Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có một “thương hiệu” kéo co ở Thượng Cát

Thùy An| 29/04/2018 07:15

(HNM) - Đất Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vào dịp tháng Hai và tháng Ba âm lịch luôn rộn ràng tiếng trống, tiếng còi từ những cuộc thi đấu kéo co, đua thuyền rồng trong khuôn khổ hội đình làng Đống Ba và làng Thượng Cát.


Ông Lê Văn Trường, Trưởng ban Di tích, Trưởng ban Tổ chức lễ hội đình làng Đống Ba kể, trước năm 2015, bên cạnh đá gà, có nhiều môn thể thao xuất hiện trong lễ hội đình làng, trong đó, được ưa chuộng hơn cả là bóng đá. Sau đó, trò đá gà không được tổ chức, bóng đá cũng “gặp khó” bởi kén người chơi. Hội đình đứng trước nguy cơ rơi vào buồn tẻ, nhàm chán.

Đúng lúc đó, nhóm đồng niên sinh năm 1983 trong làng đề xuất tổ chức môn kéo co bởi môn này có thể thu hút đông đảo người tham gia tập luyện, thi đấu và cổ vũ. Thế là môn kéo co được đưa vào chương trình và 12 đội tuyển của xóm được thành lập. Đến ngày diễn ra phần thi kéo co, sân bóng của làng đông nghẹt người. Cứ tưởng tượng mỗi xóm có từ 40 đến 60 hộ dân, chỉ cần nửa làng đổ ra sân bóng là đã kín chỗ.

Qua mỗi năm, phong trào kéo co càng lúc càng phát triển. Trước lễ hội đình làng Đống Ba năm 2018, từ cuối tháng Giêng, các xóm đã thành lập đội tuyển, tổ chức tập luyện. Mỗi tối, hàng trăm người đến tập luyện, cổ vũ trong tiếng còi, tiếng trống như khi đang thi đấu. Khi ấy, mỗi xóm đều chia ra đội hình chính và dự bị rồi đấu tập với nhau khiến làng tấp nập như dịp chính hội.

Chính ông Phạm Anh Tuấn, cán bộ văn hóa phường Thượng Cát cũng phải bất ngờ với “thương hiệu” kéo co ở Đống Ba khi nói rằng: “Khung cảnh ấy tương tự khi dân làng Thượng Cát tấp nập tập luyện ở ao làng để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền rồng vào dịp tháng Ba âm lịch. Những lúc ấy, thấy rõ rằng thể thao không đơn thuần là những cuộc đấu mang lại niềm vui, mà còn có khả năng kết nối mọi người rất hiệu quả”.

Từ thực tế đó, Đống Ba bắt đầu nghĩ đến chuyện giữ gìn “thương hiệu” kéo co của làng. Những người có trách nhiệm của làng đề ra quy định chặt chẽ và nghiêm túc thực hiện. Như mùa lễ hội 2018, Ban Tổ chức quy định mỗi đội thi đấu (5 nam, 5 nữ) chỉ có tổng trọng lượng tối đa 620kg. Đội nào để thừa dù chỉ 1kg cũng phải điều chỉnh. Ngoài ra, các đội tham dự đều phải mặc đồng phục, vận động viên không tuân thủ sẽ lập tức "được" mời ra khỏi cuộc chơi.

“Tiếng tăm” kéo co khiến mọi người cùng có trách nhiệm hơn trước cộng đồng. Như toàn bộ kinh phí tổ chức, giải thưởng, tiền thuê khung sắt để ngăn người ngoài lại gần khu vực thi đấu… đều do nhóm đồng niên sinh năm 1987 trong làng lo liệu. Thậm chí, nhóm này còn xin được tài trợ cho giải trong ít nhất 2 năm tới. Ngoài ra, một số cá nhân, tập thể khác cũng ngỏ lời tài trợ cho giải vào những mùa lễ hội sau.

Giải thưởng kéo co ở Đống Ba “đậm chất làng”: Đội giành giải Nhất được tặng một chú lợn khoảng 1 tạ. Ông Lê Văn Trường nhận xét: Tặng giải Nhất khoảng 3-4 triệu đồng cũng không khiến đội đoạt giải thích thú như khi nhận “hiện vật”. Sau khi nhận giải, đội đoạt giải đưa chú lợn được quàng cờ thưởng lên xe ba bánh rồi diễu hành khắp làng giữa đoàn người “hộ tống”. Lúc ấy, không khí vô cùng rộn rã.

Anh Lê Văn Thi, người dân trong làng cho hay, những năm gần đây, ngoài dịp chuẩn bị cho hội làng, những lúc rảnh rỗi hay có dịp giao lưu, người ở đây thường lấy kéo co là phương thức giao lưu với nhau. Đội kéo co của làng đại diện cho phường Thượng Cát đi thi giải cấp quận, lập tức giành ngôi vô địch trong sự thán phục. Nói không quá lời, nhờ kéo co, đất Đống Ba giờ nổi tiếng khắp Bắc Từ Liêm!

Trước nay, nhiều người vẫn luôn đề cập về giải pháp phát triển thể thao quần chúng cũng như gắn kết người dân thông qua hoạt động thể dục, thể thao. Câu chuyện về môn kéo co ở làng Đống Ba hay đua thuyền rồng ở làng Thượng Cát là ví dụ đáng để tham khảo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có một “thương hiệu” kéo co ở Thượng Cát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.