(HNM) - Trong những ngày đầu năm mới, một tín hiệu đáng mừng cho người dân Nam Sudan là Chính phủ và lực lượng nổi dậy của quốc gia non trẻ nhất Châu Phi sẽ đàm phán nhằm nhanh chóng đi đến chấm dứt các cuộc giao tranh trong nhiều tuần qua.
Bạo lực bùng phát tại thủ đô Juba của Nam Sudan vào ngày 15-12-2013 vừa qua, sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc binh sĩ trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính. Kể từ đó, xung đột đã nhanh chóng lan rộng, chia rẽ bộ lạc Dinka ủng hộ Tổng thống Salva Kiir và bộ lạc Nuer ủng hộ ông Machar. Chỉ trong hơn hai tuần giao tranh, hàng nghìn người được cho là đã thiệt mạng, ít nhất 90 nghìn người bị mất nhà cửa và hơn 20.000 người đã phải sơ tán khỏi thủ đô Juba. Đến ngày 2-1, Tổng thống Salva Kirr đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang Unity và bang Jolei, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar.
Quân đội Mỹ trợ giúp sơ tán công dân nước ngoài ở Nam Sudan. |
Trước những diễn biến khó lường nêu trên, cộng đồng thế giới lo ngại cuộc xung đột sẽ là mồi lửa nguy hiểm có thể đẩy quốc gia này trước một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Nói cách khác, Nam Sudan đang phải đối mặt với thử thách lớn nhất kể từ khi tuyên bố độc lập hồi giữa năm 2011.
Theo các nhà phân tích, Nam Sudan đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện mà nguyên nhân không chỉ từ những bất đồng trong nội bộ nước này mà còn sâu xa hơn nữa. Đó là sự thiếu kinh nghiệm quản lý do một thời gian dài chịu ảnh hưởng của bên ngoài, trình độ dân trí thấp và xã hội đa cộng đồng. Bên cạnh đó, một yếu tố không kém phần quan trọng làm gia tăng những căng thẳng hiện nay đó là sự kiểm soát của chính phủ với lực lượng quân đội còn hạn chế. Do những bất đồng giữa các nhóm sắc tộc, nội bộ quân đội đã bị chia rẽ nghiêm trọng và quay lưng lại với nhau. Với một quốc gia chỉ mới ra đời chưa được 3 năm, đây quả thực là một thách thức quá lớn, cần sự nỗ lực của tất cả các bên và sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế. Do đó, việc Chính phủ và lực lượng nổi dậy Nam Sudan cùng ngồi vào bàn đàm phán được xem là dấu hiệu hạ nhiệt đầu tiên trong năm mới 2014 của một điểm nóng xung đột sắc tộc trong khu vực.
Đánh giá về động thái trên, đại diện Liên hợp quốc Hilde Johnson cho biết, chỉ riêng việc gửi phái đoàn tới thủ đô Addis Abeba (Ethiopia) đã là tín hiệu tích cực. Song, các cuộc đàm phán cần tập trung vào nỗ lực hòa giải giữa các cộng đồng sắc tộc tại Nam Sudan; đồng thời, nhấn mạnh các bên phải nhanh chóng thỏa hiệp để khép lại một giai đoạn đen tối của quốc gia nghèo khó này. Còn Chính phủ Mỹ thì cho rằng, việc mở các cuộc đàm phán là bước đi đầu tiên quan trọng và Washington khẳng định không ủng hộ bất kỳ lực lượng nào sử dụng bạo lực để nắm quyền cũng như sẽ buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về các hoạt động tàn sát và phạm các tội ác chiến tranh nếu có.
Dù các nhà trung gian hòa giải quan ngại tình trạng căng thẳng tiếp diễn sẽ hủy hoại cuộc đàm phán, nhưng nếu vượt qua, Nam Sudan sẽ không chỉ bảo đảm được cho người dân một cuộc sống hòa bình, ổn định, mà còn khẳng định được vị thế tại khu vực và trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.