Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có một miền Tây nghĩa tình

Nhật Thanh| 16/04/2023 10:06

(HNMCT) - Sau hai tập truyện “Hỗn kỳ đài” và “Biết vọng cố hương biết thương xứ mình”, mùa xuân năm 2023, nhà văn Tống Phước Bảo trình làng tập “Linh đinh tình phù sa” gồm 12 truyện ngắn lấy đất và người Nam Bộ làm trung tâm. Ở đó không chỉ hiện lên “Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh”, “Cần Thơ gạo trắng nước trong”... mà trong từng tác phẩm, ta cảm nhận được nghĩa tình miền Tây miệt vườn sông nước.

Ta cùng nhà văn đi về miệt thứ Nha Mân, lân la “qua chợ Giữa nhởn nhơ”, và cũng có lúc bất ngờ vì đó chỉ là “hốc bà tó”. Bất ngờ vì ở nơi khỉ ho cò gáy, hay những địa danh đã đi vào thi ca, ta đều tìm được chút tình người miền đất phù sa. Đó có thể là tình cảm gia đình như “Dòng trôi”, “Ráng chiều cù lao”. Cũng có thể đó là sự thương cảm của những người không ruột rà như trong “Chiếu không”, “Như lục bình trôi”... ở những trang viết ấy, độc giả sẽ thấy được cái “tình” của nhà văn với mảnh đất và con người miền Tây.

Cái “tình” trong tập sách được thể hiện bằng nỗi buồn và đau nhiều hơn vui. Cái buồn ấy được kể nhẹ nhàng như cách chín nhánh chảy ra biển, nhưng làm cho người ta rưng rưng, thắt ruột thắt gan. Cái đau, nhân vật như đã được tác giả cho một xi lanh thuốc tê. Còn ta, ta đau như cắt. Ta rơi nước mắt với tấm lòng bà mẹ với cháu, với con trong “Đò qua sông vắng”. Lòng trĩu nặng như mang đá vác cây, với những phận người không được sống với chính mình, bị kỳ thị, bị giày vò cả về thể xác lẫn linh hồn trong “Như lục bình trôi”. Ta thêm thương người miền Tây khi một “bà ngoại” nằm chiếu rách, chiếc chiếu tuột dây cũ nát, để chiếu mới đắp cho những “cái xác trôi sông”, mà nhà văn đã đề cập khi kể về chiếc “Chiếu không”. Rồi ở “Cách một quãng đồng”, ta sẽ thấy người miền Tây giận nhau thì nói, nhưng hoạn nạn vẫn có nhau. Như khi thằng Tà Lọt bất bình trước việc Tám Tình bán nước đắt như vàng, lao vào đánh nhau. Nhưng nhà Tám Tình cháy, Tà Lọt đã băng mình qua lửa đỏ, cứu thằng cha ham tiền một mạng...

Cái giọng kể của Tống Phước Bảo thủ thỉ, tâm tình, nhẹ nhàng đúng chất miền Tây. Êm ả như dòng sông trôi. Buồn như màu hoàng hôn buông xuống chín nhánh. Nhẹ bâng như cơn gió chiều thổi dưới vàm sông. Và ngọt ngào như thốt nốt đã nấu thành ly rượu cay, làm những người đàn ông trong “Linh đinh tình phù sa” say khướt. Và, chính cái tình phù sa ấy cũng đã thành một thứ rượu say lòng người. Trước kia, có thể ta mê cái cảnh sắc của miền Tây. Còn khi đã tiếp cận những trang viết của nhà văn Tống Phước Bảo, ta yêu miệt thứ, yêu chốn bưng biền xa xăm, thương luôn cả cái “hốc bà tó”. Vì bây giờ, sóng nước Nam Bộ đang dùng chút “tình” dẫn dụ người ta.  

“Linh đinh tình phù sa” đậm đà sắc màu Nam Bộ. Từ chiếc xuồng, từng tàu dừa, từng chiếc áo bà ba cho tới những câu vọng cổ, và kể cả con người. Không chỉ mang lại cho chúng ta cảm xúc, nhà văn còn đưa “một kho” phương ngữ vào đó. Những hình ảnh ấy, những thanh âm ấy cũng chính là “tình phù sa” trong chính nhà văn. Anh yêu miền Tây như người tình. Và phải chăng, chính cái tình yêu chân thật ấy đã lan tỏa đến độc giả?

Nhà văn Tống Phước Bảo sinh năm 1984, là "người Sài Gòn". Là một cây bút trẻ, một “tay ngang chạm ngõ văn chương” nhưng anh đã đạt nhiều giải thưởng trong nghiệp viết. Năm 2022, anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có một miền Tây nghĩa tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.