Kinh tế

Có nên nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá để hạn chế “dìm giá”?

Đình Hiệp - Tiến Thành 08/11/2023 - 17:55

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, chiều 8-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trong đó, nhiều đại biểu cho rằng, cần thiết phải nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá để hạn chế tình trạng “dìm giá” khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

daibieuqhhn.jpg
Các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ.

Đấu giá trả giá cao rồi “bùng”

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản.

Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung, trong đó có hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

hn-2.jpg
Đại biểu Nguyễn Hải Trung phát biểu thảo luận.

“Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng người đấu giá trả giá cao rồi “bùng” nên gây khó khăn cho các cơ quan tổ chức đấu giá. Vì thế, tôi kiến nghị trong dự thảo Luật cần nghiên cứu tiếp thu việc quy định phải đặt cọc sau khi đấu giá để ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá”, đại biểu Nguyễn Hải Trung kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về việc đấu giá trực tuyến trên cổng đấu giá tài sản quốc gia để bảo đảm tính khả thi. Trong đó, chú ý việc xây dựng, quản lý, vận hành, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.

hn-3.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) thảo luận tại tổ.

Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 39 liên quan đến người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước chặt chẽ hơn.... Góp ý vào nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần quy định cụ thể và nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá lên, bởi người thật sự có nhu cầu thì họ cơ bản có đủ tiền để mua. Việc nâng mức đặt giá được coi là giải pháp hạn chế những trường hợp nộp hồ sơ để thông đồng “dìm giá”.

Theo đại biểu, tại Khoản 3, điều 34, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá tại trụ sở tổ chức đấu giá tài sản cho phù hợp. Vì việc tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai quy chế cuộc đấu giá trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản là rất khó thực hiện, gây tốn kém cho các tổ chức đấu giá tài sản.

hn-4.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) thảo luận.

Hạn chế trục lợi bên ngoài đấu giá

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, mục đích quan trọng của việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản là phải hạn chế được tình trạng trục lợi bên ngoài đấu giá và phải tính đến hiệu quả việc đấu giá. Để làm được điều này, đại biểu cho rằng, trước hết phải công khai minh bạch từ thông tin tài sản đến người tiếp cận tham gia đấu giá, việc trao đổi giữa người đấu giá với tổ chức đấu giá, tránh tình trạng bưng bít thông tin.

Đối với vấn đề tăng tiền đặt cọc để tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, quy định này không phù hợp với thực tế. Bởi nếu tăng tiền đặt cọc thì lại hạn chế người tham gia đấu giá khi họ phải huy động nguồn tài chính lớn.

“Tư cách người tham gia đấu giá rất quan trọng, trong đó có các yếu tố để chứng minh tài sản bảo đảm của người đấu giá. Khi người đấu giá vi phạm thì chúng ta sẽ có các cơ chế để xử lý vấn đề này. Cùng với đó, hình thức đấu giá rất quan trọng, trong đó việc đấu giá trực tuyến sẽ giúp công khai minh bạch thông tin hơn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) lo ngại đây là Luật hình thức nên áp dụng khó, khả năng tương thích với quy định pháp luật khác là vấn đề cần được rà soát, đồng bộ. Do đó, đại biểu cho rằng cần điều chỉnh các nội dung về đấu giá đang được quy định tại các luật nội dung khác.

Đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần quy định rõ bước giá đấu giá tối thiểu, tối đa, bởi trên thực tế nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình đấu giá đã bỏ bước giá thoải mái, vượt xa giá trị tài sản đấu giá và khả năng tài chính của bản thân họ; từ đó hình thành mặt bằng giá mới, tự phô trương thanh thế của doanh nghiệp, cá nhân.

duong-ngoc-hai.jpg
Đại biểu Dương Ngọc Hải (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận.

Đại biểu đồng ý với việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi. Đại biểu đề nghị, ngoài mất tiền cọc, người trúng đấu giá mà không mua tài sản phải mất thêm tiền phạt.

Về các hành vi cấm, đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng, quy định nghiêm cấm “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi” rất khó thực hiện, rất khó chứng minh vi phạm, do đó nên cân nhắc quy định về hành vi này. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, yêu cầu người có tài sản đấu giá phải xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá là chưa phù hợp, nhất là đối với trường hợp người có tài sản đấu giá là cá nhân hoặc trường hợp có số lượng lớn người tham gia đấu giá đối với cùng một tài sản đấu giá là không khả thi, nên để cho các cơ quan tổ chức đấu giá thực hiện nội dung này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có nên nâng mức tiền đặt trước trong đấu giá để hạn chế “dìm giá”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.