(HNM) - Sau nhiều năm căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ, Nga và Nhật Bản đang đứng trước cơ hội lớn để xóa bỏ những bất đồng liên quan tới chủ quyền quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương bắc.
Trong bối cảnh chỉ còn một tuần nữa là cuộc đàm phán về lãnh thổ giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama và người đồng cấp Nga Igor Morgulov sẽ diễn ra tại Thủ đô Tokyo, nhiều động thái tích cực đã được phát đi. Gần đây nhất là tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ ý định "thực hiện nhiều hơn" các cuộc gặp cấp cao song phương trong năm nay nhằm tăng cường đối thoại với Nga về các vấn đề liên quan đến hiệp ước hòa bình. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận lời mời thăm Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe trong năm 2014. Tuy thời điểm chuyến thăm chưa được ấn định, song các cuộc tiếp xúc cấp cao liên tục được hai bên thực hiện cho thấy triển vọng phục hồi toàn diện quan hệ Nhật - Nga trở nên lạc quan hơn bao giờ hết.
Tranh chấp chủ quyền quần đảo Nam Kuril/ Vùng lãnh thổ phương Bắc đã cản trở quan hệ Nga - Nhật Bản nhiều năm qua. |
Quan hệ thương mại Nhật Bản - Nga, hai cường quốc kinh tế trong Nhóm các nước có nền kinh tế phát triển (G8), có rất nhiều tiềm năng và lợi ích cho cả hai bên; đồng thời góp phần duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực. Tuy nhiên, trở ngại do tranh chấp lãnh thổ trong nhiều thập kỷ qua đã ngăn cản hai quốc gia xích lại gần nhau hơn. Nga và Nhật Bản vì thế cũng chưa ký kết hiệp định hòa bình khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc vào năm 1945.
Từ trước tới nay, Nhật Bản vẫn đòi hỏi chủ quyền với Quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc dựa trên cơ sở Hiệp định Shimoda (1855) và St.Petersburg (1875). Theo đó, Nga hoàng công nhận các đảo Etorufu, Kunashiri, Shikotan và nhóm đảo Habomai thuộc chủ quyền của Nhật Bản. Phía Nga cho rằng quần đảo Kuril được người Nga khám phá và định cư sinh sống đầu tiên tại đây. Hai hiệp định nói trên đã bị vô hiệu hóa bởi cuộc chiến tranh Nga - Nhật Bản năm 1905 và Hiệp định Porstmouth cũng trong năm đó. Sau Thế chiến II, theo Hiệp định Yalta, Liên Xô, Mỹ, Anh thống nhất trao cho Liên Xô quần đảo Kuril. Tuy nhiên, Nhật Bản cho rằng đây là thỏa ước giữa các nước thắng trận, Nhật Bản không được biết vì không tham gia Hiệp định này. Nga cho rằng Hiệp định Yalta là hợp pháp và có giá trị vì Nhật Bản là nước khởi đầu Cuộc chiến tranh Thế giới thứ II, khi thua trận Nhật Bản phải chấp nhận những hậu quả.
Nhìn từ góc độ lợi ích kinh tế và chiến lược thì cả Nhật Bản và Nga đều không muốn cuộc tranh chấp làm tổn hại quan hệ giữa hai trụ cột của khu vực. Với Tokyo, quan hệ hữu hảo với nước Nga sẽ mang lại lợi ích to lớn về mặt an ninh. Ngoài ra, nước Nga có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, một thị trường đang phát triển là cơ hội không thể bỏ qua của các nhà đầu tư Nhật Bản. Chưa kể đến dầu lửa và khí đốt thiên nhiên vùng Viễn Đông của Nga luôn có ý nghĩa chiến lược với xứ Phù Tang nghèo tài nguyên. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Nhật Bản đang hướng đến mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung nhiên liệu cho một nền kinh tế xuất khẩu. Mặt khác, cải thiện quan hệ với Nga cũng nằm trong sự điều chỉnh chính sách chung của Tokyo theo hướng cân bằng quan hệ với các nước lớn thay vì dựa hẳn vào Mỹ như trước, qua đó tăng cường vị thế của Nhật Bản ở khu vực và trên thế giới.
Trong khi đó, thúc đẩy hợp tác với một cường quốc kinh tế cũng như công nghệ, kỹ thuật như Nhật Bản với Nga có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt vào thời điểm Mátxcơva đang thực hiện cải cách trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Nga đang vấp phải sự cạnh tranh khí đốt giá rẻ từ Châu Mỹ cùng kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của các nước Châu Âu thì việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Nhật Bản là nhân tố quan trọng để nước này mở rộng thị trường khí đốt tại Châu Á. Hay nói một cách cụ thể thì việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản mở ra khả năng bước đột phá để Nga thay đổi bản đồ năng lượng ở khu vực Đông Á.
Vì lẽ đó, dư luận đang kỳ vọng vào những tiến triển trong giải quyết vấn đề Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc, góp phần khơi thông quan hệ song phương giữa Nga và Nhật Bản. Tuy nhiên, với bản chất là tranh chấp lãnh thổ phức tạp có lịch sử lâu đời, nên chặng đường cả hai nước phải vượt qua để bước vào một thời kỳ quan hệ mới chắc chắn sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.