Xã hội

Những mối tình đi qua chiến tranh

Dương Linh 29/04/2025 - 17:49

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, biết bao chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi xung phong ra tiền tuyến chiến đấu giành độc lập, tự do cho nước nhà. Giữa cuộc chiến khốc liệt và gian khổ, những con người cùng chung lý tưởng tình cờ gặp nhau, rồi bén duyên nên vợ nên chồng.

Ở họ, không chỉ có tình yêu đôi lứa, mà còn chung chí hướng, đồng chí, đồng đội cho đến khi mái tóc đã pha sương. Những mối tình của họ chứa đựng vô vàn cung bậc cảm xúc theo dòng chảy lịch sử đất nước, để mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại càng trân trọng, thêm tin vào tình yêu và những điều đẹp đẽ trong cuộc sống.

Gửi con ở hậu phương, quyết ra chiến trường

ba-vinh-nho.jpg
Bức ảnh bà Hoàng Thị Kim Vinh cùng cậu con trai Nguyễn Hoàng Linh năm 1967. Ảnh: NVCC

Từ tấm ảnh một nữ thanh niên xung phong (TNXP) nở nụ cười ấm áp bên cậu bé khoảng 3 tuổi ở triển lãm 60 năm phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Kim Vinh (người mẹ trong ảnh) ở phố Hàng Chiếu (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm). Ở tuổi 86, bà Kim Vinh còn khỏe mạnh, minh mẫn và đặc biệt vẫn giữ nụ cười thuở nào

Nói về bức ảnh, bà Vinh bồi hồi kể: “Năm 1965, cả nước sục sôi kháng chiến chống Mỹ, tôi đang là Bí thư chi đoàn Hợp tác xã Dệt Thắng Lợi và đã tình nguyện làm đơn gia nhập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Thủ đô (Đội TNXP N43). Khi ấy, con trai tôi mới được 2 tuổi. Mong muốn góp sức mình cho công cuộc giải phóng miền Nam, tôi quyết tâm gửi con cho bà ngoại để lên đường. Bức ảnh chụp lúc tôi về phép thăm nhà vào tháng 5 năm 1967”.

Kể về người chồng liệt sĩ của mình, bà Kim Vinh chia sẻ: “Trong một lần anh ấy (ông Nguyễn Duy Khải, quê ở Ba Vì), là bộ đội, về thăm anh chị ở phố Hàng Đào, chúng tôi quen nhau. Sau một thời gian qua lại tìm hiểu, chúng tôi kết hôn năm 1961, tổ chức đám cưới đơn giản ở khu Bà Triệu. Cưới xong vẫn ở căn nhà này một tuần là anh lại vào chiến trường. Mãi 2 năm sau, chúng tôi mới có cháu Nguyễn Hoàng Linh, là cháu trai trong ảnh”.

Bà Hoàng Thị Kim Vinh chia sẻ. Clip: Bảo Lâm

Thời gian đầu khi bà Kim Vinh gia nhập TNXP, bà được biên chế Đại đội 812, Đội TNXP N43 vào Khu 4 làm nhiệm vụ mở đường và bảo đảm giao thông ở các tuyến đường chiến lược thuộc hệ thống đường Trường Sơn. Khi mở đường tại Nghệ An, bà đã gặp lại người chồng yêu dấu sau bao tháng ngày xa cách. Khi ấy, ông Khải chuẩn bị đi B nên được về phép, nhưng về đến nhà mới hay tin vợ đã vào chiến trường, nên ở chơi với con 2 ngày, ông vào Nghệ An tìm bà.

“Lúc đấy là đầu năm 1966. Đơn vị sắp xếp cho chúng tôi một chiếc giường ngủ tạm tại nhà kho của đơn vị. Chỉ có mấy tiếng bên nhau, anh luôn động viên tôi vượt qua khó khăn, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vài tiếng ngắn ngủi, sáng sớm hôm sau, anh lại trở về đơn vị”, bà Kim Vinh kể. Cũng kể từ đó, ông bà bặt tin nhau.

Một thời gian sau, đơn vị TNXP của bà tiếp tục hành quân vào Quảng Bình, tham gia mở tuyến đường chiến lược 20 Quyết Thắng. Đây là tuyến đường bộ quan trọng nối liền Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, góp phần chi viện vũ khí, lương thực cho miền Nam. Vì vậy, giặc Mỹ đánh phá cả ngày lẫn đêm.

