Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội phát triển văn hóa đọc trong thời đại mới

Quỳnh Dương| 08/05/2022 06:45

(HNMCT) - Xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XX, các ấn phẩm kỹ thuật số đã mang đến một cuộc cách mạng cho ngành xuất bản thế giới. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, độc giả đã có thể đọc nhiều cuốn sách, xem hình ảnh, nghe âm thanh tích hợp một cách sống động cùng khả năng tương tác cao.

Các ấn phẩm số đang ngày càng thu hút độc giả trẻ.

Từ khi xuất hiện các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, tiện dụng như máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại thông minh..., “mảnh đất” của các ấn phẩm kỹ thuật số ngày càng phát triển rộng rãi hơn. Người dân trên thế giới, đặc biệt là giới trẻ, thích tiếp cận các ấn phẩm này do độ tiện dụng và tính linh hoạt cao. Chỉ cần một thiết bị điện tử thông minh, người sử dụng có thể xem sách, nghe truyện, âm nhạc... ở mọi nơi, mọi lúc chứ không cần không gian, thời gian thích hợp như khi đọc sách giấy, nghe nhạc qua băng đĩa. Bởi vậy, trong cuộc sống bộn bề của công việc, các ấn phẩm điện tử là lựa chọn hàng đầu.

Với các ấn phẩm kỹ thuật số, người đọc có thể dễ dàng tìm được các đầu sách, bản nhạc, bài hát yêu thích và tùy chỉnh phông chữ, độ sáng tối, âm lượng to nhỏ để thưởng thức. Theo Giáo sư người Israel Yuval Noah Harari, trong vài thập niên tới, khi trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào đời sống một cách rộng khắp, không ít các ngành nghề biến mất, ngay cả nền giáo dục của những nước tiên tiến nhất cũng không thể cập nhật đủ nhanh để theo kịp tốc độ thay đổi đó. Chính vì thế, việc đọc sách là sự chuẩn bị cần thiết giúp những người trẻ ở bất cứ quốc gia nào thích ứng với cuộc sống hiện tại và chuẩn bị cho tương lai. Các ấn phẩm điện tử giúp con người có thể tiếp cận dễ dàng hơn với tri thức của nhân loại.

Bên cạnh sự tiện dụng, ấn phẩm kỹ thuật số có chi phí thấp, phù hợp với những đối tượng có thu nhập hạn chế. Không những thế, bạn còn có thể dễ dàng lưu giữ và bảo quản ấn phẩm trong thời gian dài mà chất lượng không đổi thông qua giao thức mạng internet và bộ nhớ. Chỉ với một chiếc ebook hay máy tính bảng, bạn có thể lưu giữ hàng nghìn quyển sách - điều không thể làm được với sách giấy. Ví dụ, có kích thước chỉ bằng một cuốn sổ nhỏ, máy đọc sách Kindle loại rẻ tiền nhất của hãng Amazon có thể chứa từ 2.000 đến 4.000 cuốn sách điện tử...

Tuy vậy, bên cạnh ưu điểm nổi trội, xuất bản số vẫn tồn tại những mặt hạn chế. Thứ nhất, việc tiếp cận ấn phẩm phải thông qua các thiết bị phần cứng và phần mềm khiến người đọc phải mất một khoảng thời gian mới có thể làm quen. Một số văn bản trình bày thiếu tính thẩm mỹ, không khoa học và do đó, làm giảm độ hấp dẫn của tác phẩm. Thứ hai, sách điện tử chưa có nhiều hình thức định dạng nội dung để có thể hiển thị được trên mọi thiết bị; nguồn năng lượng mà thiết bị cung cấp chỉ đáp ứng cho việc đọc, xem, nghe trong khoảng thời gian nhất định...

Hiện nay, một trong những khó khăn của xuất bản điện tử là việc xác định thể loại, đề tài, hình thành đội ngũ chuyên gia về nội dung, công nghệ, phân phối chung. Ngoài ra, việc bảo vệ bản quyền ấn phẩm điện tử còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các phần mềm tạo sách điện tử đều chưa có giải pháp hữu hiệu để chống việc sao chép và bảo vệ các quyền cho tác giả và cho các nhà xuất bản. Tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan có thể làm mất động lực sáng tác của các tác giả. Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ Pete Hamill cho biết: “Xuất bản kỹ thuật số cung cấp cho các tác giả một đáp án hiệu quả nhất đối với “bài toán” về chi phí xuất bản và khả năng tiếp cận với độc giả tiềm năng. Hầu hết các tác giả hiện đều sẵn sàng xuất bản sách của họ ở định dạng kỹ thuật số. Tuy nhiên, sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu các biện pháp bảo vệ bản quyền cho các ấn phẩm số được thực hiện một cách chặt chẽ hơn”. Một hạn chế nữa của các ấn phẩm số thường được đề cập tới là, do ưu điểm xuất bản nhanh và cá nhân nào cũng có thể “sản xuất” sách riêng của mình trên nền tảng kỹ thuật số nên chất lượng nội dung của nhiều ấn phẩm chưa cao, ảnh hưởng tới độc giả.

Từng có thời điểm nhiều người đã tỏ ra lo ngại rằng sự bùng nổ của các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới văn hóa đọc, con người sẽ có xu hướng chuyển sang nghe, nhìn nhiều hơn. Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh, chúng ta không nên quá lo lắng về thách thức, mà phải nhìn thấy cơ hội để có sự nhận diện thấu đáo, từ đó đề ra chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số. Nói cách khác, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo ra thách thức mà còn đưa đến cơ hội cho văn hóa đọc. Trong đó, hạ tầng và tri thức về công nghệ thông tin là yếu tố then chốt thúc đẩy văn hóa đọc trong giai đoạn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội phát triển văn hóa đọc trong thời đại mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.