(HNM) - Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2014 diễn ra từ ngày 9 đến 12-10 tại Cung Thể thao Quần Ngựa - Hà Nội, với hơn 400 gian hàng triển lãm và trình diễn nghề.
Đây là dịp quảng bá, tuyên truyền về du lịch Hà Nội gắn với phát huy thế mạnh làng nghề truyền thống trên địa bàn. Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội về liên hoan.
- Đây là lần thứ hai Liên hoan du lịch làng nghề Hà Nội được tổ chức. Ông có thể cho biết mục đích tổ chức cũng như nét mới tại liên hoan năm nay?
- Liên hoan được tổ chức với mục đích chính là khai thác thế mạnh của Hà Nội về di sản làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch. Đây cũng là hoạt động nằm trong chương trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống của Hà Nội; quảng bá tinh hoa nghề truyền thống và ẩm thực Hà Nội và các địa phương trong cả nước.
Năm nay, chúng tôi tập trung tôn vinh làng nghề truyền thống của Hà Nội. Tuy nhiên, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước", Thủ đô đã mời các làng nghề truyền thống của các tỉnh, thành phố trong cả nước về tham dự trên tinh thần hoàn toàn miễn phí các gian hàng tiêu chuẩn và sẵn sàng hỗ trợ làng nghề các tỉnh giới thiệu sản phẩm trong điều kiện cho phép.
Tinh hoa các nghề thủ công truyền thống sẽ được quảng bá tại Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm |
- Với quy mô trên 400 gian hàng, có thể hình dung về các phần trưng bày, trình diễn nghề ra sao, thưa ông?
- Không gian liên hoan được chia thành nhiều khu, trong đó, khu làng nghề truyền thống Hà Nội có 143 gian, là nơi trưng bày, trình diễn nghề, giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề truyền thống của Hà Nội. Tại đây sẽ tổ chức các hoạt động thao diễn tay nghề của các nghệ nhân phố nghề, làng nghề truyền thống nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách. Khu ẩm thực dự kiến có 68 gian, là nơi giới thiệu ẩm thực Hà Nội, nơi giao lưu, trình diễn, chế biến món ăn và giới thiệu nghệ thuật ẩm thực đặc sắc của Hà Nội, các địa phương và quốc tế. Khu triển lãm du lịch có 56 gian, nơi các doanh nghiệp du lịch và một số hãng hàng không tổ chức triển lãm, giới thiệu các tour du lịch làng nghề và các chương trình du lịch kích cầu trong và ngoài nước. Ngoài ra, BTC dành một khu riêng để giới thiệu các trò chơi dân gian gắn với làng nghề như rối nước, rối cạn, đu tiên, bắt chạch trong chum, đi cà kheo...
- Một trong những yếu tố để thu hút khách du lịch đến với liên hoan là sự tương tác giữa người làm nghề với khách. Tại liên hoan lần này, khách tham quan có được tham gia một số công đoạn trong quá trình sản xuất sản phẩm của làng nghề không? Cụ thể là gì, thưa ông?
- Chúng tôi khuyến khích và kêu gọi các làng nghề cố gắng tối đa để tổ chức biểu diễn quy trình làm nghề và cho phép khách tham gia trực tiếp vào một số công đoạn. Tại liên hoan, du khách sẽ được tham gia các công đoạn sản xuất sản phẩm nghề thủ công như nặn, vẽ (nghề gốm); vót, đan (nghề mây tre đan)... Đặc biệt, hằng ngày chúng tôi sẽ tổ chức các tour du lịch xuất phát từ khu vực liên hoan, tới các làng nghề truyền thống của Hà Nội trong khoảng thời gian nửa ngày hoặc một ngày. Các tour này sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về làng nghề truyền thống Hà Nội.
- Có một thực tế là hiểu biết về du lịch làng nghề truyền thống của Hà Nội của du khách trong và ngoài nước còn khá hạn chế. Liên hoan liệu có giải quyết được phần nào vấn đề này?
- Không phải ai cũng có điều kiện để về tận làng Chuông ở Thanh Oai để tìm hiểu về nghề làm nón, hay về Phú Vinh - Chương Mỹ để tìm hiểu nghề làm mây tre đan. Nhưng tại liên hoan này, họ có thể có được sự hiểu biết về những nghề đó.
- Các sản phẩm du lịch của Hà Nội sẽ được giới thiệu như thế nào tại liên hoan?
- Chúng tôi đã rút kinh nghiệm từ lần tổ chức trước. Vì thời điểm tổ chức liên hoan là tháng 10, sự chú ý của người dân vào các tour tuyến du lịch không cao như tháng 4 - thời điểm bắt đầu mùa du lịch hè, vì vậy chúng tôi chỉ cho phép các doanh nghiệp du lịch có sản phẩm phù hợp với tiêu chí của liên hoan tham gia. Thứ nhất, các sản phẩm du lịch phải ít nhiều liên quan đến làng nghề. Thứ hai, Bộ VH, TT&DL, Tổng cục Du lịch cũng như Hà Nội đang khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức triển khai hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch và chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", vì vậy, giá của các tour tuyến hay sản phẩm của các hãng hàng không phải có mức giảm, thậm chí giảm sâu để khuyến khích người dân mua sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp Việt Nam.
- Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước nhưng du lịch làng nghề dường như chưa phát triển xứng với tiềm năng. Có thể kỳ vọng vào liên hoan du lịch lần này?
- Hà Nội rất giàu tiềm năng du lịch nhưng chúng ta còn rất nhiều mảng, khía cạnh, thế mạnh chưa được khai thác hoặc khai thác chưa đúng mức. Sự kiện thiết thực này sẽ tạo ra cú hích để từng bước khai thác di sản làng nghề truyền thống - nguồn tài nguyên du lịch quý giá - một cách hiệu quả. Hơn nữa, thông qua liên hoan, các làng nghề cũng có thể chủ động tìm đối tác du lịch để hợp tác phát triển.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.