“Chúng thả nhiễu, ném bom, bắn rocket, rải bom bi xuống các cung đường. Bom rơi vào trạm xá, bếp ăn, vào kho lương thực làm cho chúng tôi nhiều ngày bị đói, nhưng cứ hết đợt bom, chúng tôi vẫn ra tuyến và không ai rời vị trí chiến đấu”, bà Vinh kể.

ba-vinh.jpg
Bà Hoàng Thị Kim Vinh năm nay đã 86 tuổi. Ảnh: Bảo Lâm

Trong một lần san mở đường thần tốc, bà Vinh chứng kiến người bạn gái thân thiết hy sinh. Đó là liệt sĩ Vũ Thị Sinh, nhà ở phố Nguyễn Hữu Huân, có nhiệm vụ cảnh giác phòng không. Bà Sinh đã dũng cảm đối mặt với 12 máy bay B52 Mỹ, theo dõi đánh kẻng báo cho đồng đội sơ tán khỏi hiện trường an toàn và hy sinh vào ngày 3-6-1966. Đây là sự mất mát đầu tiên của Đội TNXP N43 Hà Nội.

“Sau loạt rocket, tôi chạy ra, thấy chị Sinh ngồi dưới đất đầu gục xuống. Tôi đỡ chị, chị khẽ ngước nhìn rồi tắt thở trên tay tôi. Đau xót vô cùng, trước khi đi TNXP, chị đã hứa hôn với một chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Họ hẹn nhau khi hoàn thành nhiệm vụ về Thủ đô sẽ làm lễ cưới”, bà Hoàng Thị Kim Vinh nghẹn lời khi kể lại kỷ niệm không bao giờ nguôi quên.

Nỗi đau chồng thêm nỗi đau khi năm 1968, bà Kim Vinh biết tin người chồng đã anh dũng hy sinh trong mặt trận phía Nam sau lần gặp nhau cuối cùng tại Nghệ An. Mãi sau này, gia đình bà Kim Vinh đi tìm mới biết là liệt sĩ Nguyễn Duy Khải hy sinh ở chiến trường trong Gia Lai, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được mộ.

Cảm tử quân phá bom

Như hàng ngàn chàng trai, cô gái của Thủ đô Hà Nội ngày ấy, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, ông Nguyễn Cao Vãng (sinh năm 1944, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) đã viết đơn tình nguyện gia nhập Đội TNXP N43, vào tuyến lửa Khu 4.

Cuối năm 1967, trước yêu cầu khẩn trương của chiến trường, Đội TNXP N43 lựa chọn những TNXP ưu tú nhất để thành lập Đại đội “Xung kích Thăng Long", tiến sâu vào phía trong mở đường 20-7 Đông Trường Sơn. Đây là tuyến trọng điểm phục vụ cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) nên địch đánh phá rất ác liệt.

ong-vang.jpg
Ông Nguyễn Cao Vãng luôn trăn trở việc hỗ trợ giải quyết chính sách cho đồng đội. Ảnh: Bảo Lâm

Ông Vãng là một trong gần 200 TNXP ưu tú được lựa chọn vào đội. “Phát hiện ra ta đã mở tuyến đường quan trọng này, địch dùng nhiều loại máy bay F4, F5, B52 với nhiều loại bom để diệt sinh lực ta, quyết ngăn chặn ta mở tuyến đường huyết mạch. Trên dọc tuyến đường, cây rừng cháy xác xơ, hố bom dày đặc. Có ngày, máy bay B52 đánh 4 đến 5 lần, đại đội tôi hy sinh tới 10 người..,”, ông Vãng bùi ngùi nhớ lại.

Ở địa bàn trọng điểm này, vì bom đạn cày xới không ngớt, xe chở hàng chi viện cho chiến trường miền Nam ùn tắc hàng cây số, Đại đội “Xung kích Thăng Long” quyết định thành lập “Đội cảm tử” phá gỡ bom nổ chậm để thông đường. Ông Vãng nằm trong số 7 thành viên của “Đội cảm tử”. Họ đều là những người dũng cảm, gan dạ, bởi mỗi khi bước chân đi rà phá bom đều là những lần đi giữa lằn ranh của sống - chết. Đã nhiều lần, “Đội cảm tử” được đơn vị tổ chức “truy điệu sống” trước khi làm nhiệm vụ.

