Việc sử dụng tên nhà báo Lương Nghĩa Dũng đặt tên đường của tỉnh thể hiện sự tri ân tấm gương anh dũng hy sinh của nhà báo trên "đất lửa" Quảng Trị anh hùng.
Tại Kỳ họp thứ 28 vừa diễn ra, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị khóa VIII đã thông qua Nghị quyết đặt tên 40 tuyến đường và 5 cây cầu tại thành phố Đông Hà.
Trong số các tuyến đường được đặt tên lần này có con đường mang tên nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).
Việc sử dụng tên nhà báo Lương Nghĩa Dũng đặt tên đường của tỉnh thể hiện sự tri ân tấm gương anh dũng hy sinh của nhà báo trên "đất lửa" Quảng Trị anh hùng.
Đường Lương Nghĩa Dũng nối đường Đặng Thí với đường Nguyễn Văn Cừ ở Khu đô thị Nam Đông Hà, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà; có chiều dài 270m, 2 làn đường với mặt cắt hiện trạng 10m.
Tuyến đường này chỉ nằm sau đường Hùng Vương (trục chính của thành phố Đông Hà) một dãy nhà, nằm gần các sở, ngành của tỉnh Quảng Trị.
Nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng sinh năm 1934, tại thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Ðông (nay là thành phố Hà Nội).
Năm 1954, ông cùng bạn bè vào Nho Quan, tỉnh Ninh Bình xin nhập ngũ. Hòa bình lập lại, ông được cử đi học để trở thành giáo viên dạy môn Vật lý, thuộc quân số của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Năm 1965, ông được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cử đi học lớp đào tạo phóng viên ảnh của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) cho chiến trường miền Nam.
Từ năm 1967, nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng trở thành một trong những tay máy chủ lực của của Tổ ảnh quân sự, đặt tại Phân xã Nhiếp ảnh, thuộc Việt Nam Thông tấn xã.
Nhà báo Lương Nghĩa Dũng hy sinh trên mặt trận Quảng Trị vào mùa Hè 1972.
Nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng là phóng viên chiến trường của TTXVN, nổi tiếng với nhiều bức ảnh xuất sắc về chiến tranh tại Việt Nam.
Với hơn 6 năm cầm máy, ông đã để lại một gia tài ảnh về chiến tranh đồ sộ và quý báu. Đó là những bức ảnh rực lửa anh hùng, thấm mồ hôi, nước mắt và máu của người trong ảnh lẫn người cầm máy.
Năm 2007, nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với tác phẩm “Đấu pháo ở Dốc Miếu.” Tác phẩm ghi lại cảnh giữa những loạt pháo dồn dập trút xuống trận địa pháo từ Căn cứ Dốc Miếu (huyện Gio Linh), hai pháo thủ của quân giải phóng đang hối hả nạp đạn và đạp cò để bắn trả, khiến đất cát, cây lá cùng tung lên trong một cơn lốc lửa.
Bên cạnh dấu ấn từ sự khốc liệt của chiến tranh, cú bấm máy ấy còn cho thấy độ nhạy cảm về nghề nghiệp của nhà báo Lương Nghĩa Dũng, khi ghi lại khoảnh khắc thú vị là hai pháo thủ trong ảnh vội tới mức không kịp đội mũ sắt để chống mảnh đạn.
Năm 2017, nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (Giải thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước về văn học nghệ thuật - lĩnh vực nhiếp ảnh) với bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại” gồm 5 bức ảnh, trong đó có 2 bức ảnh ở chiến trường miền Bắc và 3 bức ảnh ở chiến trường Quảng Trị.
Bức ảnh “Lửa vây máy bay Mỹ” được nhà báo Lương Nghĩa Dũng chụp trận địa pháo cao xạ 100 ly đang nhả đạn dữ dội vào máy bay phản lực Mỹ trên bầu trời Hải Dương ngày 4-7-1967.
Lửa đạn bung ra từng cụm khói khổng lồ. Bức ảnh được chụp từ độ cao của đài quan trắc ra đa; điểm cao này rất nguy hiểm, dễ bị trúng tên lửa hoặc bom hất xuống đất.
