Hôm nay (24-10), đúng 67 năm sau ngày Báo Hànộimới xuất bản số hằng ngày đầu tiên. Đây cũng là thời điểm Báo Hànộimới chuẩn bị bước tới dấu mốc quan trọng - đón số báo hằng ngày thứ 20.000 vào ngày 30-10-2024.
Hai vạn ngày qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động của Báo Hànộimới đã phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực đổi mới, sáng tạo để xây dựng tờ báo ngày càng phát triển, khẳng định vị trí cơ quan báo chí chủ lực của Hà Nội, xứng đáng là đơn vị Anh hùng Lao động, tự tin chuyển mình trong kỷ nguyên số.
Tự hào và phát huy truyền thống Anh hùng
Ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội hoàn toàn giải phóng. Khi đó, tại Hà Nội đã có báo Thời mới và Hà Nội hằng ngày, là những tờ báo tư nhân do các nhà báo yêu nước thực hiện. Việc ra một tờ báo "chính thống" lúc thành phố đã qua giai đoạn ổn định trật tự, khẳng định được sự lãnh đạo của Đảng được đặt ra. Ngay sau đó, Thành ủy Hà Nội đã nêu yêu cầu cần có một tờ báo hằng ngày ở Thủ đô. Văn kiện chính thức thể hiện quyết tâm trên là Nghị quyết số 93-ĐBHN "Về việc xuất bản báo hằng ngày ở Thủ đô" của Thành ủy, ra ngày 26-2-1957. Đáp ứng yêu cầu trên, ngày 24-10-1957, Báo Thủ đô - Cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội ra mắt bạn đọc số hằng ngày đầu tiên.
Báo vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên hai lần. Lần thứ nhất, ngày 1-1-1959, hai cơ quan báo Thủ đô và Hà Nội hợp nhất, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Báo Thủ đô Hà Nội. Lần thứ hai, ngày 25-1-1968, Báo Thủ đô Hà Nội hợp nhất với Báo Thời mới, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Báo Hànộimới. Tên gọi ấy gắn liền với báo từ đó đến nay.
Ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII "Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội", Báo Hànộimới và Báo Hà Tây hợp nhất trong “ngôi nhà chung” Báo Hànộimới, càng tạo thêm sự lớn mạnh cho tờ báo của Thủ đô.
Là cơ quan của Thành ủy Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, trong suốt chiều dài 67 năm qua, Báo Hànộimới luôn có những đóng góp quan trọng vào thành tích chung của Thủ đô, được Trung ương, thành phố ghi nhận. Báo luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích; bám sát thực tiễn, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như của Đảng bộ, chính quyền Thủ đô; động viên, cổ vũ toàn dân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do trước đây, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Đặc biệt, ngày 16-4-2014, Báo Hànộimới vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, ghi nhận những đóng góp bền bỉ của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động của Báo Hànộimới.
Hiện nay, bên cạnh ấn phẩm Báo in Hànộimới hằng ngày, Báo còn tổ chức các ấn phẩm, như Hànộimới điện tử, Hànộimới cuối tuần, Hà Nội ngày nay. Các ấn phẩm của báo luôn kết nối, tích hợp để thông tin phủ rộng các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội đến các cơ quan, doanh nghiệp, xã, phường, thị trấn của Hà Nội và có sức lan tỏa trên phạm vi cả nước cũng như ở nước ngoài… Các hình thức thông tin của báo không ngừng được đổi mới, đa dạng, cập nhật những xu thế báo chí hiện đại như video, e-magazine, infographic, megastory, podcast… đem đến trải nghiệm hấp dẫn cho độc giả.
Đáng lưu ý, nhằm tri ân sâu sắc đông đảo đảng viên lão thành đang sinh hoạt tại Đảng bộ thành phố, đồng thời mong mỏi sự đồng hành, đóng góp của các đảng viên với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô, thực hiện quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy, từ ngày 1-1-2017, Báo Hànộimới đã làm tốt việc biếu Báo Hànộimới hằng ngày đối với đảng viên được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng trở lên. Đội ngũ người làm báo Hànộimới cũng không ngừng dấn thân, tìm tòi, sáng tạo để nâng cao chất lượng tác phẩm, đoạt nhiều giải thưởng cao trong các giải báo chí của thành phố, bộ, ngành và quốc gia.
Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện theo hướng hiện đại
Bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng sự bùng nổ của công nghệ số đã tạo ra những thách thức nhưng cũng đem lại nhiều cơ hội lớn đối với lĩnh vực báo chí và truyền thông. Văn hóa đọc của người dân cũng đã thay đổi mang tính cách mạng, từ thụ động sang chủ động, từ thói quen chờ nhân viên bưu điện giao báo mỗi sáng và đọc các tin tức từ ngày hôm qua, đến việc lựa chọn kênh, sóng, tờ báo, trang thông tin để tiếp cận. Họ có thể xem trực tiếp các sự kiện đang diễn ra ở xung quanh mình và khắp nơi trên thế giới bằng điện thoại thông minh (smartphone).
Trước thực tế đầy thách thức đó, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức nhận định, Báo Hànộimới nói riêng và báo chí Việt Nam nói chung đang đối mặt với yêu cầu gắt gao phải đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, sâu sắc và bài bản. Quá trình đổi mới phải lấy con người là trung tâm, là chủ thể, cụ thể chính là từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động...
“Yêu cầu trước nhất là phải thống nhất nhận thức về sự cấp thiết, cấp bách phải hành động để thay đổi, đổi mới; coi đây là yếu tố sống còn đối với nghề nghiệp, đối với tờ báo. Trên cơ sở đó, từng cá nhân cần nỗ lực để tìm kiếm cơ hội và sẵn sàng tâm thế đón nhận một cách hào hứng khi có điều kiện được học tập, được bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp. Nhưng quan trọng hơn là phải tự trau dồi, nâng cao trình độ, tiếp cận với khoa học, kỹ thuật tiên tiến, những phương tiện mới, cách làm báo mới, cùng tăng tốc để nhanh hơn, cùng nỗ lực để hay hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn, giá trị hơn; sẵn sàng bắt “trend” (xu hướng), làm “SEO” (tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm)...”, Tổng Biên tập Báo Hànộimới nhấn mạnh.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Đức, những người làm báo trong kỷ nguyên số đang phải đối mặt với 3 vấn đề. Đó là nội dung, công nghệ và kinh tế báo chí. Nếu có nội dung, có công nghệ nhưng không mang lại kinh tế báo chí thì cũng không thể tồn tại. Nhiều cơ quan báo chí đã ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn), IoT (internet vạn vật) để tạo ra các sản phẩm mới, như ứng dụng trả lời tự động (chatbot) hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác... Đây là xu hướng tất yếu để các tờ báo đổi mới và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đi liền với cách thức tiêu dùng và thụ hưởng dịch vụ mới, không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn là hướng đi kích thích nhu cầu phát triển, vừa gia tăng trải nghiệm cho bạn đọc, vừa mở ra cơ hội cho sự phát triển của đơn vị báo chí, truyền thông.
Phát huy thành tích đạt được trong công tác kinh tế báo chí những năm qua, Báo Hànộimới đã chuyển mình mạnh mẽ trong các hoạt động phát hành, quảng cáo, tổ chức các sự kiện, chương trình từ thiện xã hội để phát triển kinh tế báo chí. Ngoài cơ chế đặt hàng báo biếu tới đảng viên trên 50 năm tuổi Đảng tại thành phố, Báo chủ động đẩy mạnh tìm kiếm yêu cầu đặt hàng từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội; nghiên cứu triển khai phát hành báo in trên nền tảng số. Trung tâm Phát hành của Báo đã trực tiếp tổ chức triển khai phát hành tại một số quận, từ đó, giảm chi phí và tăng nguồn thu cho cơ quan. Công tác quảng cáo không ngừng ứng dụng công nghệ số, quảng cáo trực tuyến và tận dụng các nền tảng mạng xã hội để tăng doanh thu. Bên cạnh đó, Báo Hànộimới cũng đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh đa dạng nguồn thu từ việc tổ chức các sự kiện, chương trình từ thiện xã hội, làm tốt công tác truyền thông doanh nghiệp…
“Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ người làm báo Đảng Thủ đô đã xây dựng 67 năm qua, xứng đáng là tờ báo Anh hùng Lao động, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Hànộimới quyết tâm đoàn kết, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện tờ báo theo hướng hiện đại”, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.