Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội phát triển bán hàng trực tuyến

Thanh Hiền| 16/05/2021 06:19

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức bán hàng trực tuyến được doanh nghiệp, người dân lựa chọn thường xuyên hơn. Trong tương lai, kênh bán hàng trực tuyến sẽ còn phát triển và song hành với kênh bán hàng truyền thống.

Phát triển kênh bán hàng trực tuyến không chỉ giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu, mà còn tạo sự tiện lợi trong việc mua sắm của người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đơn hàng trực tuyến tăng mạnh

Ghi nhận của hệ thống siêu thị trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gần đây cho thấy, tỷ lệ giao dịch hàng hóa trực tuyến tăng từ 25% đến 50% và tập trung ở những nhóm hàng thiết yếu. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm, Hapro đã thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến qua ứng dụng BRG Shopping, hay trang tương tác (Fanpage), đường dây nóng (hotline) nên lượng khách đặt hàng trực tuyến tăng gần 50% so với trước khi xảy ra đợt dịch này. Tương tự, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho hay: “Những ngày qua, lượng khách đặt hàng trực tuyến tăng 50% so với ngày thường”.

Không chỉ các siêu thị, nhiều cửa hàng thực phẩm cũng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Chị Nguyễn Thu Thảo, cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Tú Mỡ, quận Cầu Giấy cho biết, so với thời điểm trước khi xảy đợt dịch Covid-19 lần này ở Hà Nội, giao dịch mua hàng trực tuyến tại cửa hàng tăng gấp nhiều lần và cao hơn so với mua trực tiếp.

Tương tự, bà Đoàn Thúy, đại diện Công ty TNHH Glovimex (chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ) tại ngõ 67 Chùa Láng (quận Đống Đa) thông tin, dịch Covid-19 khiến việc bán hàng của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang kênh thương mại điện tử, doanh thu của doanh nghiệp tăng gấp 2 lần. Còn theo đại diện Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), với việc bán hàng trực tuyến, Vinamilk tiếp cận thêm được nhiều khách hàng, nhất là trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp như hiện nay.

Nếu trước đây, vào cuối tuần, chị Nguyễn Thị Thúy (ngõ 116 Thụy Khuê, quận Tây Hồ) thường đến các siêu thị, trung tâm thương mại mua sắm thì từ khi có đợt dịch Covid-19 trong cộng đồng mới, gia đình chị đã hạn chế đến những nơi đông người. “Tôi thấy việc mua sắm trực tuyến là giải pháp hữu hiệu vì không phải đi lại nhiều, hàng hóa được giao tận nhà”, chị Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, với việc phát triển kênh bán hàng trực tuyến, tư duy mua sắm của người dân đang chuyển biến theo hướng tích cực, không chỉ phù hợp với xu hướng phát triển chung, mà còn thúc đẩy các loại hình dịch vụ mới có liên quan về tài chính, giao nhận, trao đổi thương mại giữa các nhà phân phối và cung cấp nền tảng công nghệ phát triển. Trong năm 2020, thương mại điện tử trên địa bàn thành phố tăng trưởng 30%, với 12.359 website, ứng dụng bán hàng, đóng góp 8% trong tổng mức bán lẻ của thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, góp phần phòng, chống dịch Covid-19.

Doanh nghiệp nắm bắt cơ hội

Có thể thấy, mua sắm trực tuyến đang chiếm ưu thế và bùng nổ ấn tượng khi dịch bệnh buộc người dân phải hạn chế tiếp xúc. Tuy nhiên, đây cũng là xu hướng phát triển trong tương lai mà nhiều doanh nghiệp đang nắm bắt và tận dụng cơ hội. Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nhận định, kênh bán hàng trực tuyến không chỉ góp phần tiêu thụ hàng hóa trong thời điểm có dịch, mà còn là kênh bán hàng hiện đại bên cạnh kênh bán hàng truyền thống. Vì thế, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển lâu dài hình thức bán hàng này.

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Đoàn Thúy, đại diện Công ty TNHH Glovimex cho biết, kinh doanh trực tuyến còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm bớt nhân sự, nên doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển hình thức bán hàng trực tuyến bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống. Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu điện tử Đức Hiếu (24 Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng) Phạm Xuân Phương cũng chia sẻ, kết hợp phương thức bán hàng trực tuyến và bán hàng trực tiếp giúp doanh thu của doanh nghiệp tăng từ 20% đến 25%.

“Có thể nói, thói quen của người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm là "mắt thấy, tay sờ". Vì vậy, sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hình thức bán hàng trực tuyến và bán hàng trực tiếp là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”, bà Phạm Xuân Phương nói.

Đại diện các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Co.opmart, VinMart… cũng đều khẳng định, tập trung phát triển hai hình thức bán hàng trực tuyến và trực tiếp trong tương lai, với việc xây dựng các ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động và triển khai các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. 

“Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tập trung xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động thương mại điện tử phù hợp. Cùng với đó, thành phố hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin, thanh toán, khuyến mại trực tuyến, hỗ trợ kết nối nhanh giữa người sản xuất, người bán với người mua…”, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Bên cạnh việc hỗ trợ khách mua sắm trực tuyến, các siêu thị đều nghiêm túc thực hiện các phương án phòng, chống dịch Covid-19, như phun khử trùng thường xuyên các phương tiện vận chuyển và hàng hóa trước khi giao đến người tiêu dùng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội phát triển bán hàng trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.