(HNM) - Mẹ ơi sáng nay xuân về/Mẹ trông ra ngoài hiên vắng/Mẹ mong đứa con xa nhà… Lời ca đó như còn vọng mãi trong ngôi nhà liệt sỹ Kiều Văn Lập ở một miền quê yên ả ngoại thành Hà Nội...
Không đi học nước ngoài, tình nguyện vào quân ngũ
Mẹ Lê Thị Phượng ở Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội là mẹ của liệt sỹ người Hà Nội duy nhất nằm lại Trường Sa. Anh Kiều Văn Lập, con trai mẹ, cùng 64 đồng đội bảo vệ ngọn cờ thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, đã anh dũng hy sinh. Máu anh đã nhuộm đỏ màu cờ, thân anh đã hóa thành muôn ngàn con sóng đúng ngày 14-3-1988 lịch sử. Và cũng ít ai biết được, mẹ Phượng nuôi dạy 11 người con phương trưởng thì có 6 người con trực tiếp cầm súng bảo vệ quê hương.
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán và lãnh đạo huyện Phúc Thọ thăm, động viên mẹ Lê Thị Phượng. |
Anh Lập viết đơn xung phong đi bộ đội năm 1978. Trong quá trình rèn luyện phấn đấu, khi đang học Đại học Hàng hải thì anh được cử sang Ba Lan học chuyên ngành đóng tàu. Được đi học ở nước ngoài ngày đó là mơ ước của nhiều thanh niên nhưng anh Lập lại tình nguyện nhập ngũ. Anh viết thư về xin ý kiến bố mẹ, nói rằng sẽ nhường suất đi học này cho bạn khác để chuyên tâm phục vụ quân đội. Đó là bức thư đầu tiên trong đời binh nghiệp của mình anh gửi về quê nhà. Mẹ Phượng vẫn còn nhớ, nghe đọc xong thư, cả nhà rất xúc động, tiếc cho anh bỏ lỡ cơ hội đi nước ngoài nhưng cũng hết sức ủng hộ và tôn trọng quyết định của anh vì đó vốn là hoài bão, ước mơ anh theo đuổi suốt thời thơ ấu.
Trước ngày hy sinh khoảng một tháng, anh Lập gửi bức thư cuối cùng về. Anh nói đang chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ quan trọng ngoài đảo xa và động viên bố mẹ an lòng. Cả nhà quây quần nghe bức thư đó với một cảm giác yên lòng vì ai cũng nghĩ chiến tranh đã qua lâu, chẳng còn cảnh hy sinh, mất mát... Đùng một cái, tin dữ bay về... Lúc ấy, bố đang ngồi uống nước nghe đài. Phát thanh viên đọc tên Kiều Văn Lập hy sinh, ông lặng người đi vì quá bất ngờ, sau đó suy sụp hoàn toàn, ốm li bì. Nhưng khi khỏe lại, ông dắt anh trai Kiều Văn Hà đang là bộ đội phục vụ trong đoàn quân nhạc, lên huyện đội nằng nặc xin cho anh Hà tiếp tục ra đảo làm nhiệm vụ. Các anh ở huyện đội phải động viên mãi ông cụ mới chịu ra về. Cũng vì suy nghĩ quá nhiều, ông bị tai biến mạch máu não rồi qua đời không lâu sau đó. Mẹ Phượng năm nay 82 rồi, mắt đã mờ, chân đã chậm chẳng giấu nổi xúc động khi nhắc nhớ đến người con trai còn nằm lại biển khơi: Nhiều đêm, mẹ vẫn mơ thấy nó về thăm, ghé vào tai mẹ mà dặn dò, mà thì thào nhỏ to…".
Vang mãi khúc quân hành
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Đình Thức nhớ lại: "Hồi Lập hy sinh, chúng tôi là những người đầu tiên đến chia buồn cùng gia đình anh. Trong ký ức, tôi vẫn nhớ Lập là một trong những thanh niên rất được kỳ vọng ở địa phương bởi thành tích học tập xuất sắc. Mặc dù có anh trai đã đi bộ đội và là thương binh nhưng khi Tổ quốc gọi, anh đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Hình ảnh của liệt sỹ Kiều Văn Lập đã trở thành tấm gương sáng cho thanh niên địa phương".