Bức ảnh “Nữ pháo binh Ngư Thủy” được nhà báo Lương Nghĩa Dũng thực hiện trong bối cảnh cả đại đội nữ pháo binh đang nghỉ trưa, khi kẻng báo động vang lên, các cô gái không kịp đội mũ sắt, lao từ trong hầm ra ụ pháo.
Bức ảnh “Đưa xe tăng vào trận địa” được nhà báo Lương Nghĩa Dũng chụp năm 1971. Trong bức ảnh này, không có cảnh bom đạn, nhưng ghi lại sự cam go, nguy hiểm khi bộ đội và dân quân khênh vác gỗ, lội bùn ngập đến đầu gối để ứng cứu 2 chiếc xe tăng trên đoạn đường lầy phía Đông Trường Sơn.
Bức ảnh “Xốc tới” nổi bật với hình ảnh 2 chiến sỹ giải phóng, đội mũ tai bèo, đang truy kích địch tại mặt trận Đường 9. Dưới chân ngổn ngang dấu tích của một trạm gác bị trúng đạn với xác lính đối phương, hai chiến sỹ đang lao về phía trước, một người ôm súng AK, một người ôm quả đạn B40, quanh thân họ được nai nịt lựu đạn, bi đông nước, dụng cụ cá nhân...
Hình ảnh này đã tạo nên sự tương phản mạnh về sự khốc liệt của chiến tranh.
Bức ảnh “Đánh chiếm cứ điểm 365” cho thấy sự khốc liệt tột cùng của chiến tranh. Đó là chiều 30-3-1972, mở màn cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Đại đội 1, Tiểu đoàn Sơn Mỹ quân giải phóng Quảng Trị tiến đánh cứ điểm 365.
Bức ảnh thể hiện rõ sự dũng cảm tuyệt vời của người lính xung kích, đồng thời cũng cho thấy sự quả cảm xả thân của người chụp ảnh, bởi đây là thời điểm gay cấn nhất của trận đánh, cũng là thời điểm phóng viên ảnh rất dễ trúng đạn.
Kể từ khi bắt đầu theo nghề cho tới khi ngã xuống ở tuổi 38, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng chỉ có vẻn vẹn 6 năm tác nghiệp trong vai trò một phóng viên chiến trường TTXVN.
Thế nhưng, hơn 2.000 bức ảnh mà ông để lại đã thể hiện sự sắc sảo, tư duy nhạy cảm của một nhà nhiếp ảnh trong chiến tranh.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị Hoàng Ngọc Sỹ chia sẻ nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng được đặt tên đường ở vùng “đất lửa” Quảng Trị là niềm tự hào đối với những người làm báo cả nước nói chung và những người làm báo ở Quảng Trị nói riêng.
Cố nhà báo Lương Nghĩa Dũng là tấm gương sáng về tâm và tầm của người làm báo. Đó là sự dấn thân với nghề, quả cảm và anh dũng hy sinh để ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu cam go, dũng cảm nhưng đầy vẻ vang của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại.
Có thể nói nhà báo Lương Nghĩa Dũng là người “chép sử” bằng ảnh, khi ông có một gia tài ảnh chiến tranh đồ sộ và quý báu.
Nhà báo Lâm Quang Huy, Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Nhân dân tại Quảng Trị cho biết, nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng được đặt tên đường ở thành phố Đông Hà là một sự ghi nhận xứng đáng với những cống hiến của ông trong suốt những năm tháng làm phóng viên chiến trường ở mặt trận Quảng Trị - một trong những mặt trận khốc liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Những gì mà nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là niềm tự hào đối với đội ngũ nhà báo.
Nhà báo Lâm Hưng Thơ, Báo Lao động thường trú tại Quảng Trị bày tỏ các nhà báo trẻ có nhiều điều để học hỏi qua những tác phẩm ảnh của nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng.
Trước hết, đó là sự dấn thân, tận tâm, tận lực với nghề báo để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng; là sự vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ và hiểm nguy để nắm bắt khoảnh khắc bấm máy./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.