(HNM) - Chíp (bán dẫn) được ví như “bộ não” của thiết bị, hệ thống tự động hóa và thông minh. Song, vì một số nguyên nhân, trong đó có tác động từ đại dịch Covid-19 khiến sản xuất chíp toàn cầu thiếu hụt, ảnh hưởng đến sản xuất nói chung. Có không ít ý kiến đặt ra chúng ta có nên bắt tay sản xuất chíp phục vụ cho các ngành công nghiệp trong tương lai?
Từ đầu năm 2021, truyền thông quốc tế và trong nước từng thông tin về tình hình thiếu hụt chíp trầm trọng khiến các ngành công nghiệp ô tô và điện tử toàn cầu điêu đứng khi tình hình sản xuất bị gián đoạn.
Tháng 4-2021 vừa qua, cộng đồng công nghệ trong nước xôn xao sau khi ông Nguyễn Tử Quảng, Nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Bkav gọi tên “khủng hoảng kép chíp bán dẫn” trên toàn cầu và cho biết Bkav phải gom hàng mới được một lô 8.000 bộ cho sản xuất camera AI (camera thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo). Ông Nguyễn Tử Quảng cũng đưa ra dự đoán với tình hình thực tế hiện nay, việc gom hàng tiếp tục diễn ra trên toàn cầu và có thể tiếp tục kéo dài sang năm sau… Tiếp đó, ngày 9-5-2021, Tập đoàn Vingroup thông báo dừng sản xuất điện thoại và ti vi để tập trung phát triển tính năng thông minh cho phương tiện giao thông và nhà ở. Mặc dù nêu rõ việc sản xuất hai loại sản phẩm này đã không còn mang lại đột phá và giá trị khác biệt cho người dùng nên muốn tập trung phát triển các ô tô thông minh, nhà thông minh để mang đến lợi ích và trải nghiệm vượt trội cho người dùng, nhưng dư luận cũng đặt câu hỏi liệu việc thiếu hụt chíp bán dẫn trên toàn cầu có tác động đến việc dừng sản xuất này?
Trở lại với vấn đề có nên đầu tư sản xuất chíp bán dẫn trong nước? Thực tế, vấn đề này đã từng được đặt ra cuối năm 2018, đầu năm 2019 khi các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, FPT cho biết đã bắt tay nghiên cứu sản xuất chíp 5G. Trong đó, Viettel đã đầu tư 40 triệu USD để làm chíp 5G; FPT xây dựng lộ trình sản xuất chíp kéo dài trong 10 năm, bắt đầu bằng làm thuê, rồi gia công cho đối tác…
Về việc sản xuất chíp, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tử Quảng cho biết, hiện có 3 vùng sản xuất chíp lớn trên thế giới gồm Intel (Mỹ), TSMC (Đài Loan, Trung Quốc), Samsung (Hàn Quốc), trong đó sản xuất chíp từ Đài Loan - Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 70% lượng chíp toàn cầu. Sản xuất bán dẫn được coi là một trong những ngành công nghiệp phức tạp nhất và rất khó, vì toàn bộ máy móc liên quan đến quá trình làm chíp phụ thuộc vào rất ít công ty trên thế giới.
Cùng quan điểm này, ông Trần Hữu Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp VNPT (VNPT Technology) phân tích, đầu tư sản xuất chíp rất khó khăn bởi 3 yếu tố. Thứ nhất, cần một số vốn vô cùng lớn cho đầu tư nhà máy, lên tới hàng chục tỷ USD. Thứ hai là việc mua máy móc sản xuất, đúc chíp không hề dễ vì như đã nêu, “bí kíp” này chỉ nằm trong tay rất ít công ty trên thế giới và đó chính là “nồi cơm” của họ nên mua lại càng khó. Thứ ba, làm được hai việc trên đã rất khó, song phải cần yếu tố quyết định đó là bài toán thị trường, đó là vấn đề sản phẩm có cạnh tranh được hay không và ai mua?
Thêm nữa, theo một số chuyên gia, tự sản xuất được chíp giúp chúng ta chủ động và phục vụ sản xuất trong nước, đặc biệt là bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Người Việt Nam có tiềm năng về sản xuất bán dẫn và có nhiều nhân sự giỏi giữ các vị trí quan trọng tại nhiều tập đoàn công nghệ trên thế giới, trong đó có các công ty ngành bán dẫn… Mặt khác, công nghệ sản xuất chíp đã phát triển và có thể mua lại dây chuyền, nhà máy, song sản xuất vẫn phải phụ thuộc vào “đầu vào” trong khi chúng ta chưa chủ động được nguyên liệu sản xuất và vấn đề thị trường…
Để có thể chủ động nguồn cung cho sản xuất trong nước, các chuyên gia cho rằng việc kêu gọi các tập đoàn toàn cầu đầu tư cho sản xuất chíp tại Việt Nam cũng là một trong những bước đi phù hợp. Việc đề nghị Samsung đầu tư nhà máy sản xuất bán dẫn, góp phần khép kín chuỗi sản xuất trong lĩnh vực điện, điện tử của tập đoàn này tại Việt Nam hồi cuối năm ngoái chính là cụ thể hóa cho chủ trương này. Bởi hiện hoạt động sản xuất của Samsung có 3 thế mạnh về thiết bị di động, sản phẩm bán dẫn và điện tử gia dụng; trong đó đã có 2 mảng thiết bị di động, điện tử gia dụng, màn hình hoạt động hiệu quả tại Việt Nam...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.