Văn hóa

Kỷ niệm 66 năm Ngày Báo Hànộimới hằng ngày xuất bản số đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2023):Những kỷ niệm khó quên

Giang Bùi 24/10/2023 06:10

Đi để khám phá và viết, đó vốn là chuyện thường ngày của người làm báo. Với riêng tôi, đó còn là những trải nghiệm vô cùng quý giá, cũng là động lực vượt qua những gian truân, vất vả, giúp bồi đắp kiến thức, bản lĩnh và lòng yêu nghề.

Sau mỗi chuyến tác nghiệp trở về, tài sản không chỉ là những “đứa con tinh thần” được viết ra nhờ thông tin nóng hổi từ cuộc sống, mà còn là những kỷ niệm khó quên, ngày ngày được lưu giữ vào kho ký ức, để rồi cứ động vào là nhớ...

chi-hoi-bao-ha-tay-di-thuc-.jpg
Cán bộ, phóng viên Báo Hà Tây (cũ) đi thực tế tại huyện Mỹ Đức.

Nhớ 15 năm trước, ngày 30-7-2008. Hôm ấy, tôi được Ban Biên tập Báo Hà Tây phân công đưa đồng nghiệp Báo Hànộimới đi cơ sở viết bài cho số báo ra ngày 1-8, ngày đầu tiên hợp nhất tỉnh Hà Tây với Thủ đô Hà Nội. Từ sáng sớm, Đoàn Anh Tuấn, nhóm trưởng cùng các phóng viên Hànộimới đã có mặt tại trụ sở Báo Hà Tây - số 178 Quang Trung, Hà Đông (nay là trụ sở 2 của Báo Hànộimới). Thoạt nhìn các bạn đồng nghiệp trẻ trung, tràn đầy năng lượng, tâm trạng phấn chấn, háo hức và những cái bắt tay nồng ấm, tôi đã thấy cảm kích, gần gũi và quen thân.

- Các bạn thích đi ngược hay xuôi đây? Tôi hỏi.

- Hôm nay đi tác nghiệp, tất cả bọn em nghe theo sự sắp đặt của chị - Tuấn nhanh nhảu nói kèm theo nụ cười thân thiện.

Ngẫm một lúc, tôi quả quyết:

- Vậy cứ nhằm hướng Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, sẽ tới nơi bọn mình muốn đến!

Sau cuộc điện thoại đặt lịch làm việc với cơ sở, chúng tôi lên đường, một mạch tới các xã miền núi huyện Ba Vì, “càn quét” thông tin và dừng lại lâu hơn ở xã Ba Trại - trung tâm của vùng chè và cũng là trung tâm của 7 xã miền núi huyện Ba Vì.

Được thỏa sức ngắm những nương chè xanh ngút mắt, giữa không gian khoáng đạt, ngước nhìn “núi Tổ của trời Nam” kỳ vĩ quanh năm choàng chiếc khăn mây trắng, ai nấy đều xuýt xoa, cảm nhận sâu sắc về một mảnh đất tiềm năng ngợp trong huyền thoại. Ở vùng đất mênh mông thuộc 7 xã miền núi của huyện Ba Vì tiềm tàng tài nguyên và sức mạnh đoàn kết, đồng bào các dân tộc nơi đây với đa dạng sắc thái văn hóa đặc sắc đã và đang đồng tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, xây dựng vùng du lịch tâm linh - sinh thái - làng nghề. Đây thực sự là một “địa chỉ đỏ” cuốn hút niềm đam mê sáng tạo của cánh “thợ săn” báo chí và là mạch nguồn cảm hứng của nhiếp ảnh, thi ca, nhạc họa...

Với tổng diện tích hơn 1.780ha, huyện Ba Vì là vùng trồng chè lớn nhất của Hà Tây khi đó và Hà Nội bây giờ, trong đó xã Ba Trại được coi là vựa chè, cũng là địa phương có truyền thống trồng chè lâu đời nhất. Sản phẩm chè Ba Trại đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Thời điểm chúng tôi lên Ba Vì 15 năm trước cũng chính là khoảng thời gian vùng chè Ba Trại trải không ít thăng trầm, có thời điểm đứng trước nguy cơ bị phá bỏ.

