Công nghiệp văn hóa là một bộ phận của công nghiệp sáng tạo, là ngành công nghiệp sản xuất những sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị cao trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao và được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế của đất nước tại nhiều địa phương vẫn chưa rõ. Thói quen trông chờ ngân sách nhà nước cho các hoạt động sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vẫn tồn tại. Nguồn lực đầu tư mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực…
Nhằm khắc phục những yếu kém nêu trên, ngày 29-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội và quảng bá văn hóa Việt Nam; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Có thể khẳng định, công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, định hướng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đó là: Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới.
Chúng ta cần khẩn trương xây dựng các cơ chế, chính sách đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút các nguồn lực, mở rộng thị trường văn hóa, thông qua việc học tập kinh nghiệm của các nước phát triển. Cùng với đó, xem xét xây dựng những công cụ tài chính riêng cho phát triển văn hóa thông qua hệ thống các quỹ hỗ trợ trên các lĩnh vực văn hóa như: Quỹ phát triển điện ảnh, quỹ hỗ trợ văn hóa số, quỹ hỗ trợ nghệ thuật…
Các địa phương, nhất là một số thành phố nằm trong "Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO" cần chủ động xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ sáng tạo, đẩy mạnh khai thác, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa tại địa phương. Mặt khác, cần tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, tuyên truyền để tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Tựu trung, cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (tháng 12-2023), đó là: "Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, có "mỏ vàng" đừng để bị lãng quên". Có như thế chúng ta mới đạt được mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP và đến năm 2035 là 8%; đồng thời có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.