Thoáng trầm ngâm, ông Vãng kể tiếp: “Ngày ấy, thông đường cho xe ra tiền tuyến luôn là mục tiêu cao nhất của chúng tôi. Tháo bom, phá bom từ trường, bom nổ chậm đầy nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn xung phong. Trong hơn hai năm, “Đội cảm tử” chúng tôi đã phá, thu gom được hơn 3.000 quả bom các loại, giải tỏa được hàng ngàn chuyến xe, chi viện cho chiến trường miền Nam”.

Ông Nguyễn Cao Vãng chia sẻ. Clip: Bảo Lâm

Chứng kiến sự hy sinh của liệt sĩ Hoàng Lộc, sau ngày ra quân, ông Vãng thường xuyên đến thăm mẹ của liệt sĩ ở phố Trần Xuân Soạn. Gia đình liệt sĩ cũng coi ông như người thân. Với nghĩa tình đồng chí, đồng đội, năm 2009, ông Vãng đã làm nhân chứng và thủ tục giấy tờ để ngày 18-6-2009, liệt sĩ Hoàng Lộc được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây cũng là liệt sĩ duy nhất của Đội TNXP chống Mỹ cứu nước của Thủ đô vinh dự nhận danh hiệu này.

Viết tiếp những trang đời sau khói lửa

Trong căn nhà ở phố Hào Nam, không chỉ ông Vãng, mà vợ ông là bà Nguyễn Thị Hồng Minh cũng bồi hồi nhớ lại ký ức trong những năm tháng tuổi trẻ xông pha nơi chiến trường. Lên đường đi TNXP cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng được biên chế ở Đội TNXP N43 với ông Vãng, nhưng bà Minh (xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm) lại không hề biết ông.

n43.jpg
Các cựu TNXP N43 Thủ đô đến thăm bia địa danh lịch sử. Ảnh: NVCC

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh xúc động kể: “Năm đó, tôi mới 16 tuổi, mồ côi mẹ từ nhỏ. Khi biết tôi viết đơn đi TNXP, bố tôi không cho đi, nhưng tôi vẫn quyết tâm lên đường. Tôi được biên chế vào Đại đội 814, còn ông Vãng ở Đại đội 812, nên hai người chưa từng gặp nhau, cho đến khi cả hai được chọn vào Đại đội “Xung kích Thăng Long”, lúc đó mới quen mặt”.

“Gặp bà ấy, tôi ấn tượng về người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường. Đại đội “Xung kích Thăng Long” toàn thanh niên nhanh nhẹn, xốc vác, dũng cảm lắm. 18 tuổi, bà ý đã được kết nạp vào Đảng, do hoạt động tích cực, vác đất, vác đá, xông pha dưới mưa bom, bão đạn”, ông Vãng nói. Bà Minh tiếp lời: “Chỗ nào gian khó có mặt tôi. Lúc đó nghĩ đơn giản, làm việc hết mình. Vì thế, được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự, tự hào lớn lao lắm”.

Chung một lòng nồng nàn yêu nước và chiến đấu hết mình cho ngày độc lập phía trước, ông Vãng, bà Minh mới nên duyên. Bà Minh thán phục sự dũng cảm của ông, còn ông Vãng cảm phục sự nhiệt huyết, tinh thần làm việc hăng say của bà.

“Ban đầu thì tôi cũng chỉ có cảm tình, ông này là người đứng đắn, chăm chỉ, sau rồi mới thấy sự dũng cảm khi cảm tử phá bao nhiêu bom mà yêu mến”, bà Minh bộc bạch.

Tình yêu của hai người cứ âm ỉ cháy theo những năm tháng cống hiến hết mình cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Năm 1968, bà Minh ra quân, đi học và về Tạp chí học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) công tác, rồi chuyển công tác sang ngành tòa án. Còn ông Vãng, năm 1970, ra quân, về Sở Lao động Hà Nội làm việc, xong tiếp tục đi học đại học, rồi chuyển về làm cán bộ tổ chức ngành xăng dầu. Đầu năm 1970, ông bà đăng ký kết hôn ở khu Hai Bà Trưng, cuối năm tổ chức đám cưới.

ong-duc-ba-vinh-3.jpg
Ông Phạm Văn Đức và bà Hoàng Thị Kim Vinh đã có 50 năm gắn bó tình nghĩa vợ chồng. Ảnh: Bảo Lâm

Năm 1968, bà Hoàng Thị Kim Vinh trở ra Bắc, đi học trung cấp giao thông. Tháng 10 năm 1970 khi Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế Thủ đô (trực thuộc Thành đoàn) thành lập, bà được điều về làm công tác thống kê tại Xí nghiệp xây dựng thanh niên Hà Nội. Trong quá trình làm việc tại đây, bà Vinh đã gặp ông Phạm Văn Đức (sinh năm 1946), cũng là thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước.