Ngợp trong ngút ngàn màu xanh của đồi chè Ba Trại, màu vàng của trái cây vườn đồi Tản Lĩnh, hay vô vàn loài thuốc Nam trên nương của người Dao xã Ba Vì, người ta cảm nhận được bản sắc khó có thể trộn lẫn. Phải chăng mảnh đất vốn thấm đẫm huyền thoại, hội đủ thiên thời địa lợi, khí hậu trong lành, được mạch nước ngầm chảy từ đầu nguồn sông Tích dưới chân núi Tản tắm tưới, cho nên hương chè thơm tự nhiên, màu nước xanh sóng sánh vàng như mật ong rừng, vị chát ngọt đậm đà, uống vào tự dưng thấy lòng thanh thản.

Phỏng vấn, chụp ảnh, gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo địa phương về cách khai thác thế mạnh văn hóa, xã hội, những cách làm hay, những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế... Rồi những “đứa con tinh thần” của chúng tôi được chào đời. Bài viết phản ánh chân thực đời sống của người dân miền núi Ba Vì cùng những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa mang hơi thở cuộc sống mới đã tràn vào trang báo Hànộimới số ra ngày 1-8-2008, góp phần lan tỏa, củng cố niềm tin của người dân vào cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng bước vào giai đoạn mới, xây dựng Thủ đô mở rộng ngày càng giàu đẹp, phát triển. Chúng tôi đã tự hào đón ngày hợp nhất Thủ đô Hà Nội - tỉnh Hà Tây, ngày Báo Hànộimới và Báo Hà Tây về chung một nhà với những trải nghiệm vô cùng thú vị, đậm chất nghề, ở một vùng đất văn hiến nghìn đời như thế.

20231014_122641.jpg
Tác giả (ngồi giữa) trong chuyến đi Trường Sa tháng 4 - 2009.

Sau 15 năm, giờ đây cả 7 xã miền núi của huyện Ba Vì đều phát huy thế mạnh để phát triển. Cuối tháng 9 vừa qua, huyện Ba Vì đã vinh dự đón nhận danh hiệu huyện đạt chuẩn Nông thôn mới cùng tấm huân chương Lao động hạng Ba đúng dịp kỷ niệm 55 năm thành lập huyện. Riêng Ba Trại là một trong những xã miền núi đầu tiên của thành phố Hà Nội đạt chuẩn Nông thôn mới từ năm 2017 và hiện cả 9/9 thôn đều được công nhận là làng nghề sản xuất, chế biến chè. Năm 2010, được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, đưa giống mới vào trồng và cải tạo những vườn chè già cỗi, nhiều hộ nông dân ở đây đã thực hiện quy trình sản xuất VietGAP, năng suất gấp 3 lần so với giống cũ, chất lượng tốt hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thu nhập của nhiều hộ trồng chè tăng cao, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ một xã miền núi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhờ cây chè, cuộc sống của người dân Ba Trại từng bước vươn tới sự sung túc, giàu có.

Tháng 11-2010, thương hiệu “Chè Ba Vì” (Bavi Tea) đã chính thức được công nhận. Trong số hơn 470ha trồng chè, có gần 20ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP; mỗi héc ta cho số thu từ 170 đến trên 200 triệu đồng. Không chỉ có vậy, vùng đất này còn đang là điểm du lịch sinh thái - làng nghề hấp dẫn. Những thành tựu của Ba Trại nói riêng và Ba Vì nói chung đã khẳng định một hướng đi hiệu quả, khẳng định thêm tiềm năng, giá trị văn hiến - vùng kinh tế trọng điểm phía Tây Bắc của thành phố Hà Nội. Một vùng đất luôn tràn trề sức sống mới.

15 năm qua kể từ ngày hợp nhất, những người làm báo Đảng của Thủ đô đã cùng nhau trải qua những cung bậc cảm xúc, tình yêu nghề nghiệp, vượt qua những chuệch choạc của buổi ban đầu, để rồi từng tháng, từng năm một cùng nhau trải nghiệm những sự kiện của thành phố, của đất nước, điều đó đã giúp chúng tôi quyện hòa trong không khí báo chí và cùng góp sức xây dựng “ngôi nhà chung Hànộimới”.

Những mảnh ghép đa màu của cuộc sống và biết bao gương mặt người đã gặp trong những hành trình tác nghiệp chính là những món quà vô giá đã tiếp thêm sức mạnh, nguồn năng lượng để chúng tôi nỗ lực cống hiến nhiều hơn cho nghề báo, cho tờ báo và cho bạn đọc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 66 năm Ngày Báo Hànộimới hằng ngày xuất bản số đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2023): Những kỷ niệm khó quên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.