không nghẽn lại ở cổ. Trong miền ký ức sâu thẳm của cựu TNXP ngoài bảy mươi này, những năm tháng ở Trường Sơn cứ ngược thời gian dội về… Đang là cán bộ đoàn xã Biên Giang (khi ấy thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ), Nguyễn Thị Nụ cùng 10 cô gái trẻ gia nhập TNXP. Đại đội của Nụ vào đến Quảng Trị hôm trước, thì ngay hôm sau máy bay Mỹ đã dội bom làm tơi tả cả lán trại. "Hôm ấy tôi bị các mảnh bom găm đầy người, nhưng may chỉ vào phần mềm. Mấy hôm sau, đi kiểm tra nổ mìn đánh đá để mở đường cho xe qua, không may tôi bị một tảng đá to đè trúng người. Tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong bệnh viện…".

Trong đơn vị, Nụ là cô gái to khỏe, năng động. A31 do chị làm A phó luôn luôn đạt danh hiệu "A xã hội chủ nghĩa". Chị được nhiều chàng trai để ý và mối tình đầu của cô TNXP ấy với một chiến sĩ tên là Cảnh, quê Quảng Bình đẹp như huyền thoại. "Tình yêu giúp chúng tôi vượt mưa bom, bão đạn, vá lành vết thương cho những cung đường Trường Sơn. Cung đường này được vá lành, lại đi vá cung đường khác. Rồi mỗi người mỗi nơi và mất liên lạc..." - Bà Nụ kể lại bằng giọng trầm buồn.

Cuối năm 1971, rời đơn vị TNXP, bà Nụ về công tác ở ngành giao thông vận tải. Năm 1989, bà nghỉ mất sức, trở về quê, bà ở vậy nuôi mẹ già trong căn nhà tình nghĩa do địa phương xây tặng. Cuộc sống của hai mẹ con nhờ vào đồng lương hưu và chế độ chất độc da cam ít ỏi của bà. Sức khỏe ngày một yếu vì thời gian, tuổi tác và vì những ký ức xa xôi dội về làm bà nghẹt thở.

Hôm dự buổi sinh hoạt của CLB "Vầng trăng khuyết", ngồi bên bà Nguyễn Thị Ngần 70 tuổi, thương binh loại 4, tôi mới biết hoàn cảnh của bà cũng thật éo le. Tay cầm sổ khám bệnh, bà phân trần: "Tôi phải vào viện để lấy ít thuốc, nên đến muộn. Căn bệnh thoái hóa khớp hành hạ thân già này mấy năm nay rồi. Vào TNXP từ năm 1965 đến năm 1967, tôi chuyển sang ngành giao thông vận tải. Hộ khẩu của tôi ở phường Hàng Buồm (Hà Nội) - nơi cơ quan cũ đóng quân, nhưng hiện tại tôi sống ở khu tập thể ba tầng, thuộc phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông; vì thế mà tôi không được xét duyệt hỗ trợ tiền làm nhà, mấy chục năm nay phải sống trong căn nhà tạm, dột nát"…

Trong số hơn 40 hội viên CLB "Vầng trăng khuyết", có lẽ người duy nhất được hưởng quyền làm mẹ là bà Nguyễn Thị Tiền, 74 tuổi, ở tổ 7, phường Đồng Mai. Nhưng để có hạnh phúc ấy, bà đã phải vượt qua bao nhiêu điều thị phi, cản trở. Trước hết là chính bản thân, sau là gia đình và đơn vị. Nhớ lại chuyện cũ, người phụ nữ gầy nhom ấy cười trong nước mắt: "Sau mấy năm đi bộ đội, rồi TNXP, năm 1967 tôi chuyển về Ty Giao thông tỉnh nhà, chuyên đi bảo dưỡng cầu đường, rồi về Xí nghiệp Ô tô số 3 Hà Sơn Bình cho đến khi về hưu. Năm 1974, sau nhiều đêm trằn trọc, tôi mới quyết định phải có một đứa con để làm chỗ dựa sau này. Tủi phận lắm... không muốn nhắc lại làm gì nhưng bây giờ tôi đã có hai đứa cháu. Đó là hạnh phúc nhất của đời tôi"…

3. Lòng vòng mãi, tôi cũng tìm được ngôi nhà đơn sơ của chị Nguyễn Thị Oanh, Chủ nhiệm CLB "Vầng trăng khuyết". Thì ra chị còn là Tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường La Khê, quận Hà Đông. Ngôi nhà nhỏ do mẹ xây cho và một đứa cháu đang học lớp 9 - là con của cô em gái mà chị nhận làm con nuôi - với chị là tổ ấm gia đình. Chị Oanh kể, ngày khánh thành nhà cho con gái, mẹ chị không may bị ngã nên hơn chục năm nay phải nằm liệt giường. Đó có lẽ là lý do chị không nhận lời người đàn ông nào, ở vậy chăm nuôi mẹ già…

Công việc của một tổ trưởng tổ dân phố hàng chục năm nay quá là bận bịu, nhưng với chị đấy là niềm vui cuộc sống. Ban ngày, chị đến từng gia đình đôn đốc làm vệ sinh, giữ gìn an ninh trật tự; tối lại chăm lo cho đứa cháu nuôi. CLB "Vầng trăng khuyết" ra đời cách đây hơn 1 năm trước, đúng dịp kỷ niệm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam với mục đích trở thành "gia đình chung" để các chị thường xuyên được gặp nhau, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống; và trên hết là tạo mối liên kết với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận nhằm hỗ trợ, động viên cựu TNXP đặc biệt khó khăn có cơ hội vươn lên.

Buổi tọa đàm giữa CLB "Vầng trăng khuyết" với một số doanh nghiệp trên địa bàn quận Hà Đông đã được Hội LHPN quận tổ chức vào một ngày cuối năm 2013. Với 30 triệu đồng quyên góp được từ các doanh nghiệp và nhà hảo tâm, CLB đã dành để tổ chức thăm, tặng quà cựu TNXP hoàn cảnh khó khăn hoặc mắc bệnh trọng; tặng quà cho hội viên đón Tết Giáp Ngọ vừa qua. Tôi nhớ mãi câu nói đầy liên tưởng nhưng chân thật của một nữ giám đốc doanh nghiệp trong buổi tọa đàm: Trăng khuyết rồi trăng lại tròn. Nhưng những "vầng trăng khuyết" ở đây thì cứ hao mòn theo năm tháng vì cả tuổi thanh xuân, các chị đã cống hiến cho cuộc chiến tranh cứu nước; giờ đây một mình lẻ bóng. Trách nhiệm của chúng ta là giúp họ sưởi ấm lòng, để "trăng khuyết" không bị hao gầy theo năm tháng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có những “vầng trăng khuyết”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.