“Nhiệm vụ của Xí nghiệp xây dựng thanh niên Hà Nội là khắc phục hậu quả chiến tranh: Làm đường, đào hồ, xây dựng cải tạo các công trình công cộng, xây dựng kiến thiết Thủ đô… Tôi phụ trách đội thanh niên đào hồ Giảng Võ, Trung Tự. Thời kỳ đó cũng vất vả lắm, nhưng tất cả chúng tôi đều cố gắng để sớm phục hồi đất nước, kiến thiết Thủ đô”, ông Đức cho biết.

Sau đó, năm 1988, ông Đức chuyển về Thành đoàn làm Phó Chánh văn phòng, rồi năm 1998 chuyển về làm Phó Giám đốc Nhà Học sinh sinh viên thành phố Hà Nội (nay là Cung Thanh niên Hà Nội), rồi về hưu năm 2005.

ong-duc.jpg
Dù tuổi cũng đã bước sang tuổi 80, cựu TNXP Phạm Văn Đức vẫn miệt mài với công tác Hội. Ảnh: Bảo Lâm

Đến năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, ông Đức và bà Kim Vinh cùng nhau xây dựng gia đình, nuôi dạy con trai của bà và liệt sĩ Nguyễn Duy Khải khôn lớn trưởng thành, xây dựng cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc. Đã từng sống chết nơi Trường Sơn năm xưa nên họ thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với nhau. Đến năm 1978, bà sinh một người con trai với ông Đức. Hiện nay, ông bà đã có 4 cháu nội và 1 chắt.

Giờ đây, hai ông bà an vui với cuộc sống bình dị đời thường, chăm chút cho nhau mỗi ngày, như gìn giữ những ký ức đã qua của một mối tình son sắt 50 năm. Hiện nay, bà Vinh đã cao tuổi, không tham gia công tác địa phương, còn ông Đức vẫn là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm suốt 10 năm nay.

Với ông Vãng và bà Minh, khi chiến trường không còn vang tiếng súng, họ trở lại với cuộc sống đời thường. Với tinh thần không ngừng phấn đấu vươn lên dù trong thời chiến hay thời bình, ông Vãng luôn hoàn thành các nhiệm vụ được giao và được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực 1 – Hà Nam Ninh năm 2004. Ông làm việc tại đây cho đến khi nghỉ hưu năm 2006. Năm 2007, ông Vãng chính thức về Trung ương Hội Cựu TNXP công tác. Từ đó, ông Vãng dành nhiều thời gian tham gia giải quyết chế độ, chính sách cho những người đồng đội bị thất lạc hoặc mất mát giấy tờ trong chiến tranh. Với ông, đó là sự động viên tinh thần rất lớn đối với những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước.

ong-vang-ba-minh-2.jpg
Các cựu TNXP Nguyễn Cao Vãng và Nguyễn Thị Hồng Minh đã có mối tình đi qua bom đạn chiến tranh. Ảnh: Bảo Lâm

55 năm sau ngày cưới, ông Vãng và bà Minh vẫn rất tình cảm. Niềm hạnh phúc lớn lao của ông bà là có 2 người con đều đã phương trưởng, hiếu thảo và cũng đã có 4 cháu, 1 chắt ngoại.

Chiến tranh đã qua đi, khói lửa bom đạn đã lùi vào quá khứ, những con đường họ mở giờ đây đã đổi thay nhiều theo năm tháng. Nhưng với những cặp vợ chồng cựu TNXP, quãng thời gian tham gia chống Mỹ cứu nước, sống và làm việc ở Trường Sơn giữa bao hiểm nguy, gian khổ và thiếu thốn, luôn là hồi ức tươi đẹp và có ý nghĩa nhất của cuộc đời.

Ở đó, họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Và cho đến giờ, khi mái đầu đã ngả màu bạc trắng, họ vẫn sát cánh bên nhau, sống có ích và phụng sự cho cộng đồng, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những mối tình đi qua chiến tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.