Chính trị

Phân cấp, phân quyền chưa đạt yêu cầu đề ra

Bảo Hân 08/11/2023 - 13:03

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu, việc tổ chức thực thi phân cấp, phân quyền còn chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của cử tri và nhân dân.

db-nguyen-lam-thanh.jpeg
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên).

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) về giải pháp thực hiện thành công chủ trương phân cấp, phân quyền, Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn nêu, tổ chức thực thi phân cấp, phân quyền còn chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của cử tri và nhân dân.

Trong những nguyên nhân được chỉ ra, có việc còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng các quy định của pháp luật. Năng lực cán bộ có những hạn chế, bất cập, nhất là những việc lớn, việc mới phân cấp, phân quyền còn khó khăn.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ nêu ra các giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường sự giám sát, kiểm tra.

ttcp(1).jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn.

Nhiều giải pháp hạn chế cháy nổ

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Đoàn Thanh Hóa) nêu thời gian gần đây xảy ra một số vụ cháy, nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của. Điển hình như vụ cháy "chung cư mini" tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào để chấn chỉnh tình trạng này?

Trả lời đại biểu, nhìn nhận về thực trạng cháy nổ còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ cho biết trong thời gian tới cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về phòng, chống cháy nổ; tập trung lãnh đạo chỉ đạo từ cấp ủy, tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa lực lượng phòng cháy, chữa cháy; huy động sự tham gia của người dân, các tổ dân phố, tổ chức chính trị - xã hội...

dbqh.jpeg
Các đại biểu Quốc hội theo dõi phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ.

Phân cấp không phải là giao khoán cho địa phương

Trả lời chất vấn của đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định), Thủ tướng Chính phủ nhận khuyết điểm về chậm thể chế hóa các chỉ đạo, nghị quyết của Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng cho biết tới đây sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành; Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách sẽ vào cuộc.

Cùng trả lời câu hỏi của đại biểu về phân cấp, phân quyền trong thực hiện một số dự án nhóm A, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ có những rà soát, đánh giá lại để phù hợp với thực tiễn và tháo gỡ vướng mắc pháp lý nếu có.

“Với những dự án có tính chất kỹ thuật, việc phân cấp, phân quyền không có nghĩa là giao khoán cho địa phương, mà các bộ, ngành phải phối hợp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn”, Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực đội ngũ cán bộ

tran-thi-kim-nhung.jpeg
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn Quảng Ninh) nêu tranh luận.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn Quảng Ninh) cho biết, trong báo cáo của Thủ tướng đã nhấn mạnh sẽ kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính quy định về điều kiện kinh doanh gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đại biểu bày tỏ nhất trí cao với sự kiên quyết này của Chính phủ. Tuy nhiên, từ thực tế phản ánh của cử tri, đại biểu cũng ấn tượng với giải pháp của Bộ trưởng Bộ Công an đưa ra, đó là quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ “doanh nghiệp sân sau”.

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, hiện nay, thủ tục hành chính rườm rà chính là nguyên nhân gây tăng chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc theo thẩm quyền còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm…

Các giải pháp được Thủ tướng Chính phủ nêu ra để khắc phục, chấn chỉnh thực trạng trên là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, bảo đảm lợi ích về tinh thần, vật chất để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm tốt hơn nhiệm vụ của mình; các bộ, ngành tăng cường rà soát, cắt giảm các thủ tục còn rườm rà; các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục vào cuộc; lãnh đạo cấp ủy huy động cả hệ thống chính trị thúc đẩy giám sát, động viên, định ra nhiệm vụ cơ bản cho cơ quan đơn vị, địa phương mình.

“Giải pháp căn cơ vẫn là nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cắt giảm các thủ tục hành chính; tăng chế tài xử lý…”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

ttcp-2.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Cần điều chỉnh cơ chế đặc thù cho phù hợp

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội), về quan điểm thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, Thủ tướng Chính phủ nêu, vừa qua đã có một số cơ chế đặc thù cho một số địa phương, một số ngành, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn khách quan.

Theo Thủ tướng Chính phủ, việc ra cơ chế đặc thù là có cơ sở chính trị vững chắc. Các Nghị quyết 18, 19-NQ/TƯ đều mang tinh thần những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì quyết tâm luật hóa. Điều gì chưa rõ, chưa chín, có luật pháp nhưng không còn phù hợp, hoặc chưa có luật pháp quy định, thì phải mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc này.

Về cơ sở thực tiễn, việc thực hiện các Nghị quyết về cơ chế đặc thù ở các địa phương hiện đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần điều chỉnh cơ chế đặc thù cho phù hợp. Sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu sâu hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, các đại biểu Quốc hội và người dân để có điều chỉnh phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt, thống nhất.

Dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên chất vấn dành cho Thủ tướng Chính phủ đã có 62 đại biểu đăng ký chất vấn; 10 đại biểu thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 9 đại biểu chất vấn và 1 đại biểu tranh luận.

Ngoài những nội dung trả lời nêu trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã dành nhiều thời gian trả lời các vấn đề được đại biểu nêu về giải pháp đưa lực lượng lao động có việc làm phi chính thức vào phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp phát triển ngành Du lịch; cải cách tiền lương, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để bảo đảm nguồn chi lương cho người lao động...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp, phân quyền chưa đạt yêu cầu đề ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.