Phó Chủ tịch HĐND xã Long Xuyên, anh Kiều Văn Hùng - em trai liệt sỹ Kiều Văn Lập - kể, từ lúc ở nhà, anh Lập là người sống kỷ luật, ngăn nắp và rất mê đọc sách. Buổi sáng, anh Lập thường gọi các em dậy từ 4-5h để cùng nhau học bài. Gần 10 năm trong quân ngũ, anh Lập về phép lần nào ba lô cũng đầy sách chia cho các em. Và kỷ vật duy nhất của người lính Trường Sa vẫn còn lại hôm nay chính là một chồng sách tiếng Nga đóng bìa cứng, in hình minh họa rất đẹp để lại. Anh Hùng cho biết, anh Lập học giỏi và rất thích đi bộ đội. Để thỏa ước mơ đó, anh đã giấu cả bố mẹ. Chỉ đến ngày cuối cùng trước khi lên đường, trong và ngoài sân đầy hoa tươi và tiếng cười của bạn bè đến đưa tiễn, bố mẹ anh mới biết chuyện ngày mai con mình nhập ngũ.
Là bạn "nối khố" của Kiều Văn Lập, là lớp trưởng hồi cấp 3, anh Nguyễn Thành Tuấn kể về bạn mình đầy vẻ ngưỡng mộ: "Lập tính cương nghị, thẳng thắn. Trong học tập, rèn luyện, Lập luôn đi đầu, là tấm gương nên được bạn bè bầu là lớp phó lao động rồi lớp phó học tập". Theo anh Tuấn, nhóm anh có ba người bạn thân nhau thì cả ba đều có ước mơ trở thành người lính và đã thầm hứa mỗi đứa sẽ chọn một đơn vị để cống hiến. Lập học giỏi các môn về tự nhiên nên chọn ngành hải quân, anh Tuấn theo quân y và một người bạn thân nữa Đại tá Nguyễn Văn Thể hiện đang giảng dạy tại Trường Sỹ quân lục quân. Anh Tuấn vẫn nhớ, năm 1985, nước ta tổ chức duyệt binh mừng 10 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lúc đó anh đã nhìn thấy bạn mình hành quân trong đoàn hùng binh với sắc áo thủy thủ oai phong hành quân trên quốc lộ 32 tiến về Thủ đô…
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, ông Ngọ Duy Hiểu, cho biết: "Tấm gương chiến đấu, hy sinh của liệt sỹ Kiều Văn Lập mãi tô thắm cho truyền thống quê hương, là bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ hôm nay thêm hiểu những giá trị của sự hy sinh và cống hiến".
Liệt sỹ Kiều Văn Lập ra đi khi chưa một lần biết đến bàn tay con gái. Nhưng chúng tôi đã may mắn nghe được câu chuyện từ người bạn thân nhất của liệt sỹ kể lại. Ngày anh lên đường, ba cô bạn gái cùng Lập và Tuấn lặng lẽ đi trên con đường đê đến chỗ nhận quân, suốt cả chặng đường Lập đi cạnh cô bạn thân là Đặng Thị Liên mà chẳng nói gì. Cả hai cứ lặng lẽ, tay vân vê vạt áo để mặc những bông cỏ may vương vấn. Gần đến giờ lên đường, Liên và Lập mới tách các bạn đứng ra một góc và cô dúi vội vào tay anh một chiếc khăn tay màu hồng như màu áo đẹp nhất cô chọn mặc để tiễn anh lên đường hôm đó. Cô gái tên Liên giờ là cô giáo mầm non tại quê nhà.
Nhân ngày hy sinh của 64 liệt sỹ bảo vệ đảo Gạc Ma (14/3/1988 - 14/3/2013), cũng là ngày giỗ của liệt sỹ Kiều Văn Lập, Báo Hànộimới cùng Huyện ủy Phúc Thọ đã đến thăm mẹ Lê Thị Phượng và thắp nén nhang thơm tưởng nhớ anh Lập và các đồng đội tại nhà riêng của anh. Tổng Biên tập Báo Hànộimới Tô Quang Phán khẳng định tấm gương hy sinh cho Tổ quốc của liệt sỹ Kiều Văn Lập, sẽ mãi là bài học sâu sắc giáo dục về lòng yêu nước cho thế hệ trẻ Thủ đô hôm nay